Gia Phả OnLine




Họ Bùi
Họ Lương
Họ Mai Họ Mai (bổ túc-Thủ bút của cố Mai Xuân Trúc)
Họ Ngô


Họ Nguyễn
Họ Trịnh
Họ Vũ




Trang Chính Gia Phả
E-mail to Ngô Ngọc Nguyện

__________________________________


Sử-liệu liên quan đến Giáo Phận và giáo dân Bùi Chu


1. Các Vua Nhà Nguyễn và Công Giáo - LM Bùi Đức Sinh

2. Lịch Sử Ðịa Phận Bùi Chu - LM Trần Đức Huynh

3. Lược sử xứ Trung Thành từ khi nhận ánh sáng phúc âm. - Ông Bùi Ngọc Riềm

4.Tử Đạo Của Ba Binh Sĩ Địa Phận Bùi Chu - LM Vũ Đình Trác

5. Danh sách Các Vị Tử Vì Đạo xứ Trung Thành - Ông Bùi Ngọc Riềm


__________________________________


Tham Khảo Về Phả Hệ Liên Tộc


1. Tham Khảo Về Việc Làm Cuốn Gia Phả - Ông Vũ Ngọc Hải


2. Phả Hệ Liên Tộc Online - Ngô Ngọc Nguyện


3.Bài ca vè họ Ngô - Cụ Ngô Ngọc Cầu


4.Đôi Dòng Về Ông Tổng Mão Qua Lời Tâm Sự Của Cụ Ngô thị Lộc - Ngô Ngọc Nguyện


5.Thương Nhớ Cụ Phan Văn Uy - do cháu Vũ Ngọc Hải ghi lại


Các Bút Tích Của Cụ Phan Văn Uy (Ngành bà bá Vũ)


1. Chúc Mừng Tân Linh Mục Phao Lô Phạm Việt Hưng - do Cụ Phan Văn Uy


2. Chúc Mừng Tân Linh Mục Phao Lô Phạm Việt Hưng II - do Cụ Phan Văn Uy


3. Ất Dậu Xuân Cảm Khái - trang 1


4. Ất Dậu Xuân Cảm Khái trang 2


5. Thâm Thù Nô Cộng Mãi Quốc


Các Tài Liệu Nghiên cứu


1. Lịch Sử Ðịa Phận Bùi Chu


VietnamNews Banner


Các vua nhà Nguyễn và Công Giáo

Lời giới thiệu: Dức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô Ðệ Nhị đã long trong cử hành ngày lễ phong thánh cho 117 vị tử đạo VN vào năm 1986, cộng sản VN đã nhân cơ hội này để vu cáo cho Giáo hội Công Giáo là tay sai của thực dân Pháp qua những bài viết trong và ngoài nước VN. Cụ thể là nhóm Thông Luận tại Pháp đã liên tục nhiều số báo đả kích Công Giáo. Âm mưu thâm độc của Cộng Sản nhằm chia rẽ và gây hiềm khích các tôn giáo. Bài viết sau đây có giá trị lịch sử nhờ vào những sử liệu đúng đắn đã được anh Nguyễn Kim ở Canada đăng trên newsgroup soc.culture.vietnamese trong năm 1998. Một lần nữa thành thật cảm ơn anh Nguyễn Kim đã cho phép chúng tôi in lại bài viết này. Các hình ảnh kèm theo đây được trích ra từ cuốn "Lịch sử Giáo hội Công Giáo" của L.M. Bùi Ðức Sinh (Chân Lý Xuất bản SG- 1972)

Vài người trong chúng ta có lẽ chưa bao giờ biết lịch sử truyền đạo CG vào Việt Nam một cách chi tiết cho tới khi đọc cuốn "Việt Nam Giáo Sử" của Phan Phát Huồn, xuất bản vào năm 1965. Nếu chỉ dựa vào vài sách sử, đặc biệt là "Việt Nam Sử Lược" của Trần Trọng Kim, thì ta chỉ biết những tài liệu và sự phê bình tổng quát của sử gia về các giai đoạn này mà thôi.

Ðã có nhiều sách nói về sự liên hệ giữa thực dân và các nhà truyền giáo ở đây, chúng ta chỉ nói một phần nào việc theo "ngoại đạo" và duy trì nó khổ sở ra sao của chính người Việt Nam trước sự bài bác của các vị vua nhà Nguyễn (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức và Hàm Nghi). Ðọc sách của ông Huồn, người ta mới khám phá rằng người theo đạo CG bị bách hại vào các thời vua Nguyễn hay trước đó với mức độ ngoài sức tưởng tượng.

Có thể nói, có người sẽ không khỏi tự hỏi tại sao một số dân và triều đình ta lại quá tàn ác giết người kinh khủng như thế. Sự bắt đạo đó hoàn toàn do sự bảo thủ u tối của các triều đình hủ nho và sự kỳ thị của dân ta ở các thế kỷ trước, hơn là vì lý do chính trị. Sự xung đột của các nền văn hóa Ðông-Tây, cũng như sự bảo thủ không nhân nhượng của họ đã đem đến sự đau khổ cùng cực của những người theo đạo Gia-tô đầu tiên tại VN. Chính các quan lớn trong triều và cả dân chúng theo các đạo cũ từ trước - hầu hết có nguồn gốc xuất phát từ các nước lớn trong vùng - nếu có dịp là giá họa và đổ tội rất nhiều cho CG, cho họ theo "tà đạo" và như thế phải có liên hệ hay đứng bên kẻ xâm lược, "bán đứng" tổ quốc. Người theo Tây không phải là ít nhưng có ai tự vạch áo mình là theo đạo Phật, Khổng hay Lão. Ðừng nói chi đạo Gia-tô, ngay cả người theo đạo Phật -- đã từng có thời nở rộ vào các triều đại Lý-Trần -- cũng đã bị bách hại và đàn áp ngay sau đó (nhà Hồ của Hồ Quí Ly), hoặc dưới thời Tây Sơn, hoặc thời vua Gia Long; lý do cũng chỉ vì do sự phát triển nhanh của nó đã gây sự bất mãn của triều đình mà nền cai trị hoàn toàn dựa trên đạo lý Khổng-Mạnh. Ngày nay, do văn minh và học rộng, đa số trong chúng ta đều biết các trung tâm văn hóa cực mạnh tự nó đã phát triển lan rộng như nước vỡ bờ trên toàn thế giới; mỗi quốc gia đã thu nhập và mang ảnh hưởng ít nhiều các nền văn hóa lớn đó. Vì vậy, không ai có thể tự coi mình có nền "văn hóa hoàn toàn thuần khiết" được. Sự va chạm giữa cũ - mới là lẽ đương nhiên, nhưng sự không khoan nhượng và quá bảo thủ của người xưa đã gây chết chóc cho khoảng 130,000 người tiên khởi theo đạo Gia-tô và cũng là đồng bào của họ. Bài này có mục đích đưa ra một cái nhìn về vấn đề vừa nêu ra dựa trên nhiều tài liệu được kê ra đây ó trong bài hoặc cuối bài, nhưng chính yếu vẫn là dựa vào cuốn sách "Việt Nam Giáo Sử" của Phan Phát Huồn, xuất bản vào 1965. Hãy bổ túc nếu có chỗ sai lầm.
Thế Tổ (1802-1820) : Gia Long
Thánh Tổ (1820-1840): Minh Mạng

Thế Tổ (1802-1820) : Gia Long


Gia Long là niên hiệu của Nguyễn Phúc Ánh khi lên ngôi vua vào năm 1802. Sau 24 năm chống nhà Tây Sơn kể từ 1778, vua Gia Long thống nhất được đất nước, đặt quốc hiệu là Việt Nam và đóng đô ở Phú Xuân, tức Huế ngày nay. Sau khi bị Tây Sơn đánh bật ra khỏi xứ và trốn tránh tại Hà Tiên thì Nguyễn Ánh gặp được Giám mục Pigneau de Béhaine (Bá-Ða-Lộc) vào năm 1784. Bá-Ða-Lộc đề nghị NA nên cầu viện vua Louis 16. Vào cuối năm, Bá-Ða-Lộc, Hoàng tử Cảnh, Phạm Văn Nhân và Nguyễn Văn Khiêm sang Pháp. Thay mặt NA, BDL ký nhường cho Pháp đảo Côn Sơn và Cửa Hàn để đổi lại việc Pháp giúp NA lực lượng và súng ống đánh Tây Sơn.

Hiệp ước Versailles được ký vào ngày 18/11/1787. Tuy hiệp ước không thành hình, BDL vẫn đem về nước nhiều tàu bè súng đạn, binh lính và nhiều người Pháp có tài giúp NA khôi phục nhà Nguyễn. Có người cho rằng BDL đã thông đồng với Pháp để đặt nền bảo hộ trên đất nước ta, nhưng dựa trên các điều khoảng của hiệp ước, không có khoản nào nói đến sự bảo hộ ấy. Chính vì cho mình có chủ quyền nên NA mới trao đổi 2 vùng trên cho việc giao thương.

Việc BDL tham gia vào chính trị cũng gợi một thắc mắc. Tây Sơn đã sát hại người CG khắp nơi cũng chỉ vì thấy BDL ngã theo NA. Chính phủ Pháp không giúp NA, nhưng chính BDL đi mộ người và mua tàu bè súng ống. Theo BDL về VN có Chaigneau, Vannier, Forcan, Olivier, Dayot.... Họ không những là cố vấn quân sự mà còn là những chiến sĩ tận lực giúp NA đánh Tây Sơn(1). Dayot thì chỉ huy toàn lực lượng hải quân và Olivier chỉ huy lục quân. Cả 2 vị quan này đều ở dưới quyền chỉ huy của NA. Lúc bấy giờ Tây Sơn bắt đạo CG dữ dội vì cho CG "là tay chân, là phần tử của Nguyễn Ánh". (1) Theo Việt Nam Sử Lược, quyển II, trang 152 Ðến tháng 6 năm Kỷ Dậu (1798), ông Bá-Ða-Lộc và hoàng tử Cảnh đi chiếc tàu chiến Méduse về đến Gia Ðịnh. Các tàu buôn chở súng ống thuốc đạn cũng lục tục sang sau. Theo Bá-Ða-Lộc có những người Pháp tên Chaigneau (Nguyễn Văn Thắng), tức chủ tàu Long, Vanier (Nguyễn Văn Chấn, tức chủ tàu Phụng, De Forcant (Lê Văn Lăng), Victor Olivier (ông Tín), Dayot...cả thảy 20 người tới giúp Nguyễn Ánh. Sau đó, họ được phong quan tước để luyện tập quân sĩ, làm tàu, đúc súng, và chỉnh đốn mọi việc vũ bị. Từ đó thế lực của Nguyễn Ánh mỗi ngày một đông, lương thực nhiều, quân sĩ giỏi.... Dayot và Vannier cầm quân rất giỏi và đã họp cùng Nguyễn Văn Trương và Nguyễn Văn Thành ra đốt phá thủy trại của Tây Sơn ở của Thị Nại (cửa Qui Nhơn).(2) Mặt khác, theo "Lịch sử nội chiến ở VN, 1771-1802" của Tạ Chí Ðại Trường, tr. 203 thì sách này nói rõ hơn chính Bá-Ða-Lộc đã gom góp tiền bạc, khí giới lương thực chất lên các tàu ông thuê ở Ile de France và ở Pondichéry đem về giúp Nguyễn Ánh để có thể tiếp tục cuộc chiến tranh.

Các người theo sau Bá-Ða-Lộc đa số là những lính thủy đào ngũ của Pháp. Dayot được phong làm Trí lược hầu tháng 6/1790, trông coi chiếc tàu Ðồng Nai và có dự trận thủy chiến Thị Nại 1792, là linh hồn và chủ tướng của thủy quân Nguyễn. Chỉ có riêng Olivier, nguyên là binh nhì trên tàu La Dryade, ông trốn ở Poulo Condore ngày 19/9/1788 rồi theo Hồ Văn Nghị phục vụ Nguyễn Ánh khi mới 20 tuổi. Olivier dùng họa đồ của Le Brun (Khâm sai Cai đội Thạch oai hầu) và cùng ông này xây thành Gia Ðịnh theo kiểu Vauban. Olivier tổ chức quân đội theo lối Tây phương. Chaigneau, Thắng toàn hầu, thay J.M. Dayot vào cuối năm 1792 trông coi tàu Phi Long, có dự vào trận Thị Nai 1801, hoạt động ở Quảng Nam, Huế sau đó và trông coi việc tiếp tế quân đội ở Phú Xuân. De Forcant coi chiếc tàu Phi Bằng trong chuyến tấn công Quảng Nam, Huế (1801). Barizy, Thành trí hầu, đến Gia Ðịnh năm 1793, giữ việc tiếp tế cho quân đội. Sau này ông coi tàu Thoại Phụng trong trận chiếm cửa Thuận An (1801). Vanier tới năm 1789 cùng lúc với Felix Dayot, em J.M. Dayot, chỉ coi việc tiếp tế và sau đó coi tàu Phi Phụng với chức Cai cơ (1801) cho đến cuối năm 1802 thì được phong Chưởng cơ Chấn võ hầu. Despiau là viên thầy thuốc trong quân đội(3)

Giáo hội CG cấm các nhà truyền giáo tham dự vào chính trị mà chỉ lo giảng phúc âm. Hàng giáo sĩ báo cáo về Roma để phản đối việc của BDL. BDL ước ao có sự giúp đỡ của Pháp để sau này giữa VN và Pháp có một mối bang giao dễ dàng để có lợi cho việc truyền giáo. BDL cố ý giúp NA mong rằng NA sẽ giúp đạo CG phát triển. Nhưng sự thật đã cho ta thấy điều đó trái ngược với lòng mong ước của ông. Sau khi BDL chết thì sự bắt đạo càng trở nên tàn bạo; như vậy những chỉ thị của Roma là đúng. Lúc BDL còn ở Pháp, NA sang tá túc Thái Lan và giúp nước này đánh tan quân xâm lăng người Miến Ðiện và Mã Lai. Lựa dịp lúc anh em Tây Sơn đánh nhau và lòng dân còn lưu luyến nhà Nguyễn,nói chung dân chúng không còn phục Tây Sơn nữa; vì vậy ta mới nghe câu :

"Lạy trời cho chóng gió nồm,
để cho chúa Nguyễn dong buồm thẳng ra"

NA đem quân về chiếm Long Xuyên, đánh thóc lên Cần Giờ, rồi nhờ sự tài giỏi của Võ Tánh, lấy được Saigon vào 1788.

Vào lúc này BDL đã về nước với số quân như đã nói trên. Ðây là lúc mà BDL giúp xây dựng lại nhà thờ và các họ đạo miền Nam. Giáo dân lúc trước có vào khoảng 100,000, nay chỉ còn 60,000 vì đã bị quân Tây Sơn giết chết. Khi đã thống nhất sơn hà, Gia Long phong Chaigneau, Vannier (được phong chức và mang tên họ VN : Chấn võ hầu Nguyễn Văn Chấn) và Despiau làm quan trong triều, mỗi người có 50 lính hầu và khi ra chầu không cần lạy. GL tuy có công thống nhất sơn hà, nhưng ông nổi tiếng về tính nhỏ nhặt giết hại công thần, như Nguyễn Văn Thành là người theo ông từ khi mới khởi binh đánh Tây Sơn, hay Ðặng Trần Thường. Từ lúc BDL trở lại VN, mặt ngoài thì GL khen sự tiến hóa của Tâ y phương, rất biết ơn Bá-Ða-Lộc và tỏ thịnh tình vớI người CG, nhưng ông thực sự cả đời rất ghét đạo CG, vì đạo này cấm người ta cưới nhiều vợ. Chính GL đã tuyên bố :"Ðạo các ông là một đạo tốt lành nhưng nghiêm khắc quá, ai mà có thể giữ được ? Tôi không thể nào chỉ cướI một vợ" (Louvet trong "Mgr. D'Adran"). GL tuy không học nhiều, nhưng thông minh, sắc sảo, có trí nhớ lạ thường và hoạt động không ngừng. Các tướng tài dướI trướng là Võ Tánh, Lê Văn Duyệt, Olivier và Dayot. Tuy nhiên vì tính cứng rắn và đa nghi, GL đã giết nhiều công thần; vì thế nhiều người đã bỏ ông. BDL đã can ngăn và xin nếu chém ai thì nên cho ông biết. BDL đã xin ân xá cho rất nhiều công thần và cả đến những người Việt dèm pha ông nữa. BDL và GL có nhiều điểm bất đồng cũng vì tôn giáo, theo Louvet trong "Mgr. D'Adran", vào năm 1797, là ngày sinh nhật của Hoàng Tử Cảnh (sau chết vì bịnh đậu mùa), vua muốn ép một ông quan có đạo lạy bài vị của tổ tiên nhà Nguyễn, nhưng ông quan kia thà chết không vâng lời vua trong việc này. Quá tức, GL quát :

- Thằng khốn nạn, tao đã nuôi mày, tao đã ban cho mày của cải danh vọng, thế mà mày từ chối không lạy tổ tiên tao ? Mày vô ơn, vả lại tao có buộc mày bỏ đạo mày đâu, tao có bắt mày tế thần đâu, tao chỉ bảo mày lạy bài vị để tỏ ra mày cung kính tổ tiên tao, tao hỏi mày có cái gì ngăn cản mày vâng lời tao.
- Muôn tâu Hoàng Thượng, hạ thần vẫn luôn luôn kính phục Hoàng Thượng, làm sao hạ thần dám khinh dễ tổ tiên của Hoàng Thượng được ? Tổ tiên của Hoàng Thượng đã mất từ lâu, hạ thần không tin các ngài còn ở trong bài vị. Vì thế đạo của hạ thần cấm lạy các bài vị.
- Tao cũng thế, nào tao có tin tổ tiên tao ở trong bài vị bao giờ ! Nhưng tao bắt mày lạy để tỏ lòng mày biết ơn với tổ tiên của tao, Ðức Giám Mục có bảo với tao nhiều lần; người CG có thể lạy bài vị của ông bà tổ tiên, vì có gì là dị đoan ở trong việc đó.
- Hạ thần rất lấy là lạ, nếu DGM tuyên bố có phép làm một việc mà lề luật công giáo cấm ngặt. Về phần hạ thần, hạ thần sẽ không lạy bài vị.
- Vậy mày sẽ không lạy tao lúc tao đã chết ? Liền đó các quan trong triều đổ thêm dầu :
- Tâu Hoàng Thượng, không, ông ấy sẽ không lạy Hoàng Thượng. Ông đã tuyên bố nhiều lần, ông không lạy kẻ chết, ông chỉ lạy người sống thôi.
- Thằng vô đạo ! Thế mà người ta vẫn bảo người CG là những người trung thành, đuổi nó ra khỏi đền."

Sự thật GL đã nói dối cho là BDL đã quả quyết cho phép người CG lạy bài vị. Vì GL và BDL đã cãi nhau từ lâu về vấn đề này. Vào đời này của đạo, BDL và các vị Thừa Sai Pháp, các cha cố đều cho việc lạy bài vị là một việc dị đoan, chỉ trừ các cha cố Jesuites quả quyết là việc này không dị đoan chút nào. GL đã dựa vào đó để bắt lỗi BDL khi có cơ hội. BDL chết vào 9/1799, trong lúc GL đang đánh thành Qui Nhơn. Lúc trở về Gò vấp, GL khóc trong khi đọc một điếu văn thống thiết và phong Bá-Ða-Lộc làm Thái-tử Thái phó Bi-nhu quận công. GL truyền xây lăng cho BDL, cho một trung đội canh gát thường xuyên. Trước khi tắt thở vào năm 1820, GL còn truyền cho Minh Mạng về khoản lệ này.

Từ 1763, Tây Sơn đã cắt đứt sự giao thông giữa Nam Việt và Trung Việt. Tây Sơn không bênh đạo nào; họ đi tới đâu thì chùa chiền đều bị phá hủy; còn số phận của CG thì thê thảm hơn. Bề tôi Tây Sơn khinh bỉ gọi người Tây phương là "những xác chết trôi từ biển Bắc xuống", các nho sĩ gọi Phật giáo, Thiên Chúa giáo là "tả đạo".

Năm 1785, Nguyễn Nhạc ra lịnh cấm đạọ Vào 1797, GL đánh Qui Nhơn và sai một đạo thủy quân đánh vòng lên Phú Xuân. Vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản, con Nguyễn Huệ), khi bắt được một bức thơ Nguyễn Ánh gởi cho một vị giám mục ở Phú Xuân, nghi ngờ người CG làm loạn nên hạ lịnh đến 5/1798 phải nhổ sạch CG, dù cho các quan trong triều có can ngăn. Có một số CG chạy thoát, số còn lại đều bị tử hình hoặc chịu các hình phạt như bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng, bị đổ dầu vào rốn rồi bỏ bấc mà đốt, bị buộc tóc rồi treo lòng thòng, buộc ngón chân và treo ngược, buộc lại từng bó mấy người rồi để như vậy nhiều ngày, tẩm dầu vào ngón tay rồi đốt, buộc vào cột rồi lóc thịt. (Ravier trong "Sử ký Hội thánh").

Sau khi đánh ra Bắc Việt và bắt được vua tôi nhà Tây Sơn, GL bắt đầu hành quyết từng người một. Cảnh Thịnh là người đầu tiên. Mồ của cha mẹ Cảnh Thịnh (vua Nguyễn Huệ và Hoàng Hậu) bị quật lên, hài cốt của họ bị bẻ gẫy và chặt đầu. Làm như vậy GL cố ý nhục mạ Cảnh Thịnh và theo dị đoan, con cháu Quang Trung không còn tìm được hạnh phúc. Sau khi bẻ xương cốt và "hành hình", xương được đổ vào cái sọt rồi cho binh sĩ thay phiên nhau tiểu vào. Xong, xương được đập dầm ra tro và để trước mặt Cảnh Thịnh. Theo thói tục, một mâm đồ ăn được dọn cho Cảnh Thịnh, nhưng miệng ông thì bị khóa kín vì sợ ông chửi rủa. Chân tay Cảnh Thịnh được buộc vào 4 con voi. Các mảnh xác của Cảnh Thịnh do voi xé được treo ở 5 chợ trong thành phố Huế. Chỗ treo có lính gác để chờ cho thịt trở thành dòi hay làm mồi cho quạ ăn. Chỉ có các tướng Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu (ông dượng của Cảnh Thịnh, bà con qua Bùi Thị Xuân, Bùi Ðắc Tuyên) và Hoàng thân Nguyễn Quang Thiệu là giữ được bình tĩnh khi bị hành hình. Tướng Trần Quang Diệu bị chém đầu. Con gái mới 15 tuổi của ông cũng bị xử. Vợ ông là nữ tướng Bùi Thi Xuân thì không tỏ ra sợ sệt, đi thẳng đến con voi, quân lính bắt bà phải quì để voi túm bà cho dễ, nhưng bà không nghe. Lính phải khích voi khá lâu thì voi mới chịu tung bà lên. Trước khi chịu cực hình, bà đã tìm được lụa quấn sát vào mình để khỏi bị trần truồng khi bị voi giầy xé. Binh sĩ đã lấy tim, gan và phổi của bà để ăn, còn tứ chi thì đem cho loài cầm thú. Họ làm vậy để trả cái thù mà Bùi Thị Xuân đã làm GL và binh lính ông run sợ khi bà vây thành Trấn Ninh. Dưới thời của ông, GL không đàn áp mà cũng không nâng đỡ Công giáo.

Sau khi tiếp đón sứ thần Trung Quôc đến phong vương vào 1803, Gia Long không còn là Nguyễn Ánh khi xưa nữa và bắt đầu đối xử lạt lẽo với các nhà truyền giáo. Gia Long ra một sắc lệnh ngày 4/3/1804. Về tôn giáo :

1.- Cấm xây chùa thờ Phật Thích Ca.
2.- Cấm sửa chùa nếu không có phép của quan Trấn Thủ tỉnh.
3.- Cấm xây chùa mới để thờ thần.

Theo Louvet trong "La Cochinchine Religieuse" : "Còn về đạo Bồ-Ðào-Nha là một đạo ngoại lai đã được truyền lén lút trong nước và hiện nay vẫn còn, mặc dù triều đình đã cố gắng hủy bỏ cái đạo dị đoan này. Hỏa ngục là một chỗ ghê gớm mà đạo này dùng để làm cho kẻ ngu xuẩn khiếp sợ. Thiên đàng mà đạo hứa sẽ ban cho những người ngay lành là một tiếng rất kêu để quyến rũ những đứa khờ khạo. Ðạo này đã được dạy trong đám dân ngu. Một số khá lớn trong nước bị thâm nhiễm tà đạo và đã quen giữ lề luật một cách mù quáng, không suy nghĩ và không sao mở mắt cho họ được. "Do đó, từ nay trong các tổng, các làng có nhà thờ của ngườI CG cấm sửa chữa hoặc xây dựng lại, còn cất nhà thờ mớI ở những nơi chưa có thì cấm hẵn."

Nhờ các báo cáo của các vị thừa sai mà người ta biết được phần nào đời sống của người CG vào thời này (1800-1830). Tín hữu gia tăng, họ tìm cách sửa chữa thánh đường, việc thờ phượng thành công khai. Ðiều mà người "lương" trách họ hơn cả là không làm lễ kính thờ ông bà, tổ tiên, tuy nhiên việc làm đám tang của một ông quan CG cấp đô đốc mất tại Cái Nhum đã làm vua và triều đình nhận thấy là CG cũng kính người chết một cách nghiêm trang.

Theo Louvet trong "La Cochinchine Religieuse", một vị quan đã thốt :

"Họ không ăn chơi, không trộm cướp. Mọi người chỉ cưới một vợ và không đụng đến vợ người khác. Họ ngay thẳng và đơn sơ không muốn làm hại người chung quanh. Một đạo sửa được cách ăn ở của con người như thế phải là một đạo tốt hơn đạo của chúng ta."

Dĩ nhiên ông quan này nói quá, vì đâu phải người CG nào cũng đều tốt.

Thánh Tổ (1820-1840) : Minh Mạng


Vua Gia Long chết năm 1820, Hoàng thái tử Ðảm lên ngôi lấy hiệu là Minh Mạng. Minh Mạng tinh thâm Nho học, sùng Khổng Mạnh cho nên không ưa đạo mới, cho là tà đạo lấy trời thánh ra mà làm mê hoặc lòng dân, ông mới nghiêm cấm và trừng trị người theo đạo Gia-Tô ("Việt Nam Sử Lược" của Trần Trọng Kim). Trần Trọng Kim cho rằng Minh Mạng không phải là bạo quân vì : "Phải biết rằng nước ta từ xưa tới nay, điều gì cũng theo Nho giáo, lấy tam cương ngũ thường làm căn bản cho sự ăn ở. Vua tôi, cha con, vợ chồng, ấy là cái khóa luân lý của xã hộI mình. Ai tháo cái khóa ấy ra thì cho là không phải loài người nữa. Vậy con phải theo cha, tôi phải theo vua, ai trái với cái đạo ấy ra phải tội nặng, đáng chém giết.

"Lúc trong nước mình từ vua quan cho đến dân sự, ai ai cũng cũng lấy cái lý tưởng ấy làm phải, làm hay hơn cả, mà lại thấy có người đi theo đạo khác, nói những chuyện mà lúc bấy giờ lại không mấy người hiểu rõ ra như thế nào thì tất cho là tà đạo, làm hư hỏng cái phong tục hay của mình. BởI vậy cho nên nhà vua mới cấm, không cho người trong nước đi theo đạo mới."

Trần Trọng Kim cho MM là "cấm không được thì tất phải giết"; trong khi cấm và giết như vậy, MM sẽ không có lỗi vì cứ tưởng mình làm bổn phận làm vua của mình và MM không biết là "mình làm như vậy là sự thiệt hại cho dân cho nước". Ông viết tiếp :"Vả lại, bao giờ cũng vậy, hễ người ta sùng tín một tôn giáo nào, thì tất cho tôn giáo của mình là hay hơn, và cho người theo tôn giáo khác là thù nghịch với mình, rồi hễ có quyền thế là làm thế nào cũng dùng cách mà hà hiếp người khác đạo với mình... "Vẫn biết rằng sự giết đạo là sự không lành, nhưng phải hiểu cái trí não người VN ta lúc bấy giờ, không rõ cái tông chỉ đạo Thiên Chúa ra thế nào, cho nên dẫu không phải là vua Thánh Tổ nữa, thì ông vua khác chắc gì đã tránh khỏi cái lỗi giết đạo ấy..."

Nói tóm lại là đứng vào một vai trò của nhà Nho, ông đã cho việc làm của MM là không đáng trách cho lắm. Khác với GL, MM không bao giờ tỏ ra thân thiện với ngườI ngoại quốc. Triều đình Pháp Louis 18 tìm cách điều đình để buôn bán với VN, nhưng MM không công nhận sứ thần Eugene Chaigneau được gởi đến. Kết cuộc, việc ngoại giao đi đến chỗ bế tắc. Theo Maybon trong "Lecture sur l'Histoire Moderne et Contemporaine du Pays d'Annam" thì "theo ông Chaigneau thuật lại, chỉ một mình Lê Văn Duyệt dám cãi MM và trách MM bỏ chính sách đối ngoại của Gia Long." Vào khoảng 1823-1824, MM tỏ cho các quan biết rằng phải diệt "Tà đạo". Ðể bắt dạo, MM theo 2 kế hoạch :

1.- Ngăn không cho các "Tây dương đạo trưởng" bên ngoài vào.
2.- Tập trung các thừa sai đang giảng đạo trong nước vào một khu vực. Tuy nhiên, một số thừa sai đã lẽn trốn vào VN được, nhất là ở phía Nam. Trong khoảng thời gian từ 1825 đến 1830 có 6 "tên gián điệp" lén vào Trung và Nam, trong đó có Marchand (cố Du). Tín đồ VN giúp cho các "tên gián điệp", không kể đến quốc tịch này, vào để giúp đỡ họ giữ vững lòng tin và đời sống tinhthần trong khoảng thời gian vô cùng khó khăn này.

Theo Louvet trong "La Cochinchine Religieuse", để áp dụng mục tiêu thứ nhất, vào 12/2/1825, MM hạ dụ cấm đạo : "Tà đạo của Tây phương làm hại lòng người. Ðã lâu nay nhiều chiếc tàu của Âu châu sang đây buôn bán thường để lại các ngư ời đạo sĩ ở đây. Các người ấy làm mê hoặc lòng người và bại hoại phong tục. Như thế chẳng phải là cái tai họa lớn cho nước ta sao ? Vậy ta nên ngăn cấm điều bậy bạ để khiến cho dâ n ta quay về chính đạo" - Khâm Thử.

Ðối với mục tiêu thứ hai, MM tập trung các thừa sai lại một chỗ, viện cớ rằng từ ngày ông cho 2 viên tướng thời Gia Long là Vannier và Chaigneau về Pháp thì triều đình cần các thừa sai làm thông ngôn. Các thừa sai ở Bắc thì trốn được, nhưng những người ở Trung và Nam đều bị bắt và tra hỏi. Tại Huế, các thừa sai được trú tại dinh dành cho các đại sứ, được tự do đi lại một thời gian ngắn, làm việc dịch thuật và nghiên cứu sách vở cho MM. MM rất thích địa dư; do đó ông nhờ các "gián điệp" này dịch bản đồ cho ông. MM muốn neo các vị thừa sai này dưới sự khống chế của triều đình bằng cách trao tặng họ các văn bằng và công khai nhận vào làm quan. Họ làm tờ khiếu nại, nhưng MM chẳng trả lời. Các thừa sai ở Nam thì bị giam lỏng; các vị ở Huế thì được dân giúp đỡ ngầm bằng cách đút lót cho lính để họ có thể trốn ra đi làm lễ. Không được ở gần giáo hữu của họ, các vị này bèn cho người đến Thành Gia Ðịnh cầu cứu Tả quân Lê Văn Duyệt, người được xem ngang hàng về dũng lược với tướng Trần Quang Diệu của Tây Sơn. Ðược tin, LVD về Huế vào tháng 8/1827 thuyết cho MM nghe là việc của vua là trái, đi ngược lại chính trị rộng rãi và khôn ngoan của Gia Long. Ðồng thời LVD còn trình ra các hồ sơ nói lên công lao to lớn của Bá-Ða-Lộc vớI nhà Nguyễn ("Histoire de la Cochinchine Francaise" của Cultru). Nghe những lời thành thực và cứng rắc của LVD, MM buộc phải ngưng lại âm mưu của ông và thả "tù nhân" về. Tuy nhiên, MM không bao giờ quên chuyện can thiệp này của Lê Văn Duyệt. Lê Văn Duyệt, một lão thần và kiện tướng thời Gia Long, có thế lực, có kinh nghiệm cai trị; tuy dân Gia Ðịnh sợ Tổng Trấn Lê Văn Duyệt nhưng họ vẫn mến ông vì sự thẳng thắn. Chính vì thế Gia Long đã đặt tất cả sư tin cậy nơi ông. MM ít khi nghe lời khuyên của LVD mà nhiều khi còn làm ngược lại. MM thù LVD có lý do là vì LVD đã phản đối việc chọn MM lên làm vua. MM ghét LVD mà không làm gì được vì ông là người có uy thế lẫn trong và ngoài nước như Anh, Pháp, Thái lan, Miến Ðiện ("Văn Hoá Á Châu" của Thái Văn Kiểm). Khi Lê Văn Duyệt chết, vị vua "thâm Nho học" kia đã hủy bỏ chức vị của LVD, cho quan tới bắn vào mã, san bằng mộ, đánh 100 roi lên mộ, khắc bia đá với các chữ "Chỗ tên hoạn quan to quyền LVD chịu phép nước". Về sau vua Tự Ðức đã đền tội cho MM bằng cách tu bổ, lập lại mộ của tướng LVD tại xã Bình Hòa, tỉnh Gia Ðịnh và truy phục chức tước cho ông. Theo "Việt Sử Toàn Thư" của Phạm Văn Sơn, sau khi lên ngôi, Gia Long đặc trách Nguyễn Văn Thành làm một bộ luật mới gọi là "Luật Gia Long" (Hoàng Việt Luật Lệ; soạn xong vào 1812; năm 1815 được in thành sách để phô biến trong dân chúng) . Theo "Lịch sử nội chiến ở VN" của Tạ Chí Ðại Trường , việc chép toàn bộ luật nhà Thanh sang bộ luật Gia Long được giao cho Ðặng Trần Thường. Tính cách Trung Hoa hóa này của VN sau cuộc chiến tranh là một chứng cớ tủi hổ nhất của sự thu nhận văn hóa từ ngoài vào. A. Masson (Histoire de l'Indochine, Paris, PUF, 1950; ấn bản 1961 đổi là Histoire du Vietnam) đã lưu ý nhiều điểm tương tự như vậy coi như là một định luật trong lịch sử VN, khi mỗi lần người Việt củng cố độc lập là một lần tiến tới gần Trung Hoa hơn. Ðiều này có thể hiểu được khi nhìn vào ưu thế thực dụng, có hiệu quả về tổ chức kết hợp xã hội theo ý thức hệ Khổng giáo ở ven bờ biển Ðông. Khi đem toàn bộ luật của nhà Thanh ra chép gần trọn nguyên văn để áp dụng cho Việt Nam, bộ luật của Thanh triều làm cho chế độ của VN trở thành rất cay nghiệt vì vua quan nhà Thanh là người Mãn Châu vào thống trị Hoa tộc. Chính vì áp dụng nó mà nhà Nguyễn thiếu khoan hòa, nhân hậu. ở Nền tư pháp thời Minh Mạng :
1) Pháp đình: dưới 3 thời Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Ðức, các tù nhân đa số là CG. Việc tra hỏi được đưa tới 3 nơi :

A- Phủ Thừa Thiên : Bắt đầu từ năm 1832, tỉnh Quảng Ðức (Vertue largement développée) được đổi thành Thừa Thiên (Mandataire du Ciel). Dinh làm việc của quan đầu tỉnh gọi là Thừa Thiên Phủ; Ðề Ðốc thì chỉ huy quân sự toàn tỉnh; về mặt hành chính thì đã có vua thành ra không có Trấn Thủ hoặc Tổng Ðốc, nhưng chỉ có một ông Phủ Doãn và một quan phụ việc, gọi là Phủ Thừa. Dưới thời MM, việc giảng "tà đạo" (qua thời Minh Mạng, Phật giáo không còn được giới nho sĩ gọI là "tà đạo" nữa như dưới thời Tây Sơn) là trọng tội nên phạm nhân thường được đưa sang bộ Hình, một tòa án có thẩm quyền hơn Thừa Thiên Phủ. Phủ Thừa Thiên, ở góc Bắc của kinh thành Huế, chia làm 3 trại : giữa của Ðề Ðốc, phải của Phủ Doãn và trái của Phủ Thừa; phía sau là trại lính và lao xá.

B.- Bộ Hình : theo luật thì nơi đây chỉ xử những tội nhân đã qua các tòa án ở Phủ để hủy án và cải án. Tuy nhiên, nơi đây được MM cho xét xử các linh mục, thừa sai hay tín hữu bị bắt gần Huế. Tòa án gồm ông Thượng Thư Chánh án và 2 cố vấn : Tham tri và Thị lại. Nơi pháp đình, quan Thượng Thư ngồi trên bệ cao, 2 bên là 2 quan cố vấn. Bị cáo không được vào trong pháp đình mà đứng ngoài sân ở bậc cấp của pháp đình; xung quanh anh ta là quân lính cầm roi hoặc các khí cụ tra tấn, mục đích là làm cho bị cáo nhận tội và khai đồng lõa. Quan tòa ngồi trong pháp đình hỏi vọng ra bị cáo; người này đứng ngoài trả lời vào. Bị cáo có thể đứng hay quì hay nằm sấp, tay chân bị cột chặt vào nọc(cây); nếu bị cáo trả lời không rõ ràng thì lập tức bị tra tấn. Nếu bị cáo chối đạo hay bỏ đạo thì được tha ngay. Có nhiều thừa sai được dẫn tới đây, trong đó có Marchand.

C.- Toà Tam Pháp (Le Tribunal des Trois Pouvoirs) : Tòa án tối cao và gồm 3 tòa : toà Ðại Lý Thị (le Tribunal d'Appel au Roi), tòa Ðô Sát (le Tribunal des Censeurs), tòa Bộ Hình (le Tribunal du Ministère de la Justice). Nơi đây xét xử những việc đệ lên vua, tất cả những khiếu nại từ bộ Hình hoặc Phủ. Nơi đây còn có thể xét những trường hợp đặc biệt. Các dụ cấm đạo thường treo ở ở Phú-Văn-Lâu.

2) Lao Xá : Trong thời kỳ này lao xá dành cho bị cáo gọi là Trấn Phủ và dành cho người bị kết án là Khám Ðường. Ngoài các nơi này ra thì các nơi sau đây cũng có giam người như trại Võ Lâm, Cung Quán... Nhiều vị thừa sai đã chết rục tù tại những nơi này.
3) Pháp trường : các tội nhân bị giam trong Khám Ðường nếu không bị tù chung thân hoặc bị lưu đày thì bị xử chém. Các nơi như chợ An Hòa, Bãi Dâu, họ Thợ Ðúc là những nơi mà các vị thừa sai và "dân ngu, mù quáng theo đạo Gia Tô" đã bị xử chém. ở Nội chiến : vụ án Marchand (cố Du) Lúc Gia Long còn sống thì uy thế của ông lừng lẫy. Cả Cao Miên và Lào đều sang triều cống. Thái Lan không ra mặt nhưng vẫn tìm cách lấy lại quyền bảo hộ 2 xứ kia. Theo Việt Nam Sử Lược và Việt Sử Toàn Thư, bọn quan liêu thối nát hay hiếp đáp dân chúng làm cho họ chán ghét; quan còn tố cáo lẫn nhau, tâng công, nịnh hót mà vua thì không công minh, nhất là đối với công thần. Nhiều người trung lương đâm ra chán nản, trái lại phe gian nịnh nẩy nở một ngày một nhiều. MM thì hẹp hòi với công thần, hay kiếm chuyện làm họ uất ức cho nên có loạn từ Nam chí Bắc. May nhờ có các tướng tài như Trương Minh Giảng, Tạ Quang Cự, Lê Văn Ðức, Nguyễn Công Trứ ra sức dẹp giặc, trong nước được yên mà bờ cõi lại được mở mang. Trong các giặc nổi loạn người ta thấy có Phan Bá Vành nổI lên ở Nam Ðịnh, Nông Văn Vân ở Tuyên Quan, Thái Nguyên, Cao Bằng.

Một phần nhân tâm ngoài Bắc còn luyến tiếc Lê triều; Lê Duy Lương, tự xưng là con cháu nhà Lê, nổi lên ở Ninh Bình. Ngoài ra phải kể tới giặc Lê Văn Khôi có liên hệ tới cố Du hay thừa sai Marchand. Miền Nam là do Gia Long khai sáng mà lại có chuyện nổi lên chống MM. Sau khi Lê Văn Duyệt mất, Nguyễn Văn Quế được cử thay làm Tổng Ðốc Gia Ðịnh, Bạch Xuân Nguyên làm Bố Chính. Nguyên là người tham lam và tàn ác. Nguyên vâng lịnh làm Bố Chính ở Gia Ðịnh để điều tra và trị tội những ai có liên hệ với LVD, trong đó có Lê Văn Khôi. Khôi gốc người Cao Bằng và là em vợ của Nông Văn Vân, có lần nổi lên làm loạn, bị đánh thì chạy vào Thanh Hóa và đầu thú LVD. LVD nhận Khôi làm con nuôi rồi cải tên thành Lê Văn Khôi. Bị bắt, Khôi sợ bị tội nên cùng với số tù nhân nổi lên giết cả Tổng Ðốc và quan Bố Chính, chiêu mộ binh sĩ chống lại MM. Cuộc cách mạng của Khôi nhằm lật đổ MM để lập con của Hoàng Tử Cảnh, cháu đích tôn của Gia Long lên làm vua. MM nghe tin, truyền lệnh thủ tiêu đứa cháu và chị dâu. Sử vào thời này, nhất là cuốn "Gia Ðịnh Thống Chí" của Trịnh Hoài Ðức không kể tới chuyện MM giết chị dâu và đứa con thứ hai của bà. Cuốn này cũng không bao giờ nhắc tới công trạng của Bá-Ða-Lộc vì MM không thích ông ta. Theo lời truyền khẩu thì MM vì sợ mất quyền đã làm tuyệt tộc nhánh của Hoàng Tử Cảnh và ăn ở với chị dâu; khi chị dâu này có thai thì MM lên án cả mẹ lẫn con; nhưng vì là hoàng tộc nên được ban ân huệ chọn 3 thước lụa hồng hay là một thanh gươm để "được" chết. Do sự tàn bạo của MM, nên Lê Văn Khôi được nhiều từng lớp trong xã hội hưởng ứng. Tống Phúc Lương và Trương Minh Giảng đem thủy quân vào vây Gia Ðịnh; Khôi chạy sang Thái Lan cầu cứu . Lựa dịp này Thái Lan giúp Khôi 5 đạo quân đánh vào Nam Vang, Hà Tiên. Trương Minh Giảng và Nguyễn Xuân đánh bạt Thái Lan ra khỏi bờ cõi vào 1834. Thành Gia Ðịnh của phe LVK thất thủ vào 1835; LVK chết già ở Thái Lan. Trong số ngườI bị bắt và đóng cũi gởi về kinh có thừa sai Marchand. Sử gia Schreiner, trong "Abrégé de l'Histoire d'Annam", quả quyết là Marchand muốn đóng vai trò của Bá- Ða-Lộc giúp Khôi để lập một nước theo đạo Công giáo. Ông lý luận : "Lê Văn Khôi chống lại chính quyền nhà Nguyễn ở Huế cũng như Nguyễn Ánh dã chống lại chính quyền Tây Sơn ở Huế. LVK cũng như Nguyễn Ánh chiếm đóng Nam Việt nhưng không có sức giữ nổi. Khôi muốn nhờ thanh thế của thừa sai Marchand để quyến rũ Công giáo gia nhập phong trào cách mạng chống lại triều đình như xưa Nguyễn Ánh nhờ Bá-Ða-Lộc. Marchand sẽ là một nhân vật có tên tuổi trong lịch sử nếu cuộc cách mạng của LVK thành công, nhưng vì LVK thất bại nên Marchand lại là một thừa sai tử vì đạo. Marchand là một linh mục không quả quyết. Hoặc là Marchand từ lúc đầu khước từ không giúp Khôi bằng cách chạy trốn và như vậy Công giáo sẽ không bị liên lụy, hoặc là Marchand muốn giúp thì phải giúp cho Khôi thành công và như thế thì có lợi cho Công giáo." Schreiner đã bịa chuyện. Theo Louvet trong "La Cochinchine Religieuse", Khôi không phải Công giáo, nhưng Khôi hứa là nếu cách mạng thành công thì ông sẽ bênh vực cho họ. Một số có gia nhập quân của Khôi nhưng rất ít, vì trong số 1994 người bị giết chỉ có 70 người công giáo, trong số ấy có 40 người đàn bà và trẻ con chạy trốn vào thành khi Trương Minh Giảng tới. Theo Taboulet trong "La Geste Francaise en Indochine", ông nói, trong 499 người bị xử thì có 66 người công giáo; vậy mà Nguyễn Văn Quế, trong "Histoire Les Pays de L'Union Indochinoise" , dám viết là "On enterra en tout 1831 révoltés dont beaucoup de chrétiens en un seul "Mã Ngụy" plaine de tombeaux". Khôi có nhờ Marchand ký những lá thư kêu gọi người Công giáo chống lại MM, nhưng Marchand đã khước từ. Theo Louvet, Marchand đã gởi thơ cho giám mục Taberd báo cho biết là ông không định đi đâu hết mà cứ ở lại họ Chợ Quán dù người ta đồn là ông ủng hộ Khôi. Vào sáng ngày 8/9/1835, trong lúc Marchand vừa làm lễ xong, đang thay áo thì quân đội chiến thắng của Trương Minh Giảng tràn vào đánh Marchand chúi nhũi và bắt ông. Quân đội này đã nghe đồn rằng quân của Khôi là quân của công giáo, nên ngoài Marchand ra họ còn bắt một linh mục người Việt và cha sở họ Chợ Quán người Hoa. Marchand, các tướng của Lê Văn Khôi và đứa con mới 7 tuổi của Khôi bị đóng cũi đưa về Huế. Ngày 15/10/1835, Marchand đến Huế cùng các tù nhân khác. Sau đó ông bị tra hỏi trước tòa Tam Pháp :

- Ông có phải là Phú Hoài Nhân không ? (PHN là tên Việt Nam của giám mục Taberd).
- Không. Tôi không phải là Phú Hoài Nhân.
- Ông ấy bây giờ ở đâu ?
- Tôi không biết vì đã lâu chúng tôi không gặp nhau.
- Ông đến nước này từ bao lâu ? - Từ 5 năm nay.
- Trong những năm đầu ông ở đâu ?
- Trước hết ở Lái Thiêu, sau tôi đi ở nhà những người mà nay họ đã chết cả rồi.
- Ông có giúp Khôi làm giặc không ?
- Không. Ông Khôi đã dùng vũ lực bắt tôi vào thành Saigon. Tôi không biêt gì đến việc chiến tranh. Tôi chỉ biết cầu nguyện và hành lễ.
- Có phải ông gởi thư qua Thái Lan và cho các họ đạo ở Ðồng Nai để yêu cầu họ giúp phiến loạn không ? - Ông Khôi đã bảo tôi làm nhưng tôi khước từ, tôi cho đạo tôi cấm làm điều ấy... Tuy nhiên Khôi vẫn đem thư đến cho tôi nhưng tôi đã lấy các thư ấy bỏ vào lửa.

Ðến lượt 4 tướng của LVK bị tra hỏi. Họ đã từng bất mãn vì Marchand đã không giúp họ thành công và họ mong MM sẽ tha nếu như họ tố cáo ông cố đạo xúi dân làm loạn, vì họ biết MM ghét người công giáo. Sau đó, họ tố là LVK khởi loạn vì nghe lời xúi của giám mục và các thừa sai để đem An Hòa, con Hoàng Tử Cảnh, lên ngôi. Rồi An Hòa hứa sẽ theo đạo. Chính Marchand là linh hồn của cuộc dấy loạn. Các thừa sai bên ngoài sẽ xúi Thái Lan đem quân đánh Việt Nam và có thể xin cứu viện từ Âu châu (trong "Annales de la Propagation de la Foi", volume IV : theo lời dụ khị, Lê Văn Khôi dấy loạn theo lệnh của Kiến An để phò An Hòa lên ngôi). Nghe lời cáo buộc, MM liền ra lịnh tra tấn Marchand, vì nổi loạn là tội không thể tha thứ. Tối 17/10/1835, Marchand được dẫn tới trước lò lửa trong trong toà Tam Pháp. Khi Marchand không nhận tội, lý hình rút trong đống lửa những cây kìm nóng hổi, kẹp mạnh vào hông Marchand để xé từng mảnh thịt. Sau đó, Marchand vẫn không nhận tội; lý hình lại tra tấn. Marchand vì đau đớn rên lên mấy tiếng nhưng không phải chửi vua. Ngày 19/10/1835, ông lại ra tòa, nhưng không bị cực hình vì người ta sợ ông chết trước ngày xử tử. Marchand, 3 "dồng lõa" (một tướng của LVK đã chết khi bị tra khảo) và đứa con nhỏ 7 tuổi của LVK phải bị xử "lăng trì".

Theo Philastre trong "Le Code Annamite", xử "lăng trì" hay "bá đao" sẽ như sau :

Người lý hình xẻo từng miếng thịt cho đến lúc người bị xử chỉ còn xương; nếu người ấy là nam thì anh ta sẽ bị cắt cơ quan sinh dục; nếu là nữ, lý hình sẽ dùng vải ém vào cơ quan ấy rồi mổ bụng để lòi ruột. Họ sẽ lôi từ từ để người bị xử chết thật chậm chạp. Bản án của Marchand :"

Tây Dương Ma-Sang, kêu là Danh-Du, là Gia Tô Giáo Trưởng phò ngụy Khôi; đã chịu tội có viết thư xin Hồng Mao sang giúp ngụy hầu. Lệnh truyền xử bá đao." Trong các sách sử như của Nguyễn Văn Quế (Histoire des Pays de l'Union Indochinoise), Nguyễn Văn Mùi (Lịch sử Việt Nam) và Lê Thành Khôi (Việt sử : 1788-1884 hay "Le Vietnam"), họ đã buộc tội Marchand mà không chịu nghiên cứu kỹ càng các chi tiết về những bức thơ mà ông gởi cho giám mục Taberd. Ngày 30/11/1835, các tử tội được đưa ra cửa Ngọ Môn giữa 2 hàng rào lính. Ngồi trên Ngũ Phụng Lầu, MM truyền dẫn các tội phạm cho ông xem mặt rồi thảy lá cờ xuông đất cho phép dẫn các tử tội đi tới họ Thợ Ðúc để hành hình. Trước đây, nơi này cũng là nơi một vị linh mục người Việt đã bị xử tử. Marchand là linh mục công giáo nên mật lệnh của "Thánh Tổ Hoàng Ðế" ra lịnh xử một cách ghê gớm hơn. Marchand được khiêng trên cáng tới pháp trường. Khi thấy lò lửa thì ông rùng mình lên. Dân chúng thấy vậy thì cười. Sau khi nghe tiếng hiệu, 2 người lính chạy đến chụp lấy chân Marchand không cho cục cựa, 5 người lính khác tới lò lửa lấy 5 cái kìm lớn rồi kẹp vào 5 chỗ khác nhau ở mông và bắp vế của ông. Sau khi kìm nguội đi, họ mới buông ra và đem kìm tới lò lửa để nung lại. Quan tòa hỏi Marchand :
- Vì sao trong đạo Công giáo các ông móc mắt người gần chết ?
- Không bao giờ.
- Những cặp vợ chồng trước lúc cưới nhau, đến trước bàn thờ làm cái trò gì ?
Marchand ráng trả lời :"Ðôi vợ chồng đến để xin vị linh mục công nhận và ban phép lành cho việc hôn phối của họ trước mặt anh em giáo hữu."
- Các ông có làm những điều quái gở trong lúc tiệc trà ở nhà thờ không ? Với giọng khàn khàn, Marchand nói :
- Chúng tôi không làm điều gì quái ác.
- Vậy ông đã cho họ ăn cái thứ bánh gì đến nỗi họ trung thành đến thế?
Cứ mỗi lần hỏi và trả lời, lính cứ hành hình Marchand. Chưa trả lời câu hỏi chót, Marchand đã ngất đi.

Vì sợ tử tộI chết trước khi chịu tử hình nên họ ngưng tra tấn. Khi thấy Marchand bị hành hình độc ác với chứng cớ quá mơ hồ, vị quan hành hình không khỏi kính phục và thương xót. Ông kêu người lính và nói :

- Hỏi ông Tây xem ông ấy có muốn ăn gì không ?
Marchand trả lời cám ơn vì ông không muốn ăn gì hết.

Các tù phạm khác thì còn dùng bữa ăn cuối cùng. Sau đó, lính bỏ vào miệng họ một hòn sỏi để họ khỏi chửi rủa khi bị đau đớn đến cực độ. Theo Louvet trong "La Cochinchine Religieuse", 5 cây cọc được dựng lên và các tử tôi được buộc vào một thanh gỗ ngang. 2 lý hình đứng 2 bên tội nhân, sau lưng lý hình có các binh sĩ cầm sẵn các roi mây để kích thích lý hình làm phận sự cho chu đáo vì họ phải đối diện với cách hành hình man rợ này.

Marchand bị cột vào cây thứ hai. Hai bên ông là 2 lý hình, một cầm kìm, một cầm dao phay. Một hồi trống vang lên. Khi tiếng trống im đi, một lý hình dí kìm vào ngực ông và xé 2 miếng thịt ở ngang vú rồi liệng xuống đất. Say máu, lý hình cắt ở đằng sau 2 miếng thịt tọ Kế đó, họ móc bắp vế; Marchand cựa quậy. Dưới một lát dao phay, một miếng thịt khác rơI ra. Ðầu Marchand gục xuống... Ðó là vào khoảng 7 giờ sáng ngày 30/1/1835. Sau khi Marchand tắt thở, một lý hình chặt đầu ông và bỏ vào một chiếc thúng đầy vôi. Họ cởi cái xác ra khỏi cọc rồI lật sấp xuống. Sau đó, lý hình chặt thân mình Marchand ra theo bề dọc, rồi bề ngang. Các phần thi thể của ông được mang đi liệng ngoài biển. Ðầu của ông được mang đi treo ngoài chợ ở các tỉnh; sau đó bỏ vào cối để xay.

Câu chuyện của Marchand đã được nghiên cứu bởi Vatican vì nhiều tài liệu tố cáo ông là dân nổi loạn và điều này cần phải làm sáng tỏ. Sau khi điều tra về những lời tố cáo, người ta đã phát hiện là ông bị oan; vì vậy ông đã được phong á thánh vào năm 1900.

1.1 Cấm đạo dưới triều Minh Mạng (1830-1840)

1. Minh Mạng và người ngoại quốc :

Một quốc gia tự cô lập. Nhiều sách sử được ra lệnh viết bởi MM đã bênh vực cho "Thánh Tổ Hoàng Ðế", tuy nhiên có một công thần đã dám nói lên sự sai lầm của ông : Lê Văn Duyệt. Việc dựng tội cho Lê Văn Duyệt bởi vị Thánh Tổ này đã được ghi trong sử sách như đã kể trên. Nước ta thường lên tiếng tố cáo dân tộc khác là thực dân, bóc lột và có dã tâm đồng hóa VN, nhưng thực tế ta đã không khác gì nước Pháp, nước Anh hay nước Tàu, đã xâm chiếm và đồng hóa Chiêm Thành và Chân Lạp (dưới danh nghĩa "mở rộng bờ cõi"), bảo hộ Cao Miên và Lào (hòa ước La-Bích; 1813). Lê Văn Duyệt xây thành Nam Vang và La Lâm. Nguyễn Văn Thành là quan Toàn Quyền đầu tiên của Việt Nam trên đất Cao Miên. Vào thời Gia Long, Anh quốc tới xin buôn bán, nhưng Sir Roberts trở về tay không. Vào 1808, một đoàn gồm 7 chiếc tàu Anh cập bến Hà Nội; tất cả đều bị đốt.

Năm 1817, Louis 18 phái thuyền trưởng A. de Kergariou điều khiển tàu Cybèle mang quốc thư đến VN, được Gia Long tiếp đãi nhưng Gia Long đã khước từ đem Cửa Hàng và Côn Sơn giao cho Pháp vì Pháp đã không thi hành hiệp ước Versailles. Gia Long nói rằng những người Pháp giúp ông là do họ tình nguyện chớ không do Pháp áp dụng hòa ước. Theo "Việt Nam Sử Lược", lý do có sự ngăn trở cho việc giao thiệp với các nước ngoài dưới thời MM :

1.- Cấm giảng đạo Thiên chúa và
2.- Không hiểu thời thế, cứ tự cho mình là nhất, thông minh hơn người, không chịu học tập như người khác mà theo đường tiến bộ. Về việc buôn bán với nước ngoài thì đã có lai rai từ các thế kỷ 17 và 18, nhưng việc giảng đạo thì bị cấm.

Vào thờI Gia Long, tuy việc giảng đạo khá hơn, nhưng sang Minh Mạng, vì chú trọng về việc giáo hóa, lấy Nho giáo làm trọng nên cho các tôn giáo khác là tà đạo. Bắt dân bỏ tà theo chính : đó là nguyên nhân việc bắt đạo. Sự quá bảo thủ của triều Nguyễn vào giữa thế kỷ 19, làm giảm thiểu đến mức tối đa các sự tiếp xúc với người ngoài, được biểu hiện bằng cách cố ý hạn chế các hoạt động của các nhà truyền giáo và các thương gia ngoại quốc trên đất nước ta. Việc bắt đạo đã ảnh hưởng lây đến việc buôn bán vớI nước ngoài. Vì triều đình thấy thỉnh thoảng có chiếc tàu buôn lại, thì có một vài giáo sĩ vào giảng đạo, ngăn thế nào cũng không được, tưởng là họ có ý dò thám gì chăng. Lòng nghi ngờ của triều đình MM càng gia tăng. Vả lại vào lúc này, không có người ngoại quốc trong nước, chỉ trừ một vài người Pháp làm quan tại triều; họ đã theo giúp Gia Long dựng nên nhà Nguyễn. Khi Gia Long còn sống, Jean Baptiste Chaigneau có xin về Pháp nghỉ ngơi; tới năm 1821, Chaigneau trở lại thì nhận chức lãnh sự và khâm sai cho Louis 18, đem theo phẩm vật và quốc thơ sang điều đình việc thông thương với nước ta. Khi Chaigneau tới nơi thì Gia Long mất. Theo Michel Ðức Chaigneau trong "Souvenirs de Hue", thì MM tiếp Jean Baptiste Chaigneau theo nghi thức ngoại giao và hứa đối xử vớI Chaigneau như với một quan đại thần. MM trả lời cho Pasquier, bộ trưởng ngoại giao Pháp, bằng chữ Tàu (chữ Nho) rằng nước VN có những luật lệ rõ ràng, những người ngoại quốc đến buôn bán đều phải giữ, như vậy giữa VN và Pháp không cần gì phải làm điều ước về việc thương mại cả.

Ngày 28/2/1822, một tàu chiến của Pháp mang tên Cléopâtre vào Cửa Hàng (Ðà Nẳng), người quản tàu tên Courson de la Ville Hélio nhờ Chaigneau xin được tiếp kiến. MM từ chối. Vào 7/1822, một tàu Anh xin vào Ðà Nẳng, MM cũng từ chối. Thấy càng ngày MM càng làm găng với người ngoại quốc, lạt lẽo với mình, tự thấy không làm được gì hữu ích, ngày 11/12/1824, Jean Baptiste Chaigneau và Vannier yết kiến MM xin từ chức. Ngày 11/ 12/1824, 2 ông rời Cửa Hàng vào Saigon gặp Lê Văn Duyệt. LVD tiếp đãi 2 ông rất thịnh tình và gởi quân canh gác nhà cho họ Vào cuối 1824, 2 ông về Pháp.

Năm 1825, Ðại Tá Thủy quân Bougainville mang 2 tàu chiến Thétis và Espérance vào cửa Ðà Nẳng, đem phẩm vật và thơ của Louis 18 cho MM. MM tức tối trả lời :" Không ai có thể đọc thư của vua nước Pháp, nên chúng tôi không thể nhận". Tuy nhiên MM vẫn cám ơn Bougainville đi từ xa đến và ban phẩm vật lại cho Bougainville. Sang năm 1826, chính phủ Pháp sai cháu của Jean Baptiste Chaigneau là Eugène Chaigneau sang làm tùy viên quân sự, nhưng MM không nhận, rốt cuộc Eugène Chaigneau phải trở về (1829). Rồi từ đó cho tới 10 năm sau (1829-1839) nước Pháp không còn muốn giao thiệp với VN nữa. Lúc bấy giờ, ngoài các giáo sĩ trốn trong các thôn giả ở VN để giảng đạo, không còn môt người ngoại quốc nào muốn ghé VN nữa.

2. Lý do cấm đạo : Xã hội của chúng ta vào thời này là bảo thủ hay cởi mở, bao dung hay khắt nghiệt ? Luật lệ được áp dụng là luật thống trị của người Mãn-Thanh, xã hội và phong tục phong kiến của Nho gia. Sau này, vào thời Tự Ðức, tiếng nói của Nguyễn Trường Tộ rơi vào tai của những người không muốn nghe những cái hay của xứ người mà họ cho là bọn "man di". Các sử gia Việt Nam ít ra cũng đều nhận ra điều này: Theo "Vietnam : History, Documents, and Opinions on a Major World Crisis" của M. E. Gettleman : "The emperor Minh Mang created a strongly centralized regime. He was well educated and particularly devoted to Chinese literature and law and Confucian traditions. This attachment to Confucian ethics spurred him to oppose the spread of Christianity, a religion which preached against the Confucian concept of an absolute and divine monarchy. An imperial edict issued in 1833 declared the profession of Christianity a crime punishable by death."
Tuy nhiên, một sử gia khác, Lê Thành Khôi, lại đi viết trong "Le Việt-Nam" : "Các vua Việt Nam cấm đạo không phải vì cuồng tín, nhưng vì các ông muốn bảo tồn nền thống nhất quốc gia về tinh thần và chính trị. Việc người CG không thờ cúng tổ tiên làm tổn thương đến nền thống nhất tinh thần ấy. Chứng cớ là vào năm 1742, Giáo hoàng Bênêdictô 14 ra sắc dụ "Ex quo Singulari" lên án việc thờ cúng tổ tiên mãi đến năm 1939, Giáo hoàng Pio 12 mới ra huấn dụ "Plane Compertum" (sắc dụ Summi Pontificatus) ban phép việc thờ cúng. "Chẳng những về mặt tinh thần mà về mặt chính trị : sự thống nhất quốc gia bị hăm dọa, vì các thừa sai lẽ ra phải ở trong phạm vi thiêng liêng của mình lại nhúng tay vào chính trị. Các thừa sai đã khuyến khích các giáo hữu tân tòng đứng lên chống chính quyền để lập lên một chính phủ phò công giáo. Các thừa sai đã mở đường cho người Pháp đến chiếm đất nước chúng ta. "Vì vậy các linh mục công giáo phải bị xử không phải vì giảng đạo nhưng vì họ là những gián điệp, những người xúi dân nổi lên chống chính quyền." Nguời CG không thờ cúng tổ tiên không có nghĩa là họ không thảo kính, mến yêu hay nhớ ơn ông bà, cha mẹ. Ðiều 4 trong mười điều răng dạy phải thảo kính cha mẹ Ðạo công giáo cấm thờ cúng tổ tiên như là các vị thần vì đạo này là một tôn giáo độc thần, không thờ một thực tại nào khác ngoài Thiên Chúa.

Vào năm 1742, Giáo hoàng Bênêdictô 14 ra sắc dụ "Ex quo Singulari" để nhắc lại sắc dụ của Giáo hoàng Clément 11 ra năm 1715, cấm giáo hữu dự vào những lễ nghi thờ Khổng Tử. Sau này chính phủ Trung Hoa công khai giải thích cho Vatican biết là những lễ nghi trên không có tính cách tôn giáo, mà nó chỉ là biểu lộ lòng sùng kính chính đáng với những bực tài đức trong nước, cũng như tỏ lòng hiếu thảo với người quá cố(trong "l'Eglise et les Rites Chinois", 1940). Trước lời xác nhận này, Giáo hoàng Pio 12 ra sắc dụ "Summi ontificus" cho phép người CG tham dự vào các lễ nghi nói trên.

Người ta chắc không quên rằng sau khi nhà Trần vừa dứt thì Hồ Quí Ly đã đàn áp Phật giáo. Các thời Tây Sơn(4) , Nguyễn đã thắt chặc sự kiểm soát Phật giáo, là một tôn giáo trong Tam Giáo Ðồng Nguyên (Khổng-Lão-Phật), đồng sinh cộng tử với đạo Nho và Lão hơn một ngàn năm; vài sử gia Phật giáo rất ghét các vị vua này. Cả Phật giáo mà họ cũng đối xử như thế, huống chi là "tà đạo" Công giáo. Sự tàn bạo, quên ơn, nhỏ nhen và tráo trở của các vua nhà Nguyễn là nguyên nhân cho bao cuộc nổi dậy trong nước. Những người theo phiến loạn đa số là "lương", dĩ nhiên có một số nhỏ hơn cũng là Công giáo, nhưng họ vẫn là người Việt Nam như các ngườI "lương" khác không thích nhà Nguyễn. (4)

Theo "Lịch sử nội chiến ở VN" của Tạ Chí Ðại Trường, anh em Tây Sơn là dòng dõi Hồ Quý Ly. Ông bà của họ bị quân Nguyễn bắt vào Nam nhân lúc Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật đem quân ra lấy 7 huyện phía Nam sông Cả, thời Trịnh Ðức nhà Lê [1653-1657, nhưng trận chiến kéo dài từ 1655-1661]. Một nhân vật chính trong họ bị bắt có thể là Hồ Phi Phúc.

Họ được đưa về làng Tây Sơn thuộc huyện Phù Ly, phủ Qui Nhơn. Ðến đơì cha của Nhạc, mới dời xuống ấp Kiên Thành sinh ra 3 anh em, lấy mẫu tính để gọi tên là Nguyễn Văn Nhạc, Nguyễn Văn Lữ và Nguyễn Văn Huệ Cũng nên biết là Tây Sơn là một địa danh chỉ cả vùng núi phía Tây đồng bằng của phủ Qui Nhơn xưa. Danh từ hàm ý nghĩa phong thủy hơn là địa lý. Còn địa điểm Tây Sơn, nơi phát xuất của triều đại họ Nguyễn mớI này là địa phận 2 làng Cửu An, Anh Khê ngày nay (1973), trước 1945 thuộc Kontum, sau 1955 được sáp nhập vào tỉnh Bình Ðịnh trong một quận mới lập : quận An Túc. Tên phủ Qui Nhơn cũng trải qua nhiều thay đổi : ban đầu là phủ Hoài Nhơn (1470), năm 1602 lần đầu có tên Qui Nhơn, 1651 tên phủ Qui Ninh, 1742 trở về tên cũ, 1831 lại gọi phủ Hoài Nhơn, 1832 thành tỉnh Bình Phú. Với người ngoại quốc buôn bán thì Qui Nhơn là vùng Thị Nõi mà họ gọi là Quinion, Chincton, Choya [Chợ Giã, tức là thành phố Qui Nhơn bây giờ. ở Các thừa sai đủ mọi sắc tộc như Pháp, Ðức, Ý, Nhật, Tây-Ban- Nha, Ba Lan đến nước ta giảng đạo cả trăm năm trước triều Nguyễn và không đá động về chính trị; tuy nhiên việc cấm đạo cũng vẫn xảy ra chỉ vì ý tưởng bài ngoại mà ra.

Trong vụ Lê Văn Khôi, Khôi kêu gọi CG nổi lên chống MM, nhưng theo "La Cochinchine Religieuse" của Louvet, giám mục Taberd đã viết :"Chúng tôi không bao giờ rao giảng việc dấy loạn nhưng rao giảng sự tùng phục nhà vua. Chúng tôi thà phải chọc tiết còn hơn nổi loạn." Trong "Monseigneur Retord et le Tonkin Catholique" của Launay, vào thờI Tự Ðức có Hồng Bảo muốn nổi lên ở Huế để hạ bệ Tự Ðức. Bảo muốn CG giúp bằng cách đến hỏi ý kiến Giám mục Pellerin. Pellerin trả lời rằng người CG lúc nào cũng muốn trung thành với chánh quyền. Bảo sẽ biết lòng trung thành này nếu Bảo lên làm vua. Tuy nhiên Tự Ðức vẫn để tâm nghi ngờ. Theo Olichon trong "Le Baron de Phát Diệm", ở Bắc Việt, vào 1860, Lê Phụng chiếm hết vùng đồng bằng Bắc Việt rồi đem vây Lạng Sơn. Trấn Thủ Lạng Sơn tất phải bỏ thành nếu dân CG ở đây chống lại chính quyền.

Các vua chúa nước ta có đầu óc kỳ thị tôn giáo, hay nói một cách khác là cuồng tín hay không ? Các nhà viết sử khác thường hay né tránh việc này, nhất là đối với "Thánh Tổ Hoàng Ðế". Tuy nhiên họ không thể không nhắc tên "Néron của Việt-Nam" (Việt Sử Toàn Thư) mà các vị thừa sai đã đặt cho MM. Trong các sắc dụ của Minh Mạng vào các năm 1833 và 1838, ông bày trò bắt người CG phải chà đạp hay bước ngang thánh giá, đốt nhang thờ Bụt (Buđha); khi họ không chịu bỏ đạo thì MM bắt khắc hai chữ "Tả Ðạo"
hoặc "Học Hoa Lan Ðạo" vào má của họ (Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim). Theo lời mẹ, một người sùng đạo Phật, Trịnh Cương hạ dụ cấm đạo vào các năm 1712 và 1721, bắt các thừa sai cho ở tù rục xương hay trảm quyết.(Chú thích:Hai hình trên được đăng trong "Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo" của Linh mục Bùi Ðức Sinh O.P do nhà xuất Bản Chân Lý - Ấn hành lần thứ nhất tại Saigon 1972- Trang 333. Hình sau đã được phóng lớn để thấy rõ 2 chữ Nho "Tả Ðạo" thích( tattoo) bên má trái - chú thích của Ngô Ngọc Nguyện)

3. Cấm đạo vì lý do gián điệp ? Theo Việt Nam Sử Lược., Trần Trọng Kim là người bênh cho Minh Mạng nhất, thế nhưng không thấy ông khẳng định là trong thờI gian này các vị thừa sai cũng như linh mục và công giáo thật sự là những tay gián điệp và việc cấm đạo là do việc này mà ra. Nếu có, chỉ là sự nghi ngờ của triều đình. Như ta đã thấy là trong khoảng thời gian từ 1802 tới 1841, nhất là trong khoảng thời gian từ 1829 đến lúc Minh Mạng chết đi (1841), không một người ngoại quốc nào muốn tới VN để buôn bán nữa, chỉ có mấy tên "gián điệp" Tây Dương Ðạo Trưởng" lẻn vào mà thôi.

Vào 1825, khi chiếc tàu chiến Thétis của Bougainville nhổ neo đi thì một giáo sĩ tên Rogerot ở lại để đi giảng đạo. Dựa vào đó, MM mới hạ lệnh cấm đạo, truyền cho các quan phải khám xét tàu bè của người ngoại quốc ra vào biển (đã nói ở trên). MM sai đem các thừa sai gôm lại ở Huế để dịch sách, mục đích không phải là cho các ngài là "gián điệp", nhưng là để khỏi đi giảng đạo.

Quan lại cũng ghét đạo nữa, cho nên việc bắt đạo càng dữ dội. Ðiều này không lấy gì làm lạ bởi vì Nho giáo là căn bản duy trì uy quyền của họ. Nay có Công giáo thì cảm thấy là uy quyền "phụ mẫu chi dân" sẽ bị sức mẽ. Tuy nhiên dù có cấm hay có giết đi nữa, người ta vẫn thấy có người tin theo đạo. Cộng thêm vào đó, triều đình thì thối nát, giặc giã nổi lên từ 1834 cho tới 1838. Một mặt cấm đạo, một mặt MM huấn thị dân phải bảo vệ đạo của mình (Tam Giáo Ðồng Nguyên). Trần Trọng Kim trách tại sao MM phải làm dân mình khổ như vậy ? "Thánh Tổ Hoàng Ðế" thì phải là bậc trí dũng, sao lại có thể làm chuyện tàn bạo như thế.

Các giáo sĩ liều sống chết trốn đây đó để truyền đạo, có người đào hầm để dạy đạo. Như vậy, vớI ý chí như thế thì hình phạt chỉ là vô dụng. Vậy cấm đạo đây không phải vì "gián điệp" nhưng là vì bảo vệ Nho giáo một cách cuồng tín. Như Gia Long, khi gặp cơn bỉ cực, thì ông có nhờ "gián điệp" giúp đỡ; khi ngai vàng đã vững thì lạt lẽo. Con cháu của ông đã quên đi công lao của một tên "gián điệp" chạy Ðông chạy Tây kiếm tiền và người giúp dựng giang sơn cho họ. Gián điệp hay bán nước, làm tay sai cho địch chẳng qua là một bình phong che tính chất "ăn cháo đá bát", tội ác giết người kinh khủng của các vị vua này mà thôi. Kết quả của sự bài ngoại, giết người Việt theo đạo Gia-Tô chính là cái cớ dễ dàng cho sự xâm lược của thực dân.

4. Tình hình công giáo trong khoảng 1830-1833 : Trong thập niên 1829-1839, thời gian mà Pháp chán nản không muốn liên hệ gì với nước ta nữa, thì Minh Mạng càng say máu trong việc cấm đạo. MM muốn bắt đạo nhưng còn sợ mang tiếng nên ông bày trò cho các quan ở các tỉnh gởi kiến nghị về kinh. Vì thế, "trước mặt dân", MM "buộc lòng" phải làm mà thôi. Jaccard là một vị linh mục ở Cửa Hàng bị MM bắt về dịch sách vở. Khi biết MM sắp mừng tứ tuần, tỏ thiện chí, Jaccard đã cùng giáo dân làm lễ long trọng cầu an cho MM trong 8 ngày liền, nhưng đó là những ngày bình an cuối cùng cho bổn đạo của ông. Làng Cổ Lão (Cửa Hàng ?) là một làng không CG luôn tìm dịp để cướp đất ruộng của làng Dương Sơn bằng cách gây chuyện; họ tố cáo lên cai tổng là Jaccard dã dẫn CG tớI cướp các nhà trong làng của họ. Viên cai tổng, mặc dù không có thiện chí với Jaccard, không thể xử ông một cách lố bịch, không chứng cớ. Tức giận, người làng Cổ Lão đem chuyện lên triều đình bằng cách đổi lời tố khi trước sang tội a tòng theo "tà đạo". 73 người CG bị giam và bị tra tấn; lý trưởng bị xử tử; Jaccard cũng thế nhưng MM bắt Jaccard phải tham gia vào quân đội Hoàng Gia Việt Nam. Sau này MM đổI xử chém sang thắt cổ Jaccard. Jaccard chết vào 21/1/1838 tại Quảng Trị. Theo Louvet trong "La Cochinchine Religieuse", khinh người Tây phương là bọn mọi rợ, cho CG là bọn sài lang bướng bỉnh không bỏ đạo, trong một sắc dụ, MM truyền : "Ta truyền lệnh cho tất cả những người trong nước phải tuân lệnh ta, chỉ có bọn sài lang Công giáo không chịu theọ Ta truyền lê .nh thẳng tay đánh đập, tra tấn, xé ra từng mảnh những tên ngoan cố, không chịu chà đạp thập giá."

5. Sắc dụ cấm đạo toàn quốc (6/1/1833) : Vì quá ghét đạo công giáo, MM đã đặt điều giá họa cho đạo này mà rất có thể là ông biết không phải vậỵ Theo "Vietnam : History, Documents, and Opinions on a Major World Crisis" của M. E. Gettleman, bản dịch sang tiếng Anh về sắc dụ này lấy từ "La Geste Francaise en Indochine", vol/ 2, 1955, của Taboulet như sau :
a.- Edict of the Emperor Minh Mang : Hostility to Christianity (1833) : "I, Minh Mang, the king, speak thus. For many years, men from the Occident have been preaching the religion of Gia-To and deceiving the public, teaching them that there is a mansion of supreme bliss and a dungeon of dreadful misery. They have no respect for the God Phat (Buđha) and no reverence for ancestors. That is great blasphemy indeed. Moreover, they build houses of worship where they receive a large number of people, without discriminating between the sexes, in order to seduce the women and young girls; they also extract the pupils from the eyes of sick people. Can anything more contrary to reason and custom be imagined ? "Last year, we punished two villages steeped in this depraved doctrine. In so doing we intended to make our will known, so that people would shun this crime and come to their senses. "Now then, this is our decision : although many people have already taken the wrong path through ignorance, it doesn't take much intelligence to perceive what is proper and what is not; they can still be taught and corrected easily. Initially they must be given instruction and warnings, and then, if they remain intractable, they would get punishment and pain. "Thus we order all followers of this religion, from the mandarin to the least of the people, to abandon it sincerely, if they acknowedge and fear our power. We wish the mandarins to check carefully to see if the Christians in the territory are prepared to obey our orders, and to force them, in their presence, to trample the cross underfoot. After this they are to pardon them for the time being. As for the houses of worship and the houses of the priests, they must see that these are completely razed and, henceforth, if any of our subject is known to be guilty of these abominable customs, he will be punished with the last degree of severity, so that this depraved religion may be extirpated. "This is our will. Execute it. 12th day of the eleventh moon, 13th year of our reign. [the royal seal]. b. Secret annex to the edict : "The religion of Jesus deserves all our hatred, but our foolish and stupid people throughout the kingdom embrace it en masse and without examination. We must not allow this abuse to spread. Therefore we have deigned to post a paternal edict, to teach them how they must correct themselves. "The people who follow this doctrine blindly are nonetheless our people; they cannot be turned away from error in a moment. If the law were followed strictly, it would require countless executions. This measure would cost our people dearly, and many who would be willing to mend their ways would be caught up in the proscription of the guilt. Moreover, this matter should be handled with discretion, following the (Confucian) maxim, which states :"If you want to destroy a bad habit, do so with order and patience," and continued :"If you wish to root out evil breed, take the hatchet and cut the root." "We order all the Tổng Ðốc (administrative head of a province) and all others who govern : 1) Carefully to attend to the instruction of their inferiors, mandarins, soldiers or populace, so that they may mend their ways and abandon this religion. 2) To obtain accurate information about the churches and homes of missionaries, and to destroy them without delay. 3) To arrest the missionaries, taking care, in doing so, to use guile rather than violence; if the missionaries are French, they would be sent promptly to the capital, under the pretext of being employed by us to translate letters. If they are indigenous, you are to detain them in the headquarters of the province, so that they may not be in communication with the people and thus maintain them in error. Take care lest your inferiors profit from this opportunity by arresting Christians indiscriminately and imprudently, which would cause trouble everywhere. For this you would be held guilty... "You, provincial prefects, act with caution and prudence, do not stir up trouble; thus you will make yourselves worthy of our favor. We forbid this edict to be published, for fear that its publication might cause trouble. As soon as it reaches you, you alone are to acknowledge it. Obey."

6. Vài cái chết vì tín ngưỡng : Sau sắc dụ trên, các vị thừa sai phải chạy trốn. Một trong những người kém may mắn là Gagelin. Ông đi từ Saigon đến Qui Nhơn để tìm chỗ núp nhưng không được, ông đành ra tự thú ở Bình Ðịnh. Trấn Thủ Bình Ðịnh cho 2 đầy tớ đi theo áp tải Gagelin lên kinh thành, nhưng họ trốn mất lúc ngang Cửa Hàng, trong khi Gagelin còn đang mang gông. Rốt cuộc Gagelin được dẫn tới Huế và bị giam ở Trấn Phủ. Ðược tin mình phải bị xử tử, Gagelin viết thư nhờ Jaccard, đang ở Cung Quán, để báo cho cha mẹ ông ở Pháp hay. Gagelin được dẫn ra chợ Ðông Ba. MM muốn cho dân kinh thành quen với cảnh xử man rợ cho nên đi trước Gagelin có lính rao lớn : "Tây Dương Ðạo Trưởng Hoài Hóa có tội rao giảng tà đạo Gia-Tô ở nhiều tỉnh trong nước : vì thế nó bị án thắt cổ." Tới Bãi Dâu, Gagelin ngồi trên một chiếc chiếu do một bổn đạo nào đó đã trải cho ông.
Lý hình cột tay Gagelin vào một cọc phía sau lưng, quàng giây vào cổ. Lệnh ban ra, 6 lính mỗI bên kéo thật mạnh. Ðó là vào 8 giờ sáng ngày 17/10/1833. Tống Viết Bường, một đội trưởng (theo quan chế VN tương đương với Ðại úy; xem Roux : "Vestiges Religieux et Profanes du Vieux Hue"), bị giam ở Trấn Phủ từ 12/1832 và bị tra tấn trong 18 tháng liền (Louvet : La Cochinchine Religieuse). Con ông và 6 binh sĩ đã bị xử từ trước. Bường biết mình sẽ bị trảm quyết. Những người lính dưới quyền của ông trước kia là những người phải dẫn ông đi xử tại họ Thợ-Ðúc, nơi có ngôi nhà của người con gái của ông. Lúc tới trước căn nhà đó, quan có phận sự xử Bường có nói :

- Bường, ông không phải tướng cướp, ông không có tội gì ngoài tội theo CG. Ông hãy bỏ đạo rồi Hoàng thượng sẽ tha cho ông, và hoàn cấp bậc lại cho.
- Không, tôi đang đi đến đích của đời tôi. Tôi không muốn lùi lại.

Nói xong, Bường xin vài phút để cầu nguyện... Sau khi đọc kinh xong, lý hình đứng sau lưng ông, tuốt gươm chém vào cổ một lát thật mạnh. (Roux : "Vestiges Religieux et Profanes du Vieux Hue"). Ðầu của Bường bị bêu 3 ngày trong một ngôi nhà thờ đổ nát của họ Thợ-Ðúc. Xác được an táng tại Phú Cam. (Hình sau được in trong "Lịch sử Giáo hội Công giáo" của Linh mục Bùi Ðức Sinh O.P trang 345)

7. Giám mục Taberd : Sau sắc dụ bắt đạo trên, Taberd và một số thừa sai chạy sang Thái Lan. Nơi đây, với mục đích chính trị, Thái Lan tiếp đãi nồng hậu Taberd với ý đồ là ông sẽ giúp họ kêu gọi ngườI CG chống lại MM. Taberd từ chối. Quốc vương Thái Lan trở mặt : 3 linh mục và 15 thầy tu VN chạy theo Taberd bị bắt làm tù binh, nhưng sau đó họ được cứu bởi thừa sai Cuénot và đưa sang Penang, Mã Lai. Trong lúc đó, Thái Lan đem quân đánh VN "theo lời cầu cứu" của Lê Văn Khôi. Nhưng Trương Minh Giảng và Nguyễn Xuân đại thắng Thái Lan trên toàn cõi mặt trận Cao Miên và Lào. Cuộc chiến Việt-Thái đã biến Taberd thành cái đích gán tộI của cả Thái Lan và Việt Nam. Thái Lan không bằng lòng về Taberd vì ông không nghe lời họ; người Việt thì tố Taberd đã giựt giây chính phủ Thái để chính phủ này khai chiến với VN. Không ai nói về vai chính Lê Văn Khôi trong vụ này. Taberd sống không nổi ở Thái Lan nên trốn sang Singapore vào năm 1834. Trong lúc đó thì người CG bị MM tàn sát từ Nam chí Bắc. Sau khi Marchand bị xử, ở Nam và Trung chỉ còn 2 vị thừa sai và 10 linh mục VN. Do đó Taberd đã phái Cuénot về địa phận Lái Thiêu gấp. Taberd làm như thế vì nghĩ rằng tốt hơn là không về VN để gây họa cho người Việt Công giáo. Vào những năm cuối cùng, gọi là để cống hiến phần nào cho người Việt, Taberd đã làm cuốn tự điển Việt - Latin và Latin - Việt, công phu và có giá trị. Taberd chết tại Calcutta năm 1840.

Vào năm 1835, thấy tình hình rối beng trong nước, MM ra sắc dụ ngưng lại việc chém giết trong 2 năm. Trở thành Giám mục, Cuénot trở lại VN đem theo 2 vị linh mục VN và trốn ở Gò Thịnh, Bình Ðịnh. Ông liên lạc các địa phận và giúp họ giữ vững lòng tin. Năm 1835, Cuénot đã phong chức cho 10 thầy giảng. Trong thời gian này, Cuénot cả gan lập lại 2 chủng viện và cử 2 vị thừa sai mới lẻn vào VN làm giám đốc một chủng viện Huế và một ở Nam Việt. Cuénot đã gôm lại 250 bà phước vì trong thời kỳ bắt đạo họ đã được về với gia đình.

8. Sắc dụ cấm đạo 1836 : Theo Nam Xuân Thọ trong "Phan Thanh Giản", trong sắc dụ này, MM cho biết là Marchand đã công nhận hết tội lỗi cũng như về những hoạt động quái ác trong đạo Gia-Tô :"Các thừa sai dùng một thứ bánh để quyến rũ dân chúng và bắt họ phải giữ đạo đến cùng. Các người công giáo móc mắt những người gần chết rồi đem trộn với hương để làm thuốc... "Trong lúc làm phép hôn phối có xảy ra những điều ám muội.. "Cấm mở cửa biển cho tàu bè bọn mọi rợ vào, chỉ trừ ở Cửa Hàn. Hễ giao sĩ Âu nào bắt được ở trên tàu khách vào trong nước cũng phải xử tử. Hễ giáo sĩ Âu nào bắt được trong nước cũng phải xử tử. Những ai oa trữ các ông ấy trong nhà cũng phải xử tử. Nội các quan hễ có ai tố giác ra một người đạo sĩ nào ở trong hạt mình cũng phải xử tử, vì đã không tìm hết cách để bắt lấy" Các quan sợ liên lụy đã làm hết sức để hủy bỏ những cuộc truy nã người công giáo, nhiều lúc họ còn báo cho người công giáo trốn đi trước khi đến xét nhà.

9. Sắc dụ cấm đạo 1838 : Khi thấy dù tra tấn cách mấy đi nữa mà đại đa số công giáo không chịu bỏ đạo, MM tuyên bố trong sắc dụ này là sở dĩ họ tha thiết với đạo là vì họ kém văn hóa và chưa biết cái tốt cái đẹp của đạo khác. Ðể soi sáng dân, MM soạn tập "Thập Ðiều". Sắc dụ này còn dạy xây ở mỗi làng nhiều đình chùa để thờ ông bà tổ tiên và đặc cách các cụ nhà Nho giải thích 10 điều răng của MM cho ngu dân. Dụ này còn nói : "Phải giữ đạo Gia-Tô để được lên Thiên Ðàng sau lúc chết. Thì xem Tây Dương Ðạo Trưởng Marchand và Cornay (một thừa sai người Pháp bị chặt thành từng khúc vào 20/ 9/1837), ông Trùm Hiển (tên của giám mục Hemares bị trảm quyết ngày 24/7/1838) và ông Trùm Hai (tên của thừa sai Fernandez, bị xử cùng ngày) có lên thiên đàng sau lúc mấy ổng chết không ? ..."

10. Sắc dụ cấm đạo cuối năm 1838 : Vì muốn bắt đạo dữ dội và có hiệu quả hơn, MM ra chỉ quyết liệt phải thiết lập chùa miếu, tất cả mọi ngườI phải chung tay xây cất nhà thờ tự, phải tới chùa thấp hương, vái lạy. Theo Trịnh Việt Hiền trong "Máu Tử Ðạo Trên Ðất Việt Nam" thì MM ra chỉ dụ này nhầm chấn hưng tinh thần Phật giáo, phổ cập óc thờ Bụt Thần trong dân chúng để họ khỏi theo tà đạo. Một số công giáo đã bị giết vì không chịu tham gia.

11. Phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp : Trong lúc MM đang say máu bao nhiêu, thì dân lại khổ bấy nhiêu; còn Trung Hoa thì bị Anh và Pháp tấn công dữ dội và phải cầu hòa. Cuộc đọ sức này phát xuất từ những lý do bỉ ổi. Nước Anh đã xâm chiếm nhiều vùng đất của Ấn Ðộ để trồng thuốc phiện nhưng không có thị trường để tiêu thụ và đó là vấn đề nguy hiểm trên thương trường.

Lái buôn Anh muốn sang Trung Hoa để bán thuốc phiện. Trung Hoa phản đốI kịch liệt và vào năm 1838, Trung Hoa ra lệnh đổ xuống biển 20,000 thùng thuốc phiện của lái buôn Anh (Olichon trong "Les Missions"). Ðồng thời các nhà hàng của Anh cũng bị đốt. Anh dùng vũ lực đánh Trung Hoa.

Năm 1842, chiếu theo luật mạnh được yếu thua, Hồng Kông thuộc về Anh. Biến cố đó đã cho MM thấy là một mớ chữ Nho cũng như vũ khí của Tàu không thể chống lại đại bác khạc lửa. BốI rối, MM gởi một phái đoàn sang Pháp để dò la thái độ của Pháp đối với VN (Launay trong "Histoire Générale de Mission Étrangères"), chớ không phải điều đình với Pháp về việc giảng đạo như Trần Trọng Kim đã viết trong Việt Nam Sử Lược (trang 228), hoặc vì MM thấy mọi việc cấm đoán, giết chóc không kết quả mới cử phái đoàn sang Pháp như Phạm Văn Sơn viết trong Việt Sử Toàn Thư, hay muốn giao thiệp với người Tây phương cho dịu bớt tình hình đang căng thẳng như Phan Xuân Thọ viết trong "Phan Thanh Giản".

Khi tới nơi, phái đoàn tuyên bố là các thừa sai ở VN được hậu đãi và dân chúng được hoàn toàn tự do giữ đạo CG. Giáo hoàng Grégorie yêu cầu vua Pháp Louis Philippe dùng ảnh hưởng của ông để vận động với triều đình VN chấm dứt việc bắt đạo. Báo chí Pháp phản đối việc tiếp phái đoàn VN. Louis Philippe không tiếp Phan Thanh Giản vì những lý do :

- Năm 1821, lãnh sự Pháp Jean Baptiste Chaigneau tới VN mang theo lá thơ của Louis 17 yêu cầu được buôn bán. MM từ chối.
- Ngày 28/2/1822, Chaigneau xin MM cho thuyền trưởng tàu Cléopâtre được yết kiến. MM từ chối. - Năm 1825, Bougainville đem tàu tới Cửa Hàng đem bức thơ của Louis 18 xin yết kiến. MM từ chối sự giao thiệp.
- Năm 1826, Eugène Chaigneau, nhân viên tòa lãnh sự Pháp, không được vào VN.
- Năm 1830, Eugène Chaigneau đến một lần nữa nhưng MM không cho tiếp kiến.

Nhiều sử gia VN đã né tránh không đề cập tới lý do trả đủa này của Louis Philippe. Không được tiếp kiến, Phan Thanh Giản trở về và định báo cáo cho MM nhưng ông đã chết (1841) vì té ngựa (theo Schreiner trong "Abrégé de l'Histoire d'Annam"; các tác giả như Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Quế và Phạm Văn Sơn không nói đến việc té ngựa này). Các pho sử như "Gia Ðịnh Thống Chí", "Liệt Thánh Thực Lục Tiền Biên" hay "Khâm Ðịnh Tiễn Bình Lưỡng Lỳ Phỉ Khấu Phương Lược" đều được viết theo lệnh của Minh Mạng. Ðể hiểu khách quan về MM, người ta nên tham khảo cả sách ta và Tây.

12. Nghĩ sao về Minh Mạng ? Theo Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn, đứng trên vai trò chủ quyền của quốc gia, việc thỉnh thoảng tàu Tây Phương đổ một số giáo sĩ vào VN đã làm triều đình này cho rằng ngườI ngoại quốc tỏ thái độ trịch thượng khi biết rằng VN không thích các giáo sĩ vào nước họ. Thật vậy, triều đình VN không muốn đạo Công giáo đặt chân trên đất nước này, nhưng mọi phương sách cấm đạo đều vô dụng. Kết quả, MM đi đến chỗ quyết liệt để bảo vệ đạo cũng như ngai vàng của ông. Ðạo dụ cuối cùng càng dữ dội hơn trước; việc bắt đạo, xử giảo, quân và quan lục lọi gần như loạn. Nhưng sắt và máu của nhà vua chỉ làm cho giáo dân khắng khít với đạo của họ hơn. Nhiều cuộc nổi loạn đã xảy ra, nhưng vài nhà viết sử ta đã gài các vụ nổi loạn trên dính liền với sự bắt đạọ Thật ra, những cuộc nổi dậy phát xuất từ nhiều lý do khác hơn về tôn giáo. Không có một bằng chứng nào cho thấy những người Công giáo đã phản ứng lại chính sách tàn bạo này bằng những cuộc nổi dậy, cho dù quả thật họ bị dồn vào bước đường cùng. Trước áp lực của MM, các người Việt này chỉ biết bảo tồn mạng sống bằng cách chạy vào rừng, hay trốn ra biển, núp dưới hầm sâu, nếu không may thì phải đưa cổ cho quan của MM cứa mà thôi.

Ngồi trên ngai vàng suốt 21 năm, MM được khen là biết chăm lo việc nước. Về nội trị như chính trị, quan chế, học hành, khoa cử, phong tục, thuế má, võ bị đi vào nề nếp. Về an ninh quốc gia, MM phải nhờ các tướng tài giúp đỡ. Tuy nhiên nói chung, MM chỉ là vị vua tầm thường, không có sáng kiến cần cho những cải tổ sâu rộng. Dưới triều của ông không có những nhân tài để giúp cho việc kinh bang tế thế làm cho dân nhờ. Loạn ở Bắc và ở Nam là do lỗi của chính ông cũng như không có người tài làm cố vấn; đa số các quan lại trong triều là tham nhũng. Việc bạc đãi người bản xứ Chân Lạp khi họ ở dưới sự bảo hộ của VN đã làm cho người Miên ngả theo Thái Lan đánh bật VN ra Khỏi Trấn Tây Thành [vào 1835, Trương Minh Giảng chiếm Lục Chân Lạp, một phần của Cao Miên, rồi cải tên của Chân Lạp thành Trấn Tây Thành. Giữ không nổi, nghỉ mình giữ việc kinh lý Chân Lạp không xong mà phải rút về, Trương Minh Giảng buồn bả mà chết].

Rồi vụ Lê Văn Duyệt, Lê Văn Khôi, con Hoàng Tử Cảnh, rồi chị dâu, đã biến ông thành trò chê cười cho hậu thế. Về việc bắt đạo, nhiều sử gia đã đứng bên MM cho rằng ông có những lý do của ông. Chẳng hạn, đạo Công giáo còn quá mới mẻ đối với dân ta, nhiều nghi lễ không hợp với tục lệ cổ truyền và gần như làm đảo lộn một phần nào cuộc sống tinh thần của dân ta. Mọi người đều cho việc sùng kính của mình là hay là nhất; do đó, họ phải bảo vệ nó bằng mọi cách. Mặt khác, vào lúc này tình hình Á Châu đang rối loạn do các cuộc xâm lăng của các đế quốc Tây phương, do dó các vua ở vùng này ai mà không có tư tưởng bài ngoại, tuy nhiên việc bài ngoại của một quốc gia yếu kém đã đem đến chậm tiến mà còn làm dân của mình khổ.

MM giết đạo là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, người ta vẫn có nhiều thắc mắc. Theo nguyên tắc Nho giáo, tôi phải theo vua, con phải theo cha, ai trái với đạo này thì sẽ bị giết. Nhưng nếu vua bậy bạ hay cha là tay giết người cướp của thì con cái nên tuân theo Nho giáo để bắt chước họ hay không ? Mặt khác, đạo Nho không có độc đoán như thế. Khổng Tử đã nói :"Sư phụ mẫu cơ gián, kiến chi bằng tòng, hưu kinh bất vi, lao nhi bất oán". Có nghĩa là khi cha mẹ có làm điều gì lầm lỗi, con phải tìm cách êm đềm dịu dàng mà can ngăn, thấy cha mẹ không nghe thì lại kính mà không trái lễ, dầu có phải điều đau đớn khó nhọc cũng không oán giận. Gia Long là cha Minh Mạng, không tàn sát công giáo.

Minh Mạng đã không theo gương cha, không học tính tốt của cha, không nghe lờI di huấn của cha. Vào 2/1825, MM ra sắc dụ cấm đạo, nhưng Thống tướng Lê Văn Duyệt, Khâm sai đại thần cai trị 6 tỉnh miền Nam, đã phản đối kịch liệt (Louvet : La Cochinchine Religieuse). Ông về Huế tâu cùng Minh Mạng :

- Tâu Hoàng Thượng, người công giáo đã phạm lỗi gì để ta bắt bớ họ ? Sao chúng ta lại giam cầm Ðạo Trưởng Âu Châu... Hoàng Thượng không nhớ các thừa sai đã cho chúng ta gạo (Bá-Ða- Lộc đã chia gạo cho Nguyễn Ánh và quân lính lúc Nguyễn Ánh chạy trốn lang thang ở vịnh Thái Lan) ?... Hạ thần mất rồi, Hoàng Thượng muốn làm gì thì làm, nhưng bao lâu hạ thần còn sống, Hoàng Thượng sẽ không làm điều ấy.

Nếu MM trong lúc giết người và cấm đạo mà tưởng mình làm bổn phận của mình thì lời di chúc của Gia Long và cảnh cáo minh bạch của Lê Văn Duyệt không làm ông mở mắt ? Hay ông chỉ là kẻ ngoan cố đến độ tàn nhẫn ?

Theo Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn và theo Maybon trong "Lectures sur l'Histoire Moderne et Contemporaine du Pays d'Annam", MM còn bị tố là bạo chúa vì ông đã giết người Công giáo không khác gì Néron của La Mã, thủ tiêu cháu của ông, lên án Lê Văn Duyệt vì tính thù nhỏ nhen. MM đã làm những người ngoại quốc cố tình làm quen phải chán nãn, người trong nước bất mãn cách hành động của ông nên giặc giã nổi lên từ Nam chí Bắc, mục đích là xô ông xuống khỏi ngai vàng.

Trước khi bước sang thời vua Hiến Tổ, niên hiệu Thiệu Tri, ta thử sơ bàn về chính sách đế quốc và thực dân Pháp tại Việt Nam, và của người VN đối với Chiêm Thành và Chân Lạp. Sơ bàn về Thực dân Pháp tại Việt Nam : lẽ tất yếu hay chuyện lạ ? Nói chung thì chính sách thực dân đã tạo ra làn sóng thuộc địa trên thế giới và đó là điều bỉ ổi.

Một quốc gia là một nước có lãnh thổ riêng biệt, được giới hạn và, trong thế giới hiện đại, được quốc tế công nhận. Mỗi quốc gia chứa một dân tộc có cùng một lịch sử, một tập tục, có quyền lợi và cùng chung một nghĩa vụ là bảo vệ và phụng sự nó; đặc biệt nhất là dân tộc này có chung một ngôn ngữ với văn tự riêng và tiếng nói riêng. Chúng ta có tiếng nói riêng, nhưng không có văn tự đặc thù cho tới đầu thế kỷ thứ 20. Lý do ? Dân tộc ta có ít nhất 2 nguồn gốc; nguồn gốc được nói tới nhiều nhất là theo các nhà khảo cổ Á- Âu, dựa vào truyền thuyết, họ cho rằng dân tộc VN thuộc dòng dõi Bách Việt, có tên là Lạc Việt, thành lập một quốc gia gọi là Xích Quỷ (bờ cỏi của Xích Quỷ phía Bắc giáp Ðộng Ðình Hồ của Hồ Nam, phía Nam giáp Hồ Tôn tức Chiêm Thành, phía Tây giáp Ba Thục tức Tứ Xuyên và phía Ðông giáp bể Nam Hải) mà 2 vị vua đầu tiên của quốc gia này tên là Kinh Dương Vương và con là Lạc Long Quân, tức Sùng Lãm. Lạc Long Quân phong cho người con trưởng làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương. Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân là những vị vua thứ nhất và thứ nhì của họ Hồng Bàng, một họ thành hình vào năm 2879 trước Tây Lịch, thay phiên nhau cai trị Văn Lang qua 20 đời vua tới năm 258 trước TL thì bị nhà Thục, một nước kế cận, lấy mất và đổi tên nước lại là Âu Lạc với vị vua mớI xưng là An Dương Vương.

Dựa theo trống đồng Ðông Sơn, Ngọc Lũ và các di vật khảo cổ từ thời Văn Lang mà người ta khám phá ra rằng ở tại Á châu ngoài 2 nền văn minh Ấn độ và Trung hoa còn có một nền văn minh riêng biệt khác, đó là văn minh Văn Lang. Nước Văn Lang là quê hương của Việt tộc, còn gọi là Viêm Việt. Ðây là một lãnh thổ bao la nằm ở phía Nam của Ðộng Ðình Hồ. Âu Cơ, vợ Lạc Long Quân, chính là nữ thần nước ở Ðộng Ðình Hồ, quê hương cũ của ta.

Các công trình nghiên cứu mới đây đồng ý là núi Ngũ Lĩnh và Ðộng Ðình Hồ vùng Hoa Nam hay Hồ Nam (Phiên Ngung, Quế Lâm, Tượng Quận, Chiết Giang) thuộc phần đất của Quảng Ðông - Quảng Tây của Trung Hoa ngày nay, là lãnh thổ của dân tộc Việt. Nhưng cội nguồn văn hóa trên đã bị tộc Hán xâm chiếm. Về quê xưa Ðộng Ðình Hồ, ông bà ta có những câu :

Gió Ðộng Ðình mẹ ru con ngủ,
Sông Tiền Ðường ấp ủ năm canh,
Lạnh lành lanh, lạnh lành lanh,
Võng đào mẹ ủ con Rồng cháu Tiên

Âu Cơ là Mẹ nước mà dân Việt ta thờ kính trong đạo Mẫu (miền Bắc có trên 60 đền thờ mẹ Âu Cơ); đạo thờ mẹ này là một tín ngưỡng độc đáo của dân tộc VN. Ðạo Mẫu có trước cả thời Hán thuộc; sau này Âu Cơ đã trở thành nữ thần nguyên thủy của đạo Giáo Việt, tức Mẫu Thủy Phủ, kiêng tên úy được gọi trại đi là Mẫu Thoải. Một bài hát chầu văn ca tụng bà mẹ này như sau :

Trạnh giang biên dòng dòng lai láng
Nguyệt lầu lầu soi sáng Nam minh
Ngài con vua thủy Ðộng Ðình
Cổ tiên thần nữ giáng sinh đền rồng
Tài gồm đủ công dung ngôn hạnh
Nết ôn hòa ưa tính thiên nhiên.

Việt tộc sống quay quần bên nhau thành bộ lạc, cùng cá tính, cùng phong tục tập quán, nói cùng một thứ tiếng ; theo định luật thiên nhiên, con người có tiếng nói, tức tiếng mẹ đẻ, trước khi có văn tự Vào năm 214 trước Tây lịch, Tần Thủy Hoàng thâu tóm tất cả lãnh thổ, từ Hoa Bắc xuống Hoa Nam, trong đó có Lạc Việt, tạo thành một đế quốc to lớn. Ðể thống nhất chính trị và đồng hoá văn minh, TTH ra lịnh bắt tất cả các dân tộc phải dùng chữ Hán.

Do bị giống Hán tộc lấn áp, đánh đuổi nên ta di cư dần dần xuống phương Nam bắt đầu từ thế kỷ thứ 3 trước TL. Sau khi nhà Tần suy thì Triệu Ðà, quan của nhà Tần, đánh chiếm Âu Lạc dựng lên một quốc gia riêng gọi là Nam- Việt. Thế rồi trong suốt khoảng thời gian dài đăng đẳng 1,028 năm, ta đã bị Trung Hoa đô hộ, giai đoạn này còn được gọi là thời kỳ Bắc thuộc, gồm Nhà Triệu của

Triệu Ðà (207 trước TL - 111 trư ớc TL : 97 năm),
Nhà Tây Hán (110 trước TL - 39 sau TL : 149 năm),
Nhà Ðông Hán (43-186 : 144 năm),
Ngũ Ðại gồm Ngô, Tấn, Tống, Tề và Lương (227-540 : 314 năm),
Nhà Tùy và Ðường (603-906 : 304 năm),
Nhà Minh (1407-1427 : 20 năm).

Do đó dân tộc ta chịu ảnh hưởng thật sâu đậm nền văn hóa Hán tộc, tôn sùng 2 đạo Khổng Nho, lấy đạo Khổng phu tử làm giáo lý và làm căn bản cho việc tổ chức guồng máy xã hội quốc gia, lấy chữ Hán làm văn tự chính thức, lấy Tứ Thư (Ðại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử) và Ngũ Kinh (Thi, Thư, Dịch, Lễ, Ký, Xuân Thu) làm kim chỉ nam cho nền văn học. Nhưng có một điều là dù bị Bắc thuộc cả ngàn năm như thế mà dân ta vẫn giữ được tiếng mẹ đẻ, tức tiếng Việt. Do đó mà ta thoát khỏi bị sự đồng hóa không giống như các dân tộc khác ở vùng Hoa Nam.

Nhận thấy lối phát âm của tiếng Việt lại phong phú hơn tiếng Hán, tiền nhân của ta đã sáng chế ra một văn tự riêng biệt để phù hợp với âm và nghĩa Việt. Ðó là chữ Nôm mà chính người Hán không hiểu được. Dĩ nhiên vào lúc đó duy nhứt chỉ có Hán tự là thứ chữ tượng hình duy nhất dùng trong phạm vi hành chánh của nhà cầm quyền Hán, nên tổ tiên ta chỉ có cách duy nhất là phỏng theo chữ Hán. Hán tự có từ lâu nên có qui luật rành rẽ, còn chữ Nôm, tùy ý nôm na, nên không có mẹo luật nhất định, do đó có khi cùng một tiếng Việt mà có 2 cách viết. Danh từ "Nôm" và danh từ "Nho" cùng xuất hiện đồng thời vào thời Tùy Ðường đô hộ (603-906) để phân biệt chữ Nôm và chữ Nho (tức là chữ Hán nguyên hình). Chữ Nôm vì có tính chất phong phú về phát âm nên dồI dào hơn chữ Hán. Chữ Hán (viết) được đọc trại đi theo lối phát âm Việt, đó là tiếng (nói) "Hán Việt" (chữ Nho hay Hán đọc bằng âm Việt). Không ai biết được tiếng "Hán Việt" có từ thuở nào.

Trong suốt thời đại tự chủ trải qua các triều Ngô, Ðinh, Lê và Lý gần 3 thế kỷ (939-1225), chữ Nôm phát triển một cách âm thầm nhưng chậm chạp vì gặp sự chống đối, chê bai của các nhà Nho quá tôn sùng đạo Khổng, tiêm nhiểm quá sâu Hán học. Ðến thế kỷ 13, dưới đời nhà Trần (1225-1413) thì chữ Nôm được xem như là "chữ quốc ngữ", phát triển mạnh nhưng chỉ trong phạm vi thi phú mà thôị Vào thời Nguyễn Tây Sơn (1788-1802) thì chữ Nôm mới có địa vị chính thức, phát triển mạnh, đi dần đến quần chúng; tuy nhiên nó vẫn bị giới trọng Nho học khinh rẻ.

Vua Quang Trung (1788-1792), với tinh thần cách mạng, đã bắt buộc thần dân dùng chữ Nôm làm văn tự chính thức, thay chữ Hán. Ông nói :"Người nước Nam, phải dùng tiếng nước Nam, phải có văn chương đặc biệt nước Nam, để gợi tinh thần nước Nam, không cần đi mượn tiếng, mượng chữ nước Tàu" Nhưng vị vua này có số quá ngắn khi ông lên ngôi năm 1788, đến ngày 29/7/1792 thì băng hà, hưởng dương 40 tuổi, làm vua không đầy 5 năm.

Như ta đã thấy trong khi chữ Hán sử dụng trong hành chánh, thì chữ Nôm, phát triển vào thời Tùy Ðường, là loại chữ mang tính cách văn chương và đặt nền tảng trên chữ Hán; nghĩa là muốn biết hay viết chữ Nôm, ta phải biết chữ Hán. Tới thờI Quang Trung thì chữ Nôm chỉ được xem trọng có 5 năm. Do đó chữ Nôm không thể phổ biến rộng rãi trong dân gian. Muốn ghi lại kho tàng văn học trong dân gian, ta phải có chữ dễ học, dễ viết, dễ đọc và nhất là nó phải phản ảnh tiếng nói và tình tự của dân tộc, không phải của chỉ Nho gia mà thôị Tuy nhiên các nhà Nho lại coi trọng tiếng Hán Việt mà khinh miệt tiếng thuần Việt.Họ đã nói quá nhiều tiếng Hán Việt, viết chữ Hán và dùng điển tích Trung Hoa trong văn chương bác học.

Văn chương cổ điển của ta gồm hầu hết là những tác phẩm "văn vần" (thi ca phú lục) được coi là cao quí hơn "văn xuôi". Vua Quang Trung là người đầu tiên nói lên sự thật về việc thê ' nào là độc lập và thế nào là dân tộc. Nhưng dù sao ta vẫn còn nô lệ về Hán tự cũng như kinh điển của Trung Hoa -- những sản phẩm dành cho giới sĩ phu mà thôị Vậy còn dân gian còn lại thì sao ? Như ta đã biết "quốc âm" là tiếng mẹ đẻ, tiếng nói riêng biệt của một dân tộc, "quốc ngữ" là chữ viết của riêng dân tộc nàỵ Theo Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị" của Huỳnh Tịnh Của (1895) thì "tiếng ta, chữ ta" (quốc âm, quốc ngữ) chính là chữ Nôm (chữ quốc ngữ nho hóa) được tổ tiên sáng tạo cộng với "chữ quốc ngữ la tinh hoá" sau này. Nhưng chữ Nôm khi được viết hay đọc ra không phải ai cũng đều hiểu nỗi, nếu như họ không thông chữ Hán. Yếu tố độc lập về ngôn ngữ và văn hoá vẫn còn bị nô lệ Tàụ Như vậy "chữ nước ta" chỉ còn lại "quốc ngữ la tinh hoa", vì nó có thể giúp phản ảnh hoàn toàn tình tự của đa số toàn dân Việt, không kể kẻ học ít hay học nhiều và còn có thể tải và duy trì cả văn chương bác học và bình dân. Như vậy, vào đầu thế kỷ 20, ta đã có chữ viết mới phản ảnh kỳ diệu "âm nói" (quốc âm; tiếng ta) mà cả người bình dân cũng học được và hiểu được. Dân trí của nước nhà đã được nâng cao như một cơn sóng thần ào ạt.

Sự phổ biến "chữ quốc ngữ la tinh hoá" (chữ ta) đã tạo ra văn thể mới : văn xuôị Văn xuôi này được sử dụng triệt để bởI ông Alexandre de Rhodes trong tác phẩm "Bài Giảng Tám Ngày" 300 năm trước đâỵ Nó đươợc thấy xuất hiện trong bộ Kinh thánh và Kinh nguyện chính thức của giáo hội này ở VN. Như vậy, chính Công giáo đã đi tiên phong về văn xuôị Tại miền Nam, Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của đã phổ biến chữ quốc ngữ "văn xuôi" qua các tác phẩm như "Chuyện Khôi Hài"(Trương Vĩnh Ký) hay "Chuyện Giải Buồn" (Huỳnh Tịnh Của).

Trong khi đó thì tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ, giới Nho học vẫn phản kháng và dùng chữ Hán. Ðó chỉ là việc tiếp nối truyền thống "Nho Tàu", trọng Hán khinh Việt. Rồi chữ quốc ngữ đã chuyển mình để có thể tải được cả văn hoá Âu Tây và văn hóa dân tộc : đó là cái mốc lịch sử cho dân VN bắt đầu giao tiếp với thế giới bên ngoài. Mặt khác, mỗi dân tộc đều có quyền tự quyết và không thể chấp nhận chính sách thực dân, thuộc địa hay bảo hộ.

Ngày nay, theo đúng công pháp quốc tế, thì không một quốc gia nào được quyền xâm phạm chủ quyền cai trị và lãnh thổ của một nước khác. Như vậy, chính sách thực dân là không hợp pháp. Tuy là không hợp pháp nhưng nó lại là một thực tế và là chuyện phải xảy ra trong lịch sử không sớm thì muộn. Lịch sử của thế giới đã cho thấy Á châu không ngừng xâm lấn và tràn sang các vùng lâ n cận. Rồi La Mã đã chận được sự tràn lan của đế quốc Ba- Tự Vào thế kỷ 12-13, Mông Cổ chiếm Nga, Hung Gia Lợi, Áọ Hốt Tất Liệt chiếm trọn Trung Hoa rồi tràn vào Việt Nam. Thế kỷ 15- 16, Thổ Nhị Kỳ từ Ðông Á đánh sang Ðế quốc La Mã. Còn Âu châu ? Âu và Á thường ít tiếp xúc nhaụ Tuy nhiên con đường buôn bán đã làm họ gần nhaụ Marco Polo đã tới Trung Hoa vào thế kỷ 13. Vào thế kỷ 15 thì người Ý và Bồ Ðào Nha đi đường biển đến Á châu.

Nói chung người Âu đi tìm thuộc địa và thương trường. Chính sự phát triển về văn minh của Âu châu đã biến họ thành một đế quốc và sức bành trướng của đế quốc này thật khủng khiếp. Các đế quốc xưa kia đã sụp đổ chỉ vì chậm tiến về kỹ thuật và cơ giớị Á châu xưa kia đi xâm lăng Âu châu nay lại bị xâm lăng trở lại. Chiến tranh ở Âu châu vào thế kỷ 18 đã làm cho Anh rảnh tay thiết lập một hạm đội hùng mạnh. Canada của Pháp bị Anh chiếm. Pháp bị đẩy ra khỏi Ấn Ðộ; rồi Anh đoạt các thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha. Các quốc gia ở Mỹ châu dành lại độc lập, nhưng vẫn thuộc vào người da trắng. Vào thế kỷ này Anh và Pháp làm mưa làm gió, đua tranh nhau tiến bộ trên cả về chính trị và kỹ nghệ, và thay phiên nhau tìm thuộc địa.

Vào thế kỷ 19, Âu châu phát triển cực mạnh về kinh tế và dân số. Nạn nhân mãn bắt họ phải di dân, chiếm thuộc địa, tìm tài nguyên, kiếm nhiên liệu cho kỹ nghệ. Cán cân cung và cầu bắt buộc họ phải có nơi tiêu thụ cho các sản phẩm. Vì thế cuộc chạy đua đi kiếm thuộc địa trở thành mãnh liệt và man rợ. Ðây là thời kỳ mạnh được yếu thua; chậm tiến thì bị chiếm làm thuộc địa.

Vào năm 1849, Anh đã hoàn toàn chiếm Ấn Ðộ. Vào 1887, Anh chiếm Miến Ðiện, sau khi lấy Singapore, Aden và Hong Kong. Nga chiếm Tân Cương và Siberiạ Còn Pháp thì chiếm Ðông Dương. Sự trang bị cho các nước thuộc địa đã giúp cho nền thương mại Âu châu phát triển. Có hơn 50 triẹu người Âu trên các thuộc địa mà họ chiê 'm. Sự có mặt của người Pháp cũng đứng trên bình diện này, đó là lý đương nhiên của thờI thế và không thể tránh khỏị Còn sự xâm lăng và đồng hóa của Việt Nam đối với Chiêm Thành và Chân Lạp là lẽ đương nhiên ? Vấn đề thuộc địa và đồng hoá của người Việt trên đất Chiêm và Chân Lạp Vào thời Lý Thánh Tông (1054-1072), ta đã lấy một phần đất của Chiêm Thành. Việt Nam và Chiêm Thành thường hay xung đột nơi biê n giới Từ ngày ta đã được tự trị, tránh được ách thống trị của Trung Hoa, thì ta và Chiêm Thành thường giao tranh; ta coi Chiêm Thành là cái nhọt "khó trị". Vào năm 1065-1069, Chiêm Thành không chịu triều cống Việt Nam. Ta dem quân đánh họ. Chiêm lại đầu hàng, tuy nhiên sự hàng phục này rất ngắn; lý do là người Chiêm là một dân tộc có nền văn minh riêng biệt, một dân tộc mạnh, có óc quật cường và chí phục thù rất bền bĩ. Theo Việt Sử Toàn Thư, người Chiêm lén lút thần phục nhà Tống; ta bình Chiêm chỉ vì từ đời Lý, ta đã có ý đồ đế quốc, muốn mở rộng bờ cõi về phương Nam. Nghe tin quân Chiêm quấy nhiễu, Lý Thánh Tông đem quân tràn sang Chiêm, nhưng thất bạị Qua lần thứ hai, ông bắt được Chế Củ (1069). Hiển hách về triều, Lý Thánh Tông tự xưng niên hiệu là Thần Võ. Chế Cũ muốn duy trì quốc gia đành dâng Việt Nam 3 châ u để chuộc tội : Ðịa Lý, Ma Linh và Bố Chính.; đó là các vùng thuộc tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị ngày naỵ Sau khi lấy được 3 châu, Lê Thánh Tông bèn tha Chế Củ cho về nước. Năm Tân Sửu (1301), sau 9 tháng vân du Chiêm Thành, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông (1279-1293), trong bữa tiệc tiễn hành, vì cảm hứng, hứa gả con gái là Huyền Trân công chúa, vừa được 16 tuổi, cho chúa Chiêm Thành Chế Mân (Cri Saya Sinhavarman III). Ðề nghị của Trần Nhân Tông gặp sự chống đối của triều đình.

Sau 5 năm dàn xếp và sau khi Chế Mân nạp đầy đủ sính lễ, năm 1306, lễ vu qui của Huyền Trân công chúa, vừa đúng đôi mươi, được tổ chức linh đình, song dân giang đã đàm tiếu và chế diễu :
Tiếc thay cây quế Châu Thường
Ðể cho thằng Mán, thằng Mường nó leo !

Theo "Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư" của Ngô Sĩ Liên thì lúc này Trần Nhân Tông đã đi tu, và Ngô Sĩ Liên đặt câu hỏi là tại sao Trần Anh Tông đang trị vì mà sao không đổi lại lịnh đem em gả cho người xa lạ, không cùng giống nòi, chỉ để giữ lời hứa của cha, rồi lại dùng mưu gian trá cướp em về, thế thì chữ tín ở đâu ? Phạm Văn Sơn của "Việt Sử Toàn Thư" thì viết :"Thượng Hoàng Trần Nhân Tông và triều đình quyết định gả Huyền Trân cho vua Chiêm Thành vì lý do chính trị tức là thắt chặt tình thân thiện Việt-Chiêm, không hề đá động đến việc đem ả thuyền quyên đổi 2 châu Ô, Rí (còn gọi là 2 châu Ô, Lý; đổi lại thành Hóa Châu và Thuận Châu của Việt Nam, tức là Thừa Thiên và phân nữa các tỉnh Quảng Trị và Quảng Nam ngày nay). Cuộc hôn nhân Huyền Trân - Chế Mân vô cùng ngắn ngủi, chỉ tròn một năm (1306-1307). Hay tin Chế Mân băng hà, Trần Anh Tông sai "Nhập nội Hành khiển Thượng thư Tả Bộc xạ" Trần Khắc Chung sang Chiêm Thành lập mưu đưa Huyền Trân về nước. Nói gì đi nữa thì Huyền Trân công chúa chỉ đóng một vai trò nhỏ trong kế hoạch đổi chác để nới rộng biên cương của nhà Trần.

Năm 1402, Hồ Quý Ly đánh Chiêm Thành lấy Chiêm Ðộng (phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) và Cổ Lũy (phía Bắc của Quảng Ngãi). Năm 1470, Lê Thánh Tông chiếm Ðồ Bàn, mở rộng tỉnh Quảng Nam và lâ .p tỉnh Bình Ðịnh, lấy đèo Cù Mông làm biên giớI .

Vào 1611, Nguyễn Hoàng tiến quân qua khỏi Ðèo Cả, biến vùng đất phì nhiêu mầu mỡ này thành tỉnh Phú Yên. Năm 1653, chúa Hiền Nguễn Phúc Tần lấy đất Chiêm để lập ra 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận. Và cuối cùng vào 1693, Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu đánh bă 't vua Chiêm, chiếm lấy Phan Rang và Phan Rí lập tỉnh Bình Thuận nằm giáp giới với Chân Lạp. Nước Chiêm Thành đã bị xóa tên trên bản đồ từ đó. Năm 1698-1759, các chúa Nguyễn Phúc Chu và Nguyễn Phúc Khoát chiếm đất Chân Lạp lập ra 6 tỉnh Nam Việt. Dãi đất Việt Nam từ Ải Nam Quan tới Mũi Cà Mau bắt đầu thành hình từ đây.

Theo Lê Văn Siêu trong "Việt Nam Văn Minh Sử Cương", ông gọI cuộc Nam tiến của nhà Lý và nhà Nguyễn là "thực dân canh nông của dân Việt..." và "Về sự bành trướng, nó có công mở lốI đặt thêm bước chân của người Việt về phía Tây (chiếm một phần đất của Lào), đến khắp lãnh thổ Ðông Dương, để cuộc thực dân canh nông của dân Việt tiến hành công trình đồng hóa trên các dân tộc kém tiến bộ khác..." Mô tả về sự lấn đất của người Chiêm, Lê Văn Siêu viết : "Trong thời kỳ toàn thịnh, dân chúng Ðại Việt đã lan tràn về Miền Nam, sống lẫn với dân Chàm, rồi lấn đất dần dần một cách ôn hòa đến Thừa Thiên bây giờ, để quân đội đi sau những biến cố lịch sử hay chiến tranh mà xác nhận, rồI chiếm hữu.

Cả trong thời kỳ suy yếu, chính sách thực dân canh nông của Ðại Việt đúc kết cũng đã cứ theo đà tự nhiên của nó mà tiến dần qua dèo Hải Vân xuống tới Ðõi Chiêm, Cổ Lũy (Quảng Nam, Quảng Ngãi). Ta đã làm gì với người Chiêm Thành ? Việc đồng hoá và diệt chủng này đã được Lê Văn Siêu mô tả như sau : "Phương pháp thực dân của Trung Hoa và sức đồng hóa của nó, dù đã ghê gớm như ng chưa chắc đã có nghĩa lý gì đối với phương pháp "thực dân canh nông" của người VN.

Cứ xem trên 1000 km từ Thừa Thiên trở vào, người VN tiến tới đâu là đồng hóa dân ở đấy cho trở thành người VN hết, mà chỉ trong vòng 300 năm." Mặt khác, ta đã tiêu hóa văn minh Chàm và làm mất đi tiếng nói của họ nữa . Lê Văn Siêu gọi chính sách thực dân và đồng hoá này là "cứ theo đà tự nhiên của nó mà tiến dần". Như vậy, so với chính sách thực dân của Pháp thì có "đương nhiên" hay không ? Hay là cái gì mà ta làm cho các dân tộc yếu kém khác là "đương nhiên" mà người khác làm cho ta là "không đương nhiên" ? Sau khi dùng chính sách "thực dân nông nghiệp" để nuốt trọn Chiêm Thành, ta đã làm gì cho dân Chân Lạp xa hơn về phương Nam ? Như ai cũng biết, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) có 4 người con gái : Công nữ Ngọc Liên gả cho con trai của Mạc Cảnh Huống (vợ Huống, bà Nguyễn Ngọc Dương là em vợ của Nguyễn Hoàng, tức Chúa Tiên, 1558-1613); Công nữ Ngọc Ðỉnh gả cho Nguyễn Cữu Kiều (thân nhân tín cẩn của bà Ngọc Tú, vợ Trịnh Tráng), Công nữ Ngọc Vạn và Công nữ Ngọc Khoạ Vào năm 1622, vua Chân Lạp Chey Chetta II (1618-1627) đã xin cưới Công nữ Ngọc Vạn khi ông ta vừa lập kinh dô tại Oudong. 9 năm sau, Chúa Sãi lại gả Công nữ Ngọc Khoa cho vua Chiêm Thành Po Romé (1627-1921). Cả hai cuộc hôn nhân này là một toan tính của Chuá Sãi nhằm tránh khỏi 2 gọng kềm : họ Trịnh ở phương Bắc và muốn có một thế chính trị ở phương Nam nhằm dồn sức đương đầu với quân Trịnh. Chân Lạp (Nam VN + Cao Miên + một phần của Ðông Thái Lan) là một quốc gia thường bị nước láng giềng Xiêm xâm lăng cướp bóc của cảị Năm 1563, quân Xiêm tấn chiếm Battambang, Pursa và kinh đô Lovek, phá tan cung điện, đốt hết thư tịch, vơ vét của cải và bắt vua Chân Lạp Soryopor đem về Xiêm. 20 năm sau, năm 1603, Xiêm tha cho Soryopor về nước. Soryopor lên ngôi lại từ 1603-1618 thì bị bắt buộc thoái vị, nhường ngôi cho con là Chey Chetta II (1618-1627). Chey Chetta phong con là Prea Outey làm phụ chính phục hồi triều nghi Chân Lạp, không thần phục Xiêm nữa và dời đô đến Oudong về phía Nam xa kinh đô Lovek bị tàn phá. Khi biết chúa Sãi có ý định muốn gả con để cầu thân, Chey Chetta II rất mừng. Tuy đã có vợ Lào và 3 đứa con trai, vua Chân Lạp vẫn xin cưới con của chúa Sãị Lý do Chey Chetta II làm vậy cũng vì muốn nương thế lực của chúa Nguyễn để chống lại thế lực của Xiêm ở sát cạnh. Về phần Công nữ Ngọc Vạn dĩ nhiên là bà rất buồn, nhưng vì giòng họ Nguyễn nên sẵn sàng lãnh nhiệm vụ của cha già giao phó.

Vào mùa xuân 1620, vào mùa gió thổi Ðông Nam, một chiếc hải thuyền nhỏ được chỉ định kín đáo rời Thuận Hóa đưa Công nư ~ Ngọc Vạn vu qui. Cùng tháp tùng chỉ có một số gia nhân tín cẩn và ít vị quan trung thành được chọn hầu hạ công nữ trong buổi ban đầu đến xứ lạ quê ngườI. Thuyền vào cửa Ðại, sông Mỹ Tho, ngược giòng sông Tiền lên kinh đô nước Kambuya (Chân Lập) lúc bấy giờ là Udong. Sau hôn lễ, Công nữ Ngọc Vạn biến thành Hoàng Hậu Somdech Prea Peaccayo và bắt đầu học tiếng Khmer và Pali. Ngọc Vạn đối xử êm đẹp, hiền lành, ăn nói dịu dàng mềm mỏng với mọi ngườI trong cung điện, với các quan trong triều và cả dân chúng ngoài thành nên được mọi người kính trọng.

Ðám gia nhân và quan tùy tùng đều được định cư luôn ở Chân Lạp. Ngọc Vạn quả là một người đàn bà giỏi dang. Về công nghiệp, bà lập một xưởng dệt ngay trong kinh đô có dùng nhiều thợ. Về thương mại, bà mở vài hiệu buôn giao cho người thân tín điều khiển. Về nông nghiệp, dưới sự vận động của bà, một số người trong đám gia nhân được cấp đất trong vùng kế cận kinh đô để tự cày cấy trồng trọt.

Ngọc Vạn còn làm một chuyện khác là xin vua cho nông dân Việt được vào làm ăn khẩn hoang ở Mô Xoài (Bà Rịa - Biên Hòa) thuộc miền Ðông Thủy Chân Lạp còn hoang vụ Sau khi tạo một chân đứng ở Thủy Chân Lạp bằng cách gả con gái, thì 4 năm sau, năm 1623, chúa Sãi gởi sứ bộ đến Oudong yêu cầu được lập một cơ sở ở Prey Kor (tức Saigon ngày nay) để thu thuế hàng hóa và yêu cầu cho nông dân Việt được chính thức lập đình triều ở Mô Xoài. Không biết rõ ý định của chúa Sãi, vua Chetta II chấp thuận ngay. Rõ ràng chúa Sãi và Ngọc Vạn đã ăn rơ với nhau. Về chính trị, Ngọc Vạn đã can thiệp để các quan lại VN cho giữ chức hệ trọng trong triều.

Còn về quân sự ? Ngọc Vạn đóng vai trò rất quan trọng. Năm 1627, vua Chey Chetta II băng hà. Ðang tuổi thanh xuân, trở thành góa bụa, phải sống mãi trong hoàng cung đến tuổi già và chờ ngày nhắm mắt nên bà đã chứng kiến tất cả sự giết chóc tranh giành ngôi vua. Khởi đầu, Pona To (Ang Saur) con đầu lòng của Chetta có mẹ Lào lên ngôi. Phụ chính Prea Outey giết Pona và lập em của To là Pona Nou lên ngôi. Sau khi Nou chết, Outey lập con mình là Ang Non lên làm vua. Con thứ ba của Chetta có mẹ Lào được người Lào hợp tác, ám sát giết Outey và Ang Non rồI lên ngôi tức Rama Thuppday Dhipati Chan (Nặc Ông Chân). Năm 1658, 2 con của Outey là Ang So và Ang Tan dấy binh đánh Nặc Ông Chân để trả thù cha và anh. Thất bại, Ang So và Ang Tan chạy đến nương náu bà Thái Hậu Ngọc Vạn, lúc đó người thiếu nữ ngày xưa bây giờ đã 57 tuổi.

Hiểu rõ tình hình Chân Lập bất ổn vì tranh quyền, việc nước buông trôi, nên Ngọc Vạn kêu gọi chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) can thiệp bằng quân sự. Mặc dù về phía Bắc đang đại chiến với quân Trịnh trận lần thứ Năm, nhưng chúa Hiền đã nắm cơ hội này, đáp lời bà Cô, sai tướng Nguyễn Phước Yến đem 2000 quân đánh vào Chân Lạp, bắt Nặc Ông Chân bỏ vào củivà giải về Quảng Bình một thời gian. Chúa Hiền phong Ang So làm vua Chân Lạp. Sau đó, Nguyễn Phúc Trú mở mang đất Gia Ðịnh và bảo hộ đất Chân lạp. Dưới đời Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), ta đuổi dân Chân Lạp về phía Tây và mở mang bờ cõi qua khỏi Gia Ðịnh.

Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, nguyên nước Chân Lạp ở vào khoảng dưới sông Cửu Long, có lắm sông, nhiều ngòi, ruộng đât thì phì nhiêu mà nước Nam ta thường hay mất mùa, dân tình phải đói khổ luôn, và lại vào lúc Chúa Nguyễn, Chúa Trịnh đánh nhau, cho nên có nhiều người bỏ vào khẩn đất, làm ruộng ở Mõ Xoài (Bà Rịa), và ở Ðồng Nai. Vậy vùng đất 6 tỉnh bây giờ là ta đã chiếm lấy là của Thủy Chân Lạp. Ðứng trên phương diện dân tộc, ta đã từng chữi "lũ thực dân da trắng phương Tây" là bọn sài lang thâm độc, đi đến đâu cũng đem tang tóc, điêu linh cho đồng bào. Ta tự hào là đã chống xâm lăng phương Bắc, "mở rộng" về phương Nam, để rồi thống nhất sơn hà năm 1802. Tuy nhiên, không quên câu "mạnh được, yếu thua", ta cũng đã từng nuôi tham vọng đế quốc và đồng hóa 2 nước nhược tiểu là Chiêm Thành và Chân Lạp, và ta đã thành công trong âm mưu đó. Ðứng trên phương diện lịch sử khách quan, ta đã thấy việc lâ 'y Chiêm Thành và Chân Lạp là một chính sách thực dân không thua kém gì chế độ thực dân Pháp ở Ðông Dương, và nói đúng hơn, nó còn hơn một bậc vì ngoài việc chiếm đất ta còn đồng hóa họ.
 
 

Hiến Tổ (1841-1847) :Thiệu Trị


Vào năm 1841, Hoàng Thái Tử Miên Tông lên ngôi lấy niên hiệu là Thiệu Trị Theo Louvet (La Cochinchine Religieuse) tính tình của Thiệu Tri thuận hòa, hay nói cho đúng là ủy mị, ham thích những thú vui dâm dật. Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn thì khen ông ham văn chương và sử ký. Năm 1842, ông cho biên soạn cuốn "Ðại Nam Liệt Truyện Tiền Biên" gồm đủ các nhân vật chính trị quan trọng của nước nhà. Ông cũng làm nhiều bài thơ để ca ngợi các việc dẹp loạn.

Vào năm 1842, Thiệu Trị có ra Hà Nội nhận thụ phong từ vua Tàu Năm 1845, 2 vụ đi Tàu đã diễn ra liên tiếp : một là để cảm tạ và hai là mang đồ triều cống. Thiệu Tri kém Minh Mạng ở chỗ thông minh và tàn bạo, do đó việc bắt đạo không dữ dội hơn trước. Tuy nhiên, ông không hủy bỏ những dụ cấm đạo mà cũng không xúi giục các quan bắt đạo.

Việc hành chánh thì noi theo các qui mô của Minh Mạng. Vào cuối đời Minh Mạng thì có loạn nổi lên ở Nam Kỳ và Chân Lạp (Cao Miên). - Nam Kỳ có giặc giã do Lâm Sâm và các nhà sư nổi loạn ở Trà Vinh, dân Chân Lạp cũng nổi dậỵ Tại Chân Lạp thì người Miên hợp với Xiêm đánh phá chánh quyền bảo hộ. Giữ không được Lục Chân Lạp, quân ta rút về và đó là lúc Thiệu Trị vừa lên ngôi. Tạ Quan Cự yêu cầu Thiệu Trị rút khỏi Cao Miên để trở về bình định Nam Kỳ. Trương Minh Giảng lấy làm buồn bực mà chết ở An Giang.

Theo Việt Sử Toàn Thư, tại Pháp, dư luận quần chúng vẫn chưa hết xúc động về những vụ bắt đạo ở VN dưới thời Minh Mạng. Tờ "Annales de la Propagation de la Foi", cơ quan truyền thông của hội Truyền Giáo, luôn luôn có nhắc đến những vụ giết và cấm đạo tàn nhẫn ở VN nên một số người Pháp đã yêu cầu triều đình can thiệp. Thiệu Trị có chính sách hòa hoãn. Ðây là thời kỳ mà Công giáo cố gắng để gầy dựng lại cơ sở. Giám mục Taberd không thể trở lại VN; ông đã phái giám mục Cuénot lo chuyện này và giúp việc truyền đạo. Cuénot có ý định truyền giáo lên miền Thượng (xứ "mọi") dẫn đầu bởi các thừa sai Miche và Duclos. Nhưng nhóm người truyền giáo này bị bắt trên đường đi và được dẫn về Phú Yên vào 24/2/1842. Họ đươc đưa về Huế và giam tại Trấn Phủ. Cùng bị giam với họ có Galy, Berneux và Charrier thuộc các địa phận ở Bắc Việt. Cả 5 đều bị án xử tử, nhưng Thiệu Trị chưa ra lịnh đem xử vì ông đang theo dõi những biến cố ở Trung Hoa, nơi đây "lũ bạch quỹ" đang đại thắng.

Ngày 24/2/1843, một chiến thuyền cở nhỏ tên Héroine vào Cửa Hàn. Viên thiếu tá Favin-Lévêque xin phóng thích 5 giáo sĩ bị kết án tử hình trên. Quan quân ta cố ý lẩn tránh việc này, nhưng Favin- Lévêque cương quyết tới Huế nên 3 tuần sau họ được thả ra. Sang 1845, một giám mục tên Lefèbvre cũng bị án xử tử; Pháp đem tàu Acmène vào Ðà Nẳng để bảo lãnh; sợ sự can thiệp bằng vũ lực, Thiệu Trị ân xá Lefèbvre và bắt ông phải trở về Singapore.

Vào 1847, đại tá Lapière và trung tướng Rigault de Genouilli đem 2 chiến thuyền La Victorieuse và La Gloire đến thị oai ở Cửa Hàng. Lapierre gởi thơ phản đối triều đình VN đối xử dã man với các thừa sai và yêu cầu VN noi gương Trung Hoa cho dân chúng được tự do hành đạọ Một tháng sau thì Thiệu Trị mới trả lời và "huy động" lực lượng quân sự ở Cửa Hàng đón tiếp người Pháp.

Theo Louvet trong "La Cochinchine Religieuse" thì Thiệu Trị dụ 2 sĩ quan kia vào dự tiệc và nhân dịp này các người Pháp sẽ bị giết hết. Việc tiếp đãi không thành vì 2 sĩ quan kia được thông báo về âm mưu, nhưng việc đánh tàu Pháp vẫn được tiếp tục. Ðoàn thuyền VN gồm 5 chiến thuyền tối tân và 100 chiếc ghe bao vây 2 tàu Pháp. Sau trận hải chiến, các tàu Pháp ra đi và để lại hậu quả vô cùng tai hại cho người công giáo VN. Việc thầy giảng Louvet báo tin cho Lapierre hay là VN sắp làm thịt họ là một hành động thiếu khôn ngoan. Một số sử gia VN dựa vào sự kiện này để quả quyết là người công giáo VN theo Tây. Hay tin hải quân thất trận ở Cửa Hàn, Thiệu Trị nổi giận và phá hủy các tặng phẩm của Pháp. Không giết được ngườI Âu, Thiệu Trị sai người vẽ hình họ và bắn vào để thoả mãn sự tư 'c giận (Louvet : La Cochinchine Religieuse). Liền đó, Thiệu Trị ra lịnh bắt giết hết các giáo sĩ phương Tây trong nước. Cứ mỗi đầu người Pháp là 30 đính bạc (Nam Xuân Thọ: "Phan Thanh Giản"). Các quan không thi hành lịnh này môt cách gắt gao. Thiêu Trị bi lên cơn sốt và mất vào 4/11/1847. Ông làm vua được 7 năm và chết năm 37 tuổI. Thiêu Trị có 19 người con.

Người con cả là Hồng Bảo không được nối ngôi vì ham chơI bời và phóng đãng không được lòng vua cha, nhưng người con thứ là Tự Ðức được lên làm vua. Sau những đụng độ này, thay vì phải thấy rằng trước sau gì bọn thực dân sẽ trở lại, và lối thoát duy nhất để chống giặc là tức khắc canh tân xứ sở, làm mạnh quân đội, kêu gọi toàn quân chuẩn bị chống xâm lăng, thì hởi ơi, nhà vua và triều thần chỉ làm những chuyện bất nhân, nghịch lý và vô bổ như chém giết đồng bào vô tội chỉ vì họ muốn được tự do tín ngưỡng.

Trước 1853, Nhật không phải là một nước phong kiến, lạc hậu và chia rẽ hay sao ? Vậy mà việc bị hạm đội Mỹ thị uy ở hải cảng Yedo đã khiến cho dân Nhật cảm thấy nhục nhã, nên quân và dân đã đoàn kết sau lưng Minh Trị Thiên Hoàng bỏ tinh thần bài ngoại, canh tân và xây dựng đất nước hùng cường.
 

Dực Tông (1847-1883) : Tự Ðức


1.- Triều đình và cơ hội canh tân : Thiệu Trị mất, người con thứ hai lên ngôi lấy hiệu là Tự Ðức, 19 tuổi. Sứ Tàu đến phong vương vào ngày 10/9/1849. Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, thì vào thời này, Pháp xâm chiếm nước ta và như thế, xã hội đã đổi khác. Cần biết rõ về con người của Tự Ðức để đoán xét việc làm của ông. Tự Ðức có dáng nho sĩ, thấp, hơi gầy, tính hiền lành, rất có hiếu, siêng năng, hiếu học (đêm nào cũng đọc sách tới khuya), hay sáng tác sách chữ nôm để dạy dân như Thập Ðiều, Tự Học Diễn Ca, Luận Ngữ Diễn Ca,...

Nếu dựa vào chân tướng và thói quen đó, Tự Ðức không thể là người tàn ác như có nhiều tài liệu lịch sử khác lên án ông. Nếu Tự Ðức có dùng những phương pháp cứng rắn chẳng qua chỉ vì ông phải cai trị VN trong một khoảng thời gian vô cùng khó khăn. So với Minh Mạng thì Tự Ðức không độc tài bằng MM, không mang mối thù hằn nhỏ nhen. Tự Ðức là con người sáng suốt biết dùng người. Trong triều có những vị quan thanh liêm như Trương Ðăng Quế, Vũ Trọng Bình; trung liệt như Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu,... Theo Schreiner trong "Abrégé de l'Histoire d'Annam" thì các vị thừa sai thời ấy cho 2 người nổi bật là Phan Thanh Giản (phe chủ chiến thì khi dễ ông; Tự Ðức thì trách Phan Thanh Giản bán đứt 3 tỉnh miền Ðông của Nam Kỳ trong việc ký hoà ước 1862, tuy nhiên sau đó vẫn sai ông đi đàm phán với Pháp) và Nguyễn Tri Phương.

Ðứng trước lịch sử, so với 2 người này, Tự Ðức chỉ là một nhân vật tí hon. Theo Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn, các người tài trên chỉ đủ sức đối phó với những biến cố cục bộ, nhưng vớI những sự việc lớn lao hơn thì họ không đủ khả năng đảm đương nổị Thực vậy, vào lúc này, so với Á châu thì Âu châu đã tiến vượt bực. Họ tổ chức xã hội có qui củ, làm ra nhiều máy móc tinh xảo để phục vụ đời sống hằng ngày, đóng được tàu bè, xe cộ, tha hồ ngược xuôi khắp thế giới.

Họ chế tạo ra máy điện, máy nước thuận tiện và biết làm súng đạn hết sức lợi hạị Nhờ đó, kỹ nghệ, kinh tế, thương mại của họ nở rộ; nhiều sản phẩm được đem bán khắp các nơi để thâu về nhiều nguồn lợi lớn lao và đó cũng là lý do nảy sanh ra chế độ thư .c dân. Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, vào khoảng thời gian này, đình thần của Tự Ðức vẫn như "ếch ngồi đáy giếng". Trong lúc tình hình chung quanh rất nguy ngập, sự học thuật của thiên hạ đã tiến bộ nhiều cũng như sự cạnh tranh của các nước còn dữ dội hơn trước, thì nhóm quan lại kia chỉ chăm lo văn chương, khéo nghề nghiên bút, bàn đến quốc sự thì đem Nghiêu, Thuấn, Hạ, Thương, Chu, việc của mấy nghìn năm trước cứ đem làm gương cho thời hiện tại; rồi cứ nghêu ngao tự xưng mình hơn người, cho thiên hạ là dã man.

Các vị quan ở chung quanh Tự Ðức toàn là như thế. Họ cho Tàu là mạnh, tự cho mình văn minh, còn người Tây phương là dân mọI rợ. Giới trí thức, do cái lò từ chương và cử nghiệp đào tạo ra, nghĩ rằng thơ hay phú giỏi là đủ để lo việc nước, lấy chuyện cổ nước Tàu làm mực thước. Thực vậy, Tự Ðức và triều thần của ông gần như là những người mù, điếc, mê ngủ dù đã được bao kẻ sáng suốt, thức thời, học cao hiểu rộng đánh thức và nài nỉ họ tỉnh giấc Nam Kha, hãy tự ngẩn mặt lên nhìn trời cao để quyết định cho số phận của đất nước và dân tộc mình, chứ đừng ỷ lại vào thiên triều vì chính thiên triều ở phía Bắc cũng đang lao đao, khốn đốn, nhục nhã hằng trăm hằng vạn lần VN vì hèn yếu để cho Tây phương xâu xé đất đaị Rốt cuộc họ vẫn lì lợm, u mê, ngoan cố, tự kiêu hãnh vì cái tôi ngu dại lỗi thời của triết lý Nho Hán xa xưạ Họ khư khư cho cái gì thuộc về dân tộc là nhất, do đó không chịu nhìn ra phía ngoài coi các dân tộc khác tiến bộ ra sao hầu cải tiến để theo kịp xứ người. Như ta đã biết, các người từ ngoại quốc về đem chuyện văn minh, khoa học ra bàn thì triều thần cho là ngụy ngôn, tà thuyết. Có vài người đuợc đi du học từ năm 1866 như Nguyễn Ðức Hậu, Nguyễn Ðiều, Nguyễn Trường Tộ (một ngườI Công giáo); họ đã làm mấy bài điều trần cho vua, kể hết tình thế của nước nhà, cảnh tượng của nước người. Tộ xin vua Tự Ðức hãy mau cải cách mọi việc, nếu không thì nước mất. Vua giao tờ điều trần cho các quan duyệt nghị. Ðình thần cho Nguyễn Trường Tộ nói càn, nói bậy, làm hủy hoại kỷ cương. Các người khác đi ra nước ngoài như :

- Ðinh Văn Ðiền (1868) : Ðiền dâng điều trần đề nghị những cải cách về ruộng đất, hầm mỏ, làm tàu hỏa, cho các nước phư ơng Tây vào buôn bán, luyện binh sĩ tốt để đề phòng, thêm lư ơng thực cho quan quân, bớt thuế má, thưởng cho kẻ có công, nuôi nấng kẻ tàn tật,...

- Nguyễn Hiệp (1879) : Hiệp đi sứ ở Thái Lan và trở về báo cho Tự Ðức hay là khi Anh xin giao thương thì Xiêm cho ngay, vì vậy Anh không có cớ để gây sự. Việc Xiêm giao hảo luôn cả Pháp, Phổ, Ý, Mỹ,...là khôn ngoan vì nhờ đó Xiêm không bị gây sự, vì ai cũng có lợi.

- Lê Ðĩnh (1881) : Ðĩnh đi sứ Hương Cảng và trở về cho Tự Ðức biết là các nước phương Tây mà phú cường là nhờ ở việc binh và buôn bán. Nếu ta bắt chước phương Tây đi buôn bán và mở rộng giao thiệp thì quyền độc lập sẽ giữ được.

- Hàn-lâ m-học-sĩ Phan Liêm : dâng mật sớ cho Tự Ðức đề nghị khai thông buôn bán, chung vốn lập hội, cử ngườI đi học về hầm mỏ.

- Bùi Phủng,... Nhưng tất cả đều bị đình thần cản trở.

Trần Trọng Kim nói là trong khi vua thì ngồi trong 4 bức tường của cung điện, quan là tai mắt của vua mà trong số đó, số người biết thì ít, không biết thì nhiều, trông không rõ, nghe không thấy, chỉ một niềm giữ thói cũ để thủ lợi cho mình, ỷ làm quan cao thì cho mình thô ng minh hơn những người khác, lớn tuổi thì cho mình thông minh hơ n kẻ nhỏ tuổi hơn....Thế là khi tai họa dán xuống thì cũng rụt cổ dâng hết mãnh đất này tới mãnh đất khác. Họ chỉ giỏi giết người Việt công giáo.

2. Ngoại giao và cấm đạo : Không khá hơn Minh Mạng và Thiệu Trị, Tự Ðức lại đi thi hành chính sách bế môn tỏa cảng, mặc dù các việc xin giao thiệp chỉ có tính cách thương mại :

- 1850 : một tàu của Mỹ dâng thơ xin vào buôn bán ở Ðà Nẳng. Vua không tiếp thơ.
- 1855-1857 : các tàu Anh, Pháp, I-Pha-Nho xin vào mấy lần ở Ðà Nẵng, Bình Ðịnh (cửa Thị Nại) và Quảng Yên để buôn bán, cũng không được.

Từ khi mất Gia Ðịnh thì Tự Ðức mới đặt cơ quan coi việc buôn bán, nhưng không có ai hiểu về việc buôn bán và giao thiệp ra saọ Tới khi Pháp xâm lăng VN, đánh từ Nam ra Bắc như vào chỗ không người, đám dân đen làm mồi cho súng đạn, nước mất vẫn hoàn mất. Thật là điều vô cùng đáng tiếc cho đất nước.

Nói cách khác, các đại thần bu xung quanh Tự Ðức đã hại ông. Một viên đại tướng Pháp, Le Myre de Vilers, mà còn thấy điều này. Chính ông đã viết thơ cho Tự Ðức nói rằng :"Bọn tả hữu của Hoàng Thượng đã làm cho Hoàng Thượng sai lầm việc nước." Ði sâu hơn vào lịch sử, người ta thấy rằng Tự Ðức nhiều khi không dùng quyền hành của mình một cách độc đoán. Việc bắt đạo dưới đời này phần lớn là do quan đình thần bu quanh ông xúi giục, nhất là giới chủ chiến.

Vừa lên ngôi, Tự Ðức đã ân xá tù nhân, trong đó có nhiều người Công giáo. Vào lúc này người Công giáo đang chờ một sắc dụ nhìn nhận tư . do tín ngưỡng. Tự Ðức có phái người sang Pháp để dò la thái độ của Pháp đối với Công giáo. Quan đi sứ về năm 1839 cho Tự Ðức hay rằng chính phủ Pháp là một chính phủ nghịch đạo, không ưa gì Công giáo thì chắc chắn Pháp sẽ không bênh vực Công giáo ở các nước khác. Do đó, Tự Ðức liền ra một sắc dụ cấm đạo.

3. Sắc dụ cấm đạo 1848 : "Ðạo Gia-Tô trước kia hai vua Minh Mạng và Thiệu Trị đã cấm, thật là một tà đạo, vì ai theo đạo ấy, không còn thờ phụng tổ tiên, lại móc mắt những người đã chết để làm thứ nước phép để mê hoặc lòng người, họ còn làm nhiều điều dị đoan ghê gớm nữa, vậy các giáo sĩ người phương Tây là kẻ có tội nhất, thì buộc đá vào cổ nó mà ném xuống bể, ai bắt được người thì thưởng cho 30 nén bạc. Các giáo sĩ bản quốc tội nhẹ hơn các thừa sai thì tra hỏi xem có bỏ điều lầm lỗi không, bă `ng không chịu hãy đem khắc chữ vào mặt và đem đày vào những chỗ nước độc.

"Những người dân theo đạo mà không chịu bỏ đều là những đứa ngu dốt khốn nạn bị mấy giáo sĩ lừa dối, vậy trẫm vì thương dân, truyền không nên chém giết hoặc đem đày hoặc bỏ tù những kẻ ấy nữa, các quan nên trừng trị nghiêm ngặt rồi lại cho về quê quán."

4. Tình hình công giáo : Sau khi bị Thiệu Trị đuổi ra khỏi nước, giám mục Lefèbvre lẽn trở lại VN một lần nữa. Vào năm 1847, ông trốn ở họ Lái Thiêu, Saigon, để giúp phát triển họ đạọ Các vị thừa sai khác thì thường trốn trong các hầm có tổ chức chu đáo, có nhiều lối thoát và thường ở gần rừng. Trong khi đó, các họ đạo được đặt ở dưới quyền điều khiển của các linh mục bản xứ. Tuy việc cấm đạo đang diễn ra khắp nơi, mỗI năm có từ 500-600 tân tòng. Tại Huế có khoảng 24,000 giáo hữu, 10 linh muc VN và 2 thừa sai.Giám mục Pellerin được cử trông coi giáo phận này.

Tại Bắc Kỳ, vào năm 1850, vì phải tiếp đón sứ Tàu, triều đình VN tốn khá nhiều tiền như phải dựng nhà dọc theo đường hoặc dọc theo bờ sông để tiếp đón họ và cung cấp những người hầu hạ, đặt làm nhiều thuyền nếu các sứ Tàu muốn đi đường thủy. Ði theo các sứ có 400 quân lính VN với gươm giáo. Lúc các sứ đi đường bộ thì dân phải lo kiệu các ông và các đồ đạc của họ. Trong các đồ đạc này có một bao đất. Ðất lấy từ bên Tàu được quan Tàu mang theo để ngửi mùi vị của quê hương (Launay : "Mgr. Retord et le Tonkin Catholique"). Dù dân ta đón tiếp như thế, nhưng quan Tàu vẫn tỏ ra khinh miệt người Việt. Trong khi đó, dù có chỉ thị cấm đạo, giám mục Retord vẫn tổ chức lễ lạc ở Thanh Hoá. Quan thì không làm khó dễ ông nhưng các viên chức thấp hơn thì luôn tìm cách gây chuyện.

Trong suốt thời gian trị vì, Tự Ðức gặp nhiều khó khăn chồng chất kể từ ngày ông lên ngôi, ngoài vụ Hồng Bảo vì ghen tức tìm cách bắt liên lạc với ngoại nhân cướp ngôi, bị giam rồi tự tử, các con của Hồng Bảo phải đổi theo họ mẹ (1854). Các cháu của ông cũng bị tử hình nhân loạn Chìa Vôi (1866). Các thiên tai như dịch tả (1849), dịch hạch (1850) làm 2 triệu người chết. Nạn châu chấu (1854), đói (1860), hạn hán và đói (1856), sĩ tử biểu tình không thi ở 4 tỉnh, 103 vụ nổI loạn, giặc ngoài xâm lăng, 51 vụ cướp biển,... Thế nhưng, ông vẫn mang canh cánh trong lòng việc giết đạo. Chính chính sách bắt đạo của ông và các vị tiên đế đã tạo ra một tai hại vô cùng lớn lao cho cả dân tộc : sự phân chia, ly tán trong lòng người cho tới ngày nay. Lương và giáo đang sống vui tươi thì Minh Mạng lại khơi nguồn cho sự hận thù không đâu vào đâụ Thật là đau buồn cho giới hủ nho vào thời bấy giờ mà Tự Ðư 'c là kẻ đại diện. Ðó là thứ nho học từ chương của Tống triều, chứ không phải là cái học Vương Dương Minh đã thịnh hành ở Nhật Bản. Nếu theo cái học của Vương Dương Minh thì ta đã sớm thu thập được thứ Tây học như người Nhật, hay ít ra ta cũng hiểu rõ cách đối đãi ngoại giao, lập cái thế cùng mở rộng nước đón tiếp giao thương với tất cả các cường quốc như Xiêm đã làm để giữ được nền độc lập. Ta đã tự tôn tự đại cho đến khi người Tây phương đến lấn áp thì cũng chịu thua, dù có nhiều nho sĩ chân chính đã cố gắng chống đỡ. So với các quốc gia như Ấn Ðộ, Nam Dương, Miến Ðiện, Mã Lai, Thái Lan, Nhật Bản,..., VN cũng ở trong tình trạng tương tợ, nhưng các người lãnh đạo đất nước ta đã không cương quyết đi theo một đường lối khôn ngoan, đánh ngoại xâm không lại mà cứ chọc giận, gây thù thêm oán bằng những thủ đoạn lặt vặt và trẻ con. Vì thiếu anh quân và gặp quá nhiều rủi ro, ta đã phải khổ nhục trong gần một thế kỷ, và các anh hùng hào kiệt của ta vì lòng trung quân ái quốc đã phải lăn xả vào súng đạn của ngoại nhân, chẳng qua vì lòng vị quốc vong thân, nhưng sức người có hạn xông pha vào trước súng thần công đại bác của Tây phương, chỉ như con thiêu thân nhảy vào ánh đèn để hủy thân mà thôị Ðọc lịch sử để lấy ra bài học không phải là điều vô ích.

Các việc làm tốt đẹp của đạo Công giáo cho chính đồng bào của ông vẫn không rọi một tia sáng nào trong tâm linh hủ nho của Tự Ðức. Chẳng hạn như trong khoảng 1850-1851, một trận dịch đang lan tràn. Các cơ quan và viên chức triều đình đều trốn kín trong nhà, nhưng các linh mục và thừa sai đã điều động giáo dân đi giúp đỡ. Họ trãi qua những ngày ở cạnh nạn nhân mà cha mẹ hay thân nhân đã bỏ vì sợ lây và vì biết rằng không cứu được. Các người công giáo này đã đi lượm trẻ con và dùng nhà họ đê ? cứu bịnh nhân. Tại Huế, bổn đạo đi đưa xác các kẻ xấu số với đầy đủ nghi lễ mà không ai cản ngăn; lần này họ dám đem thánh giá ra đi đầu đám tang. Trong khi đó, trận dịch tả năm 1850 đã làm chết nhiều người; trong địa phận Hà Nội có tới 9,225 giáo hữu, 12 linh mục và 24 thầy qua đờị Ngoài ra, dịch tả đã làm dân đói; họ chạy đến các nhà xứ, giáo hữu đã chia xẻ gạo cơm cho những người mà trước đó đã đi tố cáo hay bắt bớ họ. Chính nhờ sự chia xẻ này mà khoảng 400 người đã sống được trong nhiều tháng qua sự nuôi dưỡng của dòng tu Vĩnh Trịnh của giám mục Retord. Tuy nhiên, lòng nghi ngờ của Tự Ðức và các quan chung quanh ông quá cao; hễ có dịp là "giận cá chém thớt".

5. Sắc dụ cấm đạo 30/3/1851: Như đã nhắc sơ ở trên, Hồng Bảo, con trưởng của vua Thiệu Trị, muốn chiếm lại ngai vàng, dụ người công giáo rằng nếu đư ợc lên làm vua, ông sẽ cho tự do tín ngưỡng. Giáo dân hỏi ý kiến các giám mục và những vị này đã khuyên họ đừng dính dáng tới chính trị. Một tay chân của Hồng Bảo đến nhờ giám mục Pellerin ở Huế giúp ông chống lại Tự Ðức nhưng Pellerin đã từ chối (Launay : "Mgr. Retord"). Một bức thơ đề ngày 23/2/1851 in trong "Annales de la Propagation de Foi" đã minh chứng rằng quả Pellerin không tán thành việc tham gia chính trị truất ngôi vua.

Cuối 1/1851, nhân ngày Tết, Hồng Bảo sửa soạn trốn sang Singapore tính cầu viện người Anh thì bị bắt. Ðáng lẽ Hồng Bảo bị xử tử, nhưng Tự Ðức chỉ cho canh chừng mà thôị Sau nhiều lần tư . tử thất bại, Hồng Bảo ôm đứa con 6 tuổI vào đại nội xin Tư . Ðức cho ông qua Pháp sống đời thường dân. Nhà vua tin lời và cho ông 100 thoi bạc. Tuy nhiên, theo lờI thuật của Pellerin, Hồng Bảo vẫn nuôi ý chí cướp ngôi. Âm mưu bị đổ vỡ, những người đầu não bị xử tử. Tự Ðức đổi án lăng trì của Hồng Bảo sang tù chung thân, nhưng ông ta đã tự tử. Xác của ông được bỏ vào một cái hòm đơn sợ Tự Ðức truyền sau khi lấp mộ hãy liệng vài nắm đất lên trên để làm sỉ nhục người quá cố. Người công giáo không dính dáng vào chuyện này, nhưng họ lại bị cáo là có âm mưu tạo phản; thế là tai họa lại đổ xuống.

Trong "Lịch sử Việt Nam" xuất bản vào 1956, ông Phan Xuân Hoà lại đi viết :"Nhân dịp Tự Ðức mới làm vua được mấy tháng, cũng theo chính sách của Minh Mạng hạ chiếu cấm sự truyền đạo. Những người theo đạo bèn mưu dấy loạn, ủng hộ Hồng Bảo. Sau khi dẹp yên, Tự Ðức khép án đồng đảng vớI Hồng Bảo tất cả những linh mục đạo Gia-Tô mà xử tử".
Do đó, một cuộc hội họp được diễn ra trong triều đình của Tự Ðức. Kết quả là sắc dụ cấm đạo 3/1851. Theo Louvet ("La Cochinchine Religieuse"), sắc dụ này như sau :

"Ðạo Gia-Tô là một đạo của Tâỵ Ðạo này cấm thờ cúng tổ tiên và bụt thần. Ðể lừa bịp nhân tâm và mê hoặc tín đồ, đạo thường năng nói đến Thiên Ðàng và nước Thánh. Nhưng ai đã rao giảng đạo này vì biết luật nước không dung thứ những sự sai lầm như thế, nên mới trình bày cho dân chúng hình ảnh của Gia-Tô chịu đóng đinh để xúi giục ngườI ngu dốt sẵn lòng chết mà không bỏ đạo.

"Dưới đời Minh Mạng đã có nhiều sắc dụ cấm rất ngặt đạo này, mỗi lần người công giáo không chịu bỏ đạo đều bị phạt. Ðời Thiệu Trị, không một người công giáo nào được tha chỉ trừ những người già cả ốm yếu.

"Các tiền nhân liệt thánh, phá hủy tà đạo tới tận gốc rễ của nó, các đấng đã hoạt động cách chu đáo, nghiêm ngặt và khôn ngoan. Vì các đấng đã trung thành giữ những lễ nghi, các đấng đã đi đến một mức độ văn minh khá cao. Nền tảng của đạo chúng ta là ngay thẳng, đạo của chúng ta sẽ bị nhiễm lây những điều xấu xa nếu cái đạo của bọn ngườI độc ác như mọi và ăn ở như súc vật được đem thực hành. Lúc mà tâm hồn đã hư hỏng nếu không kịp sửa chữa nó lại, nó sẽ không còn biết đâu là sự ngay thẳng. "

Ta, Tự Ðức luôn luôn trung thành với nguyên tắc mà ta đã đem ra thi hành ngay từ lúc ta mới lên ngôi, ta đã quan sát, đã nghiên cứu những hành động, những phán đoán, những sắc lệnh của tạ Ta đã ra chỉ thị cho các quan Thượng Thư cứu xét kiến nghị của cơ mật viện xin cấm tà đạo Gia-Tô : Ðể làm sáng tỏ chính đạo, cần phải bắt và liệng xuống sông tất cả các Tây Dương đạo trưởng, các đạo trưởng VN, dù chúng nó có chà đạp hay khô ng chà đạp Thậ tự giá; phải chặt chúng ra làm hai để cho hết mọi người đều biết sự nghiêm ngặt của luật nước chúng ta." Vì thế, ta truyền cho các quan phải đưa sắc dụ này ra thi hành một cách cẩn mật không cho dân sự biết tớị Từ rày về sau, nếu có những Tây Dương đạo trưởng lẩn lút vào nước để quyến rủ dân sự; những ai phát giác hoặc bắt đem nạp cho các quan, sẽ được trọng thưởng 8 lạng bạc và nửa gia tài của kẻ nào đã chứa chúng nó, nữa phần còn lại sẽ bỏ vào quỹ chung.

Những kẻ nào đã oa trữ Tây Dương đạo trưởng, bất luận nhỏ hay lớn, đã dấu trong một thời gian ngắn hay dài đều phải bị chặt làm hai rồi đem liệng xuống sông. Chỉ trừ những trẻ con chưa đến tuổi khôn lớn; chúng chỉ phải bị lưu đày mà thôi. Khâm thử"

6. Phi-líp Phan Văn Minh (1853) : Minh sinh tại Cái Mơn (Mỹ Tho) vào năm 1815. Ông theo Taberd trốn sang Xiêm trong thời kỳ bắt đạo của Minh Mạng. Sau đó, ông đến Calcutta để giúp Taberd hoàn thành cuốn tự điển Latin - Việt và Việt - Latin. Sau khi Taberd mất vào năm 1840, Minh trở về Penang (Mã Lai) để tiếp tục học và ông đã được giám mục Lefèbvre thụ phong linh mục vào 1846. Vào 1852, Minh được cử coi sóc họ Cái Mơn. Bị đi cáo, Minh nghe lời khuyên của bề trên là Borelle trốn đi Mạc-Bắc (Vĩnh Long). Một người bỏ đạo tố cáo hành tung của cha Lựu -- cha sở họ Mặc Bắc --với Trấn Thủ Vĩnh Long. Vào 19/ 2/1853, Minh bị lính vây bắt nơi ẩn trốn cùng với cha Lựu, ông trùm và nhiều ngườI khác. Các quan trong tỉnh thấy Minh trẻ trung và thông minh nên đốiđãi lễ phép. Họ cứ chiếu theo lệ bắt Minh chà đạp lên thánh giá dù rằng họ biết làm như vậy chỉ vô ích. Các quan làm báo cáo về triều đình và chỉ kết án lưu đày ông ra Bắc. Trong khi đó những người cùng bị bắt với ông chỉ bi roi đòn rồi được thả. Tự Ðức không theo y án, đổi sang tội chết chiếu theo sắc dụ 1851. Lúc Minh được dẫn tới pháp trường, lính đọc bản án cho dân nghe : "Thầy Minh dạy dân theo tà đạo. Hoàng Ðế lên án trảm quyết và truyền lệnh quăng đầu xuống sông." Vừa đọc xong, anh lính không cầm được nước mắt vì anh là người Công giáo. Tại pháp trường , một lý trưởng tốt bụng đã trải một chiếc chiếu cho Minh. Những người lương đứng chung quanh xúc động khi nghe rõ lời cuối cùng của Minh :
"Lạy Chúa, xin thương xót đến con. Chúa Giêsu hãy ban cho con sức mạnh và can đảm để con chịu khó vì sự vinh quang của Chúa. Maria, hãy phù hộ con."

Có cảm tình với Minh, vị quan dặn một lý trưởng hãy cho tiền lính để đem đầu Minh về họ Cái Nhum an táng thay vì phải bị liệng xuống sông; còn ông Trùm họ Mạc Bắc chết rũ tù ngày 1/5/1854.

8. Cấm đạo ở Bình Ðịnh và Huế (1853-1854) : Tại Bình Ðịnh, quan Trấn Thủ ra lệnh cô lập công giáọ Chính ông đã đưa Tự Ðức vào con đường cấm đạọ Ông chỉ thị :

- Một gia đình Công giáo, về ruộng đất chỉ có quyền giữ 300m2 ; nếu có hơn nữa sẽ thuộc về làng.
- Công giáo không có quyền giao dịch thương mại với anh em bên lương.
- Không có quyền sắm thuyền để buôn bán. Không có quyền lên miền Thượng. Không được kết bạn với người lương.
- Một ông thầy được phái đến để dạy lễ nghi thờ Phật, thờ ông bà. Họ phải chịu tiền để nuôi ông thầy.

Vào năm 1854 có 9 thầy giảng bị bắt. Vì không bỏ đạo, họ phải lảnh án đày hoặc khổ sai chung thân. Công giáo ở Huế cũng gặp khó khăn nhưng không ai bị tù hay bị xử tử.
 

9. Tình hình ngoài Bắc (1851-1855) : Cho rằng giáo dân có dính líu tới cuộc nổi loạn của Hồng Bảo, Tự Ðức cho ra sắc dụ 1851 trên. Ngày 1/3/1851, thừa sai Bonard bị bắt và bị xử tử. Thừa sai Schoeffer, 29 tuổi, bị xử chém đầu vào 1/4/1851 ở Sơn Tây.

Trong khi Nguyễn Tri Phương làm khâm sai ở miền Nam thì ngoài Bắc có Nguyễn Ðăng Giai, ông được Tự Ðức tin dùng và dân yêu mến; Giai đã bênh vực cho người công giáo ở triều đình Huế. Từ khi tới nhậm chức ở Bắc Việt, ông và giám mục Retord rất trọng nhau và giúp nhau hoàn thành nhiều việc có lợi cho dân ngoài Bắc. Nhà thương cùi Vĩnh Trịnh : Có nhiều người cùi ở Bắc Việt. Ðể săn sóc họ, giám mục Retord đã lập một bịnh viện tại Vĩnh Trịnh, gồm 20 nhà tranh. Các người cùi được hoàn toàn cấp dư ỡng về ăn và mặc. Lương hay công giáo đều được nhận. Retord đã kêu đến Nguyễn Ðăng Giai để xin giúp đỡ. Giai âm thầm vận động với Tự Ðức và nhận được một số tiền.

Hàn Lâm Viện : Retord nảy ý lập một hàn lâm viện với mục đích trao đổi ý kiến với các nhà văn thời ấy. Ðây là một trường đại học thô sơ với các môn nghiên cứu về Sử ký, Triết lý và Tôn giáo.

Nhà in : để bành trướng "hàn lâm viện", Retord giao một thừa sai thiết lập một nhà in theo lối tổ chức của Âu châu. Nhờ đó sách giáo lý được in ra.

10. Tự Ðức phân vân : Sắc dụ cấm đạo 1851 đã ban ra, nhưng ai giết thì cứ giết, giảng đạo thì cứ giảng. Kinh lược miền Bắc Nguyễn Ðăng Giai và kinh lược miền Nam là Nguyễn Tri Phương đã không công bố sắc dụ cấm đạo 1851 (Schreiner : "Abrégé de l'Histoire d'Annam"). Tự Ðức là một vị vua thông minh, nhưng cũng đành chịu không thể diệt lòng tín ngưỡng của con người. Cực chẳng đã ông phải xuống dò hỏi ý kiến của các quan để đối phó. Phương pháp của Trấn Thủ Bình Ðịnh thì quá tồi. Có quan khác còn đề nghị dữ dội hơn như chặt đầu hết các thừa sai, đánh đòn các linh muc VN, chọc tiết các thầy giảng và thầy ở đại chủng viện, xử tử ai oa trữ họ, xử tử các lý trưởng không chịu tố giác, xử tử các quan công giáo không chịu chối đạo, các quan chức sẽ bị mất chức nếu bọn trên được tìm thấy trong khu vực, ai bắt được thừa sai sẽ được thưởng 500 lạng hay linh mục VN, 100 lạng.

Nguyễn Văn Giai đã làm một tờ trình tấu với mục đích xin vua Tự Ðức tôn trọng tự do tín ngưỡng, nhưng đồng thời có những lời lẽ ông không muốn làm Tự Ðức khó chịu. Dù tờ trình này có nhiều điểm sai, nhưng chủ tâm của ông là làm cho Tự Ðức nhận sự thật và ngưng việc bắt đạọ Tuy nhiên, tờ trình của ông không ngăn cản quyết tâm cấm đạo của Tự Ðức.

11.Sắc dụ cấm đạo 15/9/1855: Sắc dụ này nghiêm ngặt hơn trước. Theo "La Cochinchine Religieuse" của Louvet :

"Các quan ở triều được hạn là một tháng, các quan ở các tỉnh là 3 tháng để xuất giáọ Nếu chúng thú hết tội lỗi, chúng sẽ được tha, bằng không, chúng sẽ mất hết cấp bực, sẽ trở nên một tên bạch đinh, và sẽ phải bị trừng trị đúng theo pháp luật. "Dân chúng và binh sĩ được 6 tháng để bỏ đạo. Nếu chúng tuân theo lề luật, chúng sẽ được sống bình yên, nhưng nếu về sau chúng bất tuân không tế thần, chỉ dầu là lòng chúng chưa dứt tà đạo, chúng phải bị trọng phạt. "

Trong những người chài lưới ở gần biển có những kẻ ngu xuẩn, giả vờ đánh cá để rồi đưa Tây Dương đạo trưởng vào trong nước. Các đạo trưởng này có những chiếc tàu buôn; thường, họ dùng những chiếc tàu này để vào nước. Chúng đã dựng lên những nhà thờ ở những nơi hẻo lánh, hoặc ẩn trong những hầm, cho người canh gác ở những ngả tư đường trong làng, lúc có quan quân tới, lập tức đạo trưởng được tin và lanh lẹ tìm đường tẩu thoát.

"Nhiều tên đã bị bắt quả tang đang lúc chúng báo tin cho Tây Dươ ng đạo trưởng, vậy mà cũng còn có kẻ làm cái công việc bẩn thỉu ấỵ Từ này về sau, bắt được những tên như thế, ta ra lệnh phải đem xử nó... "Các Tây Dương đạo trưởng bị bắt sẽ phải chém đầu và đầu ấy sẽ được bêu ở chỗ công cộng trong 3 ngày rồI giục xuống biển với xác...Những học trò của các linh mục bản quốc đều phải bị xử chém. "Nếu có những chiếc tàu của bọn mọi đến, các quan ở các hải cảng phải cho người canh phòng và phải giữ đúng theo những lời chỉ dạy của Ðức Minh Mạng. Các ông Trấn Thủ là mắt của dân, các ông chánh tổng và lý trưởng là đầu của dân. Ai cũng thừa biết là bọn theo đạo Gia-Tô là bọn bất lương, côn đồ, thế mà các quan cứ vô tư không lo lắng gì để dân phải lầm theo tà đạo. "Ta truyền lệnh cho tất cả các quan lớn bé phải đi kinh lược trong địa hạt mình, xem xét và dạy bọn ngu dân để chúng trở về đạo cao cả của Ðức Tiên Ðế. "Phải đốt tất cả các nhà thờ, nhà xứ, hãy lấp các hầm các hang, cấm bọn giáo hữu không được tập trung. Nói tắt một lơ `i là hãy dùng tất cả mọi phương tiện để tiêu diệt tà đạo... "Như vậy ta hành động theo công bằng và nhân đạọ Từ nay dân sẽ biết sợ và sẽ không còn dám oa trữ bọn côn đồ; sẽ không còn có người dung thứ cho bọn có tội ấy nữạ..Chúng ta thấy ngu dân bỏ đàng lạc quay về đàng chánh."

Sắc dụ này được tung ra như tiếng sét bên tai và gây ra một trận giết đạo khác. Trước tình trạng này, vào khoảng 10/1856, nhân có một chiếc tàu Pháp, La Capricieuse, đến Cửa Hàng, giám mục địa phận Huế Pellerin trốn đến Cửa Hàn để gặp ông thuyền trưởng và đã cho ông ta biết tình hình tại VN. Pellerin xin thuyền trưởng về Pháp trình bày những nguyện vọng của giám mục với chính phủ Pháp (Louvet : "La Cochinchine Religieuse).

Trong lúc đó ở Bắc Kỳ, một trận bắt đạo mới đang tiến hành. Các quan được lệnh giam giữ các thừa sai; họ lập ra những chiến dịch vây các làng có oa trữ các linh mục VN và ngoại quốc. Ðạo quân thường chia ra làm 3 toán : 2 toán bao vây và toán còn lại đi lục soát. Vào 1857, Trấn Thủ Ninh Bình bao vây Phát Diệm là nơi có 8,000 giáo dân, nhưng cha xứ đã trốn thoát. Không bắt được cha xứ, họ lấy danh sách bổn đạo. Giám mục Retord phải đổ tiền ra để chuộc lại cuốn sổ, nếu không thì sẽ có nhiều ngườI chết. Trong cuộc bao vây làng Vĩnh Trịnh ngày 27/2/1857, Retord kịp trốn xuống hầm, nhưng linh mục Lê Bảo Tịnh bị bắt. 5 ngày sau, 1000 quân lính đem theo 2 con voi và 2 khẩu đại bác bao vây làng này một lần nữa. Ðược báo tin trước, Retord, Charbonnier và Vénard xuống thuyền chạy trốn; các người trong chủng viện Vĩnh Trịnh của Retord cũng chạy kịp. Retord đã quen biết viên tri huyện tại đây và chính ông ta xin nhận trọng trách cuộc càn quét này, như thế ông sẽ có dịp để che chở cho người công giáọ Ông chỉ phá hủy 11 căn nhà của ngườicông giáo và một phần của nhà tu. Lê Bảo Tịnh bị giam và bị trảm quyết vào 6/4/1857. Lúc chém Tịnh lát thứ nhất, thanh gươm của lý hình bị gẫy nên lý hình phải lấy một cái khác. Thấy vậy, quan cho Tịnh bị chết oan và tối hôm đó ông đã đốt nhang xin vong linh Tịnh nơi chín suối xá tội cho ông.

12. Sắc vụ cấm đạo 7/1857 : Nhận thấy sắc dụ trước chưa đem lại kết quả mong ước, Tự Ðưc ra một sắc dụ khác hy vọng tiêu diệt công giáo trên toàn quốc. Theo Louvet trong "La Cochinchine Religieuse", sắc dụ 7/6/1857 như sau :

"Tà Ðạo Gia-Tô tràn tới nước Tàu dưới nhà Minh do Lợi-Mã-Dậu (Ricci, môt linh mục dòng Tên hay Jesuit, tới Trung Hoa vào 1601; dòng Tên được sáng lập bởi một vị linh mục ngườI Tây Ban Nha vào thế kỷ 15-16, ) rao giảng. Về sau, đạo ấy được truyền đến nước chúng ta trong đời nhà Lê (Lê Trang Tôn; 1533). Ðạo có những tín đồ trong bọn dân ngu làm nghề chài lưới ở ven bờ biển; bọn dân ngu vì đơn sơ vô học nên đã bị giáo sĩ dùng tiền và dùng mưu để đánh lừa. Giáo sĩ đã mua những khu đất để cất vựa lúa, dựng nhà thờ làm việc thờ phượng và rao giảng tà đạo. Dân chúng mù quáng nghe lời dụ dỗ của chúng. Dần hồi lý thuyết tà đạo tràn ngập toàn quốc và hiện giờ ước chừng 4/10 dân chúng của ta phải tiêm nhiễm tà đạo ấy (Tự Ðức nói sai; vào thời ấy 1/50 theo đạo mà thôi; theo Louvet). Ðạo này có nhiều tín đồ ở giữa các quan và binh sĩ. Nếu chúng ta không thận trọng thì cái bệnh dịch này sẽ tràn khắp trong nuớc.... (Sau khi đã nhắc lại những cố gắng mà Tự Ðức và các tiên đế đã dùng để tiêu diệt đạo này, ông trách nặng lời các quan đã nhận tiền hối lộ để dung thứ công giáo).

"Còn về những thường dân giáo hữu, các ông lý trưởng trong làng phải lo lắng đến việc làm cho họ theo chính đạo bằng cách bắt buộc họ giữ những lễ nghi về hôn phối và đám tang. Phải ép các người công giáo thờ cúng tổ tiên và các thần của mỗi làng. Trong một năm, tất cả bọn người này phải xuất giáo, qua thời hạn ấy, những người công giáo đã về lại chính đạo sẽ được sống yên ổn, những tên mù quáng theo tà đạo phải bị khắc vào má hai chữ Tả-Ðạo và tên làng của chúng. "Ðối với những kẻ cứng đầu chúng ta sẽ cố gắng đối vớI họ thêm một năm; sau năm ấy, những đứa bất tuân kỷ luật, nếu là đàn ông chúng ta phải bị trừng trị; nếu là đàn bà, phải đi làm tôi tớ các quan. Những ông lý trưởng làm chu toàn phận sự của mình và đã cố gắng đưa bọn ngu ngốc ấy về đàng chính sẽ được trọng th+ởng; trái lại, những ông lý trưởng chê ?n mảng sẽ phải mất chức."

Sắc dụ này nhằm chỉ tiêu diệt đạo trong thường dân, nhưng sắc dụ năm 1859 còn ghê gớm hơn hiều nhằm triệt tiêu hàng giáo phâ ?m, là những người sát cánh với giáo dân giúp họ giữ niềm tin.

13. Các giám mục Diaz, Garcia và Nguyễn Ðình Hưng : Theo Louvet ("La Cochinchine Religieuse"), khi được phái đến các địa phận Trung Bắc Việt (Bùi Chu và Thái Bình), giám mục José Diaz Saujugo An (An : tên Việt Nam của Diaz) là một giáo sĩ trẻ tuổi dòng Ða-Minh (Dominican; sáng lập bởi mộ.t linh mục ngườI Tây Ban Nha vào thế kỷ 13), quốc tịch Tây Ban Nha (I-pha-nho; Spain). Ông đến để thay cho đức cha Marti vừa tạ thế (1852). Diaz có quen với Trấn Thủ Nam Ðịnh Nguyễn Ðình Tân (có lần ở Huế, Tân được linh mục Lê Bảo Tịnh chửa trị lành bịnh mắt). Tân sẽ báo cho Diaz biết nếu có chuyện nguy hiểm xảy ra. Trong khi Diaz dang trốn tại Bùi Chu, thì vào 28/4/1857, một ngườI đàn bà đã tới tỉnh đường để báo cáo. Tân đã biết nhưng giả bộ làm ngơ. Nào ngờ một vị thượng quan ở Huế đi kinh lý ghé qua, Tân đành thụ lý, nhưng báo cho Diaz để ông trốn đi. Người đưa tin đã quá chậm. Diaz bị cột vào một cây trước sân của đình làng. Thấy giáo dân khóc nhìn cảnh ông bị trói, Diaz khuyên họ hãy yên tâm mà về nhà. Diaz được thuyền đưa đến Nam Ðịnh và bị giam nghiêm ngặt. Trong 2 tháng bị giam và bị tra tấn, Diaz còn dám giảng giải đạo lý ở chốn công trường cho các quan; họ vừa giận vừa khâm phục Diaz. Ngày 20/7/1857, lính điệu ông ra pháp trường; Diaz vẫn bình tĩnh cầu nguyện. Nghe tiếng chiêng báo hiệu, lý hình vung gươm chém mạnh, đầu ông rơi xuống dất, máu vọt lên cao như hình cầu vòng... Quan truyền bỏ đầu Diaz vào sọt và quăng xuống sông Cái. Sau đó, có thuyền chài vớt được đầu Diaz và giao cho bổn đạo; người này chuyển lại cho giám mục phó Garcia. Theo Marcos Gispert ("Historia de las Misiones Dominicanas), sau Diaz là tới giám mục phó Melchor Garcia Sampedro Xuyên (Xuyên : tên Việt của Garcia). Garcia bị bắt với 2 thầy giảng khác tại Bẩy Mẫu, Nam Ðịnh. Tới lượt xử Garcia, đao phủ bắt ông nằm ngửa ra, kéo tay chân căng ra 4 cọc đóng sẳn 4 góc. Ðao phủ thứ nhất chặt đầu gối chân của Garcia; đao phủ thứ hai chặt đầu gối tay; Garcia đau đớn... Ðầu của Garcia được đem treo ở Cửa Nam thành Nam Ðịnh. Nguyễn Ðình Hưng có lần theo phái đoàn của Phan Thanh Giản sang Pháp vào 1839. Hưng nổi tiếng cho quân liên tiếp bắt vây và đốt phá các làng có đạo và giải về Nam Ðịnh. Ông bắt những người chối đạo phải đánh những người không chịu chối. Xong, ông còn bắt họ phải đốt hương thờ lại Phật, không tin vào Giêsu, làm tờ khai bỏ đạo, trước khi được tự do, những người bỏ đạo này phải mang gông làm việc đủ trong 3 tháng. Theo Ravier ("Sử ký Hội Thánh"), giết kẻ có đạo chưa đủ, Hưng đã nói xạo như sau :
"- những người bản xứ của ta, sao lại dại dột đến nỗi theo lề thói đạo tây dạy mà bỏ lễ phép của tổ tông truyền ? Trong bọn bây nào có ai đã xem phương Tây ? Phần ta khi còn trẻ sang buôn bán bên ấy, thế thì ta nói thật : Trong cả phương Tây, chỉ có 17 làng to mà thôi, còn bao nhiêu là những làng bần cùng mọi rợ. Quân nước nó chẳng bằng một tỉnh Nam Ðịnh này đâu. Vậy còn trông nó cứu chúng bây như thế nào được ? Nó hèn sức dường ấy cho nên dù nó có mang tàu chiến đến cửa nước ta thì ta đem những trò hát hỏng diễn ra trước mắt nó cũng đươ .c, chẳng sợ đâụ Còn những đạo trưởng, đạo đồ, kẻ thì đã bị xử, kẻ thì bị lưu đày mà Chúa nó chẳng cứu nó được. Thế thì chúng bây còn trông cậy thứ ấy làm sao được ? Vả lại trong cả miền Bắc này, trong 10 người có một kẻ có đạo là cùng mà muốn làm ngụy làm sao được ? Ðức hoàng đế mở miê .ng phán một lời, chúng bây đều phải ra tro bụi như sét đánh vậy."

14. Trận lụt 1857 : Trong lúc quan quân đang hăm hở bắt đạo thì một trận lụt lớn đã làm ngưng việc bắt đạọ Trận lụt này đã làm vỡ hết các con đê, nước sông tràn ngập và đồng bằng Bắc Việt đã hóa thành biển. Dấu vết của làng mạc chỉ còn là những ngọn tre xanh rì, những nóc nhà tả tơi. Tiếp theo trận lụt là một trận bãọ Theo Ravier trong "Sử ký Hội Thánh" thì nước ngập trong 5-6 tỉnh kéo dài tới 2 tháng. Muà màng đều hư hỏng, lúa trữ trong kho không còn dùng được vì bị ẩm. Dân chúng đói khát, có người phải chôn sống con vì không muốn thấy cảnh hấp hối đau lòng. Ðêm đến người ta phải canh phòng vì sợ bị cướp lương thực.

15. Chiến tranh Việt - Pháp (1858-1862)

15.1 Lý do cuộc chiến tranh giữa VN là liên minh Pháp - Tây Ban Nha : Nhiều sử gia tiếc rằng VN đã làm mất nhiều cơ hội để giảng hòa với Pháp, nhưng thực ra việc Pháp thôn tính VN là chuyện không tránh khỏi. Có ngoại giao hay không thì chưa hẵn là một biện pháp hay; việc ta có chịu học lấy cái hay của xứ người để canh tân đất nước, dùng nó để dân được tự do, ấm no và bảo vê . quyền tự chủ vẫn là chuyện chính. Còn về việc cấm đạo ? Nó cũng không phải là một lý do mà chỉ là một cơ hội, môt cái cớ mà người Pháp công khai vịn vào một cách dễ dàng để chiếm VN (theo Launay : "Mgr. Retord"). Ðiều này có nghĩa là có bắt đạo hay không rồi cũng đi đến chỗ xung đột với nhau vì quyền lợi. Như đã bàn ở trên, từ thế kỷ 16, Âu châu xâm lăng lại Á châụ Họ chiếm đất đai ở Phi châu và Mỹ châụ Bồ Ðào Nha (Portugal), Hòa Lan (The Netherlands), Tây Ban Nha (Spain) tranh giành nhau ở vùng Viễn Ðông (The Far-Eastern Asia). Rồi Anh phổng tay trên của Pháp lấy ...n Ðộ cho tới sau 1945 mới nhả ra. Qua hiệp ước Nam Kinh (1842), Anh chiếm Hồng Kông và mở 5 cảng. Qua hiệp ước Hoàng Phố (1844), Pháp cũng nhận được mốI lợi tương tợ và còn đư ợc hứa cho tự do truyền đạo. Genouilli có đến VN lần đầu vào 1847 với ý định được buôn bán với Thiệu Trị; một trận xung đột đã xảy ra và Genouilli bỏ đi. Vào năm 1818, nhân danh vua Louis 18, De Kergariou đi chiếc La Cybèle đến yêu cầu Gia Long nhường cho Pháp Cửa Hàn và Côn Sơn theo hiệp ước 1787 chết yểu. Tưởng cũng nên nhắc lại, bị quân Tây Sơn đánh đuổi, Nguyễn Ánh trốn về Hà Tiên. Lúc đó, giám mục Bá-Ða-Lộc (Pierre Pigneau de Béhaine hay giám mục d'Adran; tên Việt của ông là Bá-Ða-Lộc vì người đương thời phiên âm ra tiếng quan thoại như sau : tiếng Pháp là Pierre, nhưng tiếng Bồ Ðào Nha là Pedro mà người Tàu ở Hà Tiên gọi là Pê-Tô-Lô và người Việt đọc ra âm Bá-Ða-Lộc), một nhân viên phái bộ truyền giáo nước ngoài, được tỉnh trưởng gốc Tàu là Mạc Thiên Tứ cho trú ngụ ở Hà Tiên cùng với vớI một tu viện của ông. Nguyễn Ánh về đây ẩn náo và được Bá-Ða-Lộc và giáo dân che dấu khi bị quân Tây Sơn ruồng bắt. Bá-Ða-Lộc khuyên Ánh nên cầu viện vua Louis 16. Sau đó, Bá-Ða-Lộc, hoàng tử Cảnh (con cả của Nguyễn Ánh) và một phái bộ của Ánh sang Pháp xin nước này giúp Nguyễn Ánh khôi phục lại đất nước. Một hiệp ước được ký vào 28/11/1787, nhưng nó vô hiệu ngay vì lúc đó chế độ quân chủ của Pháp đang nghiêng ngữa và kiệt quê . vì cuộc chiến bên Châu Mỹ. Không đủ sức dự vào một cuộc chiến quá xa xôi khác, Bá Tước De Conway, Toàn quyền vùng thuộc Pháp, không chịu thi hành hiệp ước. Bá-Ða-Lộc quay sang kêu gọi sự giúp đỡ của các người Pháp ở Ile-de-France và Pondichery (Ấn Ðộ). Ông đã đem đến cho Ánh, lúc đó đã lấy lại được Nam Kỳ, 2 chiếc tàu đầy khí giới và đạn dược, và nhiều quân chí nguyện; nổi tiếng trong số đó là Olivier, Chaigneau, Vannier, Dayot và Forsans. Nhóm người này đã giúp Nguyễn Ánh huấn luyện một phần quân đội theo phương pháp Âu châu, lâ .p một đội pháo binh và thủy quân hiện đạị Do đó, khi De Kergariou đến, Gia Long từ chối tiếp kiến vì các người theo Bá- Ða-Lộc giúp Gia Long khi trước là do họ tình nguyện và theo lời yêu cầu của Bá-Ða-Lộc, chớ không phải vì hiệp ước mà đến. Nếu Pháp lấy cớ là họ can thiệp để bênh vực những đồng hư ơng bị chém giết thì sao ? Chính những tình trạng tàn sát và bắt đạo được báo chí Tây phương đăng tải đã làm người Âu náo động, nhao nhao lên tiếng, đòi phải đem quân lực sang đối phó thẳng tay với VN. Lấy cớ đó, Pháp can thiệp. Sự can thiê .p này thật ra có lợi cho Pháp, nhưng lại là điều không may cho người Việt công giáọ Từ 1825, giữa VN và Pháp không có sự liên lạc nào khác hơn là những cuộc viếng thăm của các tàu chiến vừa xin giao thương vừa nhắc nhở triều đình ta đừng giết hại các người truyền đạo. Sự can thiệp đã đổ dầu vào lửa. Quả đúng như vậy, các lời "nhắn nhủ" kia chỉ càng làm gia tăng việc bắt đạo.

Vào tháng 11/1855, theo lệnh của Napoleon III, Ðặc ủy Charles de Montigny sang Ðông Nam Á tìm đủ cách để thiết lập các cơ sở chính trị và thương mại cho Pháp. Tháng 1/1856, Montigny sang Thái Lan ký hiệp ước và được Xiêm cho tự do buôn bán, giảng đạo, nghiên cứu khoa học, đặt đại diện ngoại giao và mua bất động sản. Kế đó Montigny sang Miên vào tháng 10/1856 thương thuyết về vấn đề truyền giáo, nhưng Xiêm ngăn cản vì nước này vẫn muô 'n độc quyền ảnh hưởng về chính trị đối vớI Miên. Vua Miên Nặc Ông Tôn có gởi thư cho Napoleon III xin Pháp che chở. Như thế tại Miên, Montigny chưa thâu lượm được gì. Cũng cùng năm 1856, chiếc La Capricieuse đến Cửa Hàn và mờI giám mục Pellerin lên tàu để hỏi thăm tình hình và xin tiếp kiến Tự Ðức. Không có kết quả, tàu bỏ đi. Ði trước Montigny một bước, ngày 17/9/1856, Leheur de Ville-sur-Arc đi tàu Catinat đến Tourane (Ðà Nẳng) để đệ thư của Ðặc ủy Montigny mà vài ngày nữa sẽ có mặt. Quan ta tiếp thư và bảo Leheur chờ hồi âm; tuy nhiên quan coi thư xong thì đem trả lại để trên bãi biển. Leheur cho rằng VN làm như vậy là nhục mạ và có ý tuyên chiến. Thấy quân ta có hoạt động khác thường trong thành, Leheur cho đổ bộ 50 lính và bắn vài phát đại bác vào đô `n; thành Ðà Nẳng bị hạ và 40 lính Việt bị bắt. Hôm sau quan ta trở lại điều đình thì Leheur bảo phải đợi Montigny vì ông ta không có thẩm quyền. Nhưng Montigny không ghé Ðà Nẳng mà đi thă ?ng qua Hồng Kông. Tới ngày 23/1/1857, Montigny trở lại và bàn với quan ta là xin được tự do buôn bán, đặt lãnh sự ở Huế, đặt một thương điếm (hãng buôn) ở Ðà Nẳng và cho tự do truyền giáọ Tất cả yêu cầu đều bị từ chốị Chờ 2 tháng không thâ 'y kết quả gì, trước khi rút lui, Montigny trao một văn kiện cho Tự Ðức cho biết ông sẽ đệ trình lên vua Napoleon III rằng vua VN đã khước từ ký kết với Pháp một hiệp ước dựa trên những căn bản và hình thức được các nước văn minh công nhận và nê 'u VN còn giết đạo và ngược đãi người Pháp, nếu Pháp phải trừng phạt thì đó là lỗi của triều đình VN. Ðược thư này vào 7/1857, Tự Ðức nổi sùng và hạ thêm một sắc dụ ghê gớm hơn trước để cấm đạo công giáo, và cho lệnh viết ở nơi công cộng : "Bọn Pháp sủa như chó và chạy trốn như dê" (Louvet : "La Cochinchine Religieuse"). Theo Việt Sử Toàn Thư, do kết quả của các việc lôi thôi trên, Tự Ðức quay sang bắt đạo càng khốc liệt hơn. Khắp nơi trong nước chỗ nào cũng có như ~ng vụ giết giáo dân, đốt nhà và các giáo đường. Tự Ðức chẳng những giết các giáo sĩ người Pháp mà còn giết những người Tây Ban Nha như các giám mục Henares Delgado, Hermosilla, Diaz và Garcia, các linh mục như Fernandez, Gil de Fédérich, Almato, Matheo Licianus, Henri Castanedạ Do đó, Tây Ban Nha trở thành kẻ đô `ng minh của Pháp xâm lăng VN. Tuy nhiên Tây Ban Nha chỉ có ý định là dạy cho VN một bài học là đừng giết những người đồng hư ơng của họ mà thôi, còn Pháp thì có dã tâm bỉ ổi là chiếm VN làm thuộc địa (Morey : "Mgr. Theural"). Ðứng trước tình thế này, nếu Tự Ðức thực sự nghĩ tới quốc gia và dân tộc, lương hay giáo cũng là dân của ông, chỉ cần lên tiếng bỏ hết tị hiềm do cấm đạo, kêu gọi sự đồng lòng, đoàn kết, trên dưới như một bảo vệ giang sơn của nhà Nguyễn, thì làm gì cho có cảnh chinh chiến, nước mất nhà tan. Nhưng làm một việc như thế mà Tự Ðức - được các sử gia coi như một minh quân -- không làm nổị Từ năm 1820 cho đến 1883, dưới các đời Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Ðức, các vị vua này đã giết cả thảy 40,000 người Việt công giáo; từ 1885-1886, chỉ trong một năm thôi, dưới phong trào Văn Thân, có tới 60,000 ngươ `i Việt công giáo bị giết. Bây giờ ta hãy xem sự giết hại đô `ng bào này cũng như các nhà truyền giáo diễn ra như thế nào trong bối cảnh Pháp xâm lăng Việt Nam.

Cuốn sách "Ðạo Thiên Chúa và Chủ Nghĩa Thực Dân Tại VN" của Cao Huy Thuần, tuy chứa khá nhiều suy luận sai lầm , nhưng ta cũng nên nêu ra đây vài tài liệu (nhất là các thư từ) để rộng đường đoán xét. Theo Thuần thì lúc đầu Napoleon III không có kế hoạch thực dân nào rõ rệt cho đến khi vài vị giáo sĩ và nhất là người vợ đã thuyết phục ông can thiệp vào VN. Thuần có nêu lên 2 vị thừa sai nằm trong cuộc vận động này. Ðó là linh mục Huc, hội viên hội Thánh Lazare, cựu đại diện Giáo Hoàng ở Trung quốc, và giám mục Pellerin (Cao Huy Thuần cho ông là đại diện của Giáo Hoàng ở Bắc Việt). Huc cho Napoleon III biết rằng Anh đang dòm ngó Ðà Nẳng, Nam Kỳ là vùng đất màu mỡ, dân chúng hiền hoà, cần mẫn, dễ truyền đạo; nếu chiếm đóng xứ này thì dân, đang rên xiết dưới chê ' độ tàn bạo, sẽ tiếp đón Pháp như những ngườI giải phóng và ân nhân. Dựa trên tài liệu của Thuần, ta thấy khác với Huc, Pellerin quan tâm nhiều hơn về sự sống còn của giáo hội VN. Trong một bức thơ gởi cho giám mục Thomine Desmazures ("Thư khố Phái bộ Truyền giáo Nước ngoài") đề ngày 30/7/1958, Pellerin viết : "Nhà vua đã tiếp tôi rất niềm nỡ dù tôi không xin gặp. Hoàng Thượng hết sức sẵn lòng giúp đỡ các phái bộ và ý ngài muốn rằng các nhà truyền giáo Pháp phải được tự do khắp nơi, cần phải cầu nguyện Thượng Ðế giữ lại người của Chúa ở lại trên ngôị Các phái bộ của Ngài, các phái bộ ở Cao Ly, ở Nhật Bản, cũng sắp được tự do nay mai, phải hy vọng điều đó. Nước Pháp sẽ ở vững vàng tại các xứ đó và rồi sẽ không thể còn các vụ đàn áp nữa."

Nhân dịp này, giám mục Pellerin nhắc lại cho Napoleon III về bức thư đề ngày 30/8/1857 của ông (trong "Thư Khố Bộ Ngoại giao, tập 27) :

"Thần xin Ngài cho phép thần lại nói đến các người mới theo đạo khốn khổ ở xứ Nam Kỳ và các nhà truyền giáo VN, hiện giờ máu họ đang đổ và tình cảm họ còn kinh khủng hơn từ cuộc vận động sau chót của nước Pháp không làm lợi gì cho bọn thần; e rằng đạo Thiên Chúa bị tận diệt ở tại các vùng hình như sẵn sàng tiếp đón lợi ích của đạo Thiên Chúa và văn minh. Thần đến xin Chúa thượng đừng bỏ rơi bọn thần, việc đó sẽ khiến cho ân phúc của Chúa ban xuống cho bệ hạ và triều đại huy hoàng của bệ hạ..."

Theo Cao Huy Thuần thì cả 2 cuộc vận động này nhằm "nhân danh các người truyền giáo tại VN, không phải chỉ là một cuộc biểu dương hay chiếm ngụ tạm thời, mà là một cuộc viễn chinh thực dân". Trong đoạn này Thuần dựa vào vai vế của Huc và Pellerin để nhấn mạnh rằng việc Pellerin ra đi là "nhân danh các người truyền giáo tại VN". Nói cách khác, Thuần đã ngầm muốn nói là toàn thể các thừa sai và linh mục VN muốn Pháp can thiệp. Ta thấy rằng ý kiến của Huc thì quá rõ, nhưng với Pellerin, ta thấy ông khẩn cầu và van xin làm sao để giáo hội VN được tồn tại, mong có vị vua bênh đỡ cho công giáo được sống còn. Như ta thấy, ở các quốc gia khác thì lúc đầu họ cấm đạo như Nhật, Trung Hoa hay Thái Lan, nhưng sau đó thì có sự dễ dàng. Ðối với VN, tình hình này không thay đổi vì tinh thần hủ nho, bảo thủ và nghi ngờ quá mạnh ở các vị vua nhà Nguyễn. Chính họ đã chịu trách nhiệm phần lớn cho tình trạng đất nước của ta ngày nay. Theo Thuần, một vị linh mục truyền giáo khác tên Legrand de la Liraye đã trình bày cho Napoleon III phương sách có tính cách chính trị. Thái độ này của Legrand đã làm phiền lòng các vị thừa sai khác rất nhiều vì họ chống lại việc xen vào chính trị. Theo Legrand, VN có một vị trí chiến lược tạo một chướng ngại vật giữa Anh (chiếm ...n Ðộ, Singapore, đang thắt chặt Trung Hoa), Tây Ban Nha (chiếm Philippines), Hoà Lan (chiếm Java và Sumatra). VN cũng là nơi trú ẩn cho tàu bè phiêu bạt khắp vùng Ðông Nam Á; sau cùng VN là nơi tiếp liệu và buôn bán cho người Pháp ở quá xa tổ quốc. Về mặt kinh tế, Legrand nhận xét rằng VN rất xứng đáng là một thuộc địa vì đất đai giàu có hơn cả Philippines, Java và Bornéo; dân chúng "ôn hòa, thông minh và siêng năng".

Về lợi thế của việc xâm lăng thì Legrand nghĩ rằng VN dễ rơi vào tay người Pháp vì dân chúng còn trung thành với nhà Lê; triều đình hiện nay tàn bạo, bất công, đầy tham nhũng khiến cho dân nổi loạn; quân đội thì bất lực trước khí thế của Trung Hoa; dân Nam Kỳ thì còn mang mối thù vong quốc như dân Chiêm bị đưa về tình trạng bộ lạc sống nhục nhã trong tỉnh Bình Thuận, và người Miên phải nhường cho kẻ chiến thắng mọi cửa sông, vùng phù sa mênh mông; vua thì không có con nối dõi sau 10 năm kết hôn, "sống hoan lạc giữa 5000 cung nữ"; quan lại thì bậy bạ, tham lam, ă n của đút và gian ác; thủy quân thì đã bị hủy diệt từ trận thủy chiến 1847; quân trên bộ thì thiếu tổ chức và ít khí giới; quân đội chỉ có từ 60 tới 70 ngàn người nhưng đóng rãi rác.

Về kế hoạch xâm lăng thì Legrand đề nghị bằng một cuộc can thiệp bằng ngoại giao trước và chỉ dùng vũ lực nếu phương cách trên thất bại. Cũng theo Thuần thì tài liệu (tìm thấy ở Aix-En-Provence, trong thư khố Trung ương Ðông phương) về Legrand không được các sử gia biết đến có lẽ vì cuộc vận động của Legrand quá trễ : 11/ 1857, Napoleon III đã ra lệnh can thiệp vào VN bằng vũ lực. Sau này, khi qua VN, dưới thời Dupré, Legrand lại đề nghị bảo tồn chữ Nho song hành với việc phát huy chữ quốc ngữ (1872). Giám mục Pellerin sang Pháp (1858) : Trở lại với Pellerin. Nhận thấy giáo hội công giáo VN sắp lâm nguy, Pellerin sang Pháp cầu cứu và nhờ Pháp can thiệp bằng vũ lực, tưởng rằng nhờ sự che chở đó mà người công giáo ở VN sẽ đươc yên. Vài sử gia (Louvet : "La Cochinchine Religieuse"; Trần Trọng Kim : "Việt Nam Sử Lược") quả quyết Pellerin đã tâu với Napoleon III rằng :"Nếu Pháp đến chiếm cứ VN, người công giáo sẽ đón tiếp họ như những vị cứu tinh. Họ sẽ hợp tác với ngư ời Pháp để cuộc chiếm cứ được tiến hành một cách mau lẹ." Nếu nói như thế thì Pellerin quả đã lầm tọ Theo Louvet, người công giáo Việt lúc ấy nếu được vua yêu cầu thì họ sẽ đứng lên cầm khí giới, như trường hợp của ông đội Phan-xi-cô Phan Văn Trung. Lúc Pháp lấy Cửa Hàn (1/9/1858), sợ Pháp chiếm kinh đô Huế, Tự Ðức "ân xá" cho các tù phạm và yêu cầu họ đến cứu Cửa Hàn để "lập công". Ðã tới nước này rồi mà Tự Ðức còn bày trò bắt họ bước qua cây Thánh giá. Tất cả đều tuân theo chỉ trừ Trung. Quan hỏi Trung :

- Mày công giáo phải không ?
- Phải, tôi là công giáo, tôi sẵn sàng đi đánh quân địch của nước nhà, nhưng bỏ đạo thì tôi không bao giờ bỏ.

Trung bị dẫn về tù 3 lần, mỗi lần lãnh 50 roi. Cuối cùng vì không chịu chối đạo, Trung bị án trảm quyết. Ngày 16/10/1858, trong khi Trung được dẫn tới chợ An Hòa để xử thì có lệnh chờ vì có tin là 2 quan trong triều đang xin tội cho ông. Tới 8 giờ tối, tin cho biết là vua y lệnh chém đầu Trung và còn phạt 2 quan xin ân xá cho ông. Tới giờ hành hình, Trung yêu cầu lý hình lấy vôi gạch môt hình thánh giá lên cổ để tỏ cho mọi người biết ông là công giáo tới cùng. Xong ông nghiêng mình cho lý hình chém. (Roux : "Vestiges Religieux et Profanes du Vieux Hue").

Theo Louvet, việc cầu cứu của Pellerin không đem lợi ích gì mà còn gây tai hại vô cùng cho người công giáo VN. Giám mục Navarette trong cuốn "Lịch Sử Trung Hoa" đã nghiêm khắc nói :"Những ai cầu cứu tới sự che chở của quân đội Âu châu tưởng rằng quân đội đó chỉ biết giúp đỡ và bảo vệ họ, nhưng nên nhớ rằng quân đội làm việc tồi bại trong một ngày thì phải có 20 vị thư `a sai giảng dạy trong một năm mới sửa chữa được tai hại về đường luân lý mà họ đã gây nên."

Việc Pellerin sang Pháp cầu cứu đã một lần nữa tạo cớ cho bao sử gia xem thường lòng hy sinh truyền giáo của các thừa sai khác. Trong "Việt Nam Tranh Ðấu Sử", ông Phạm Văn Sơn đã phê bình :

"Các giáo sĩ ngoại quốc nào có phải là những người truyền giáo không thôi đâu, họ dò xét tình hình nước họ đến giảng đạo rồi báo cáo cho chính phủ họ biết để dùng vũ lực đến xâm lược. "Thí dụ giám mục Pellerin sau khi trốn khỏi Ðà Nẳng xuống tàu về Pháp đã tỏ bày tình thế nước VN cho 2 chính phủ Pháp và Tây Ban Nha biết và yêu cầu chính phủ đó đem quân sang chiếm nước ta."

Phạm Văn Sơn đã quơ đủa cả nắm vì đa số các vị thừa sai đã truyền giáo một cách vô tư và chịu nhiều cái chết tàn nhẫn, không hề nhắc tới việc xin quốc gia của họ đến tiếp cứụ Mặt khác, nếu triều đình không giết hại người công giáo liên tục như thế thì làm gì giám mục Pellerin lại đi kêu cứu với Pháp; đó là hiện tượng nước đã tràn ly. Mục đích của chuyê 'n đi này cho thấy ông không còn chịu đựng được nữa sự tàn ác của triều đình Huế đối với dân của họ. Ðó là bước đi tuyệt vọng của Pellerin khi thấy giáo hội VN, được vun xới qua bao trăm năm, sắp sửa bị tiêu diệt.

Ðứng trên quan điểm dân tộc, ta thấy Pellerin đã xen vào chính trị của VN và có quyết định sai lầm, có hại cho người Việt cô ng giáo, nhất là trong thời buổi vua ghét đạo như thế nàỵ Tuy nhiên trên phuơng diện khác, thì ông quả là người có tình nghĩa, nghĩ nhiều đến giáo hội Công giáo Việt Nam sắp sửa bị diệt vong. Rigaud de Genouilli và thành Ðà Nẵng : Một mặt, Napoleon III tỏ ra là người che chỡ cho việc truyền giáo sang Á đông; nghe báo cáo rằng công giáo VN đang bị áp bức, nhất là sau vụ giám mục Diaz bị chém vào ngày 20/7/1857 nên ông đã ra lệnh cho Pháp can thiệp; nhưng ở mặt khác, ông đã có kế hoạch muốn xâm chiếm VN và sứ mệnh của Genouilli rõ ràng đã mở đầu cho thời kỳ thuộc địa ở nước tạ Napoleon III ra lệnh cho lập một đoàn quân viễn chinh hỗn hợp Pháp + Tây Ban Nha gồm 14 chiến thuyền và một tàu Tây Ban Nha do Trung tướng Rigault de Genouilli (chỉ huy căn cứ hải quân Pháp vùng Viễn Ðông) và Ðại tá Tây Ban Nha Lazarote chỉ huy đến đánh Ðà Nẳng vào 7/1858 với quân số 3,000 người. Theo Ðào Ðăng Vỹ (trong "Nguyễn Tri Phương"), ở Cửa Hàn, quân Pháp thấy VN có đại bác tối tân hơn Trung Hoa, súng ống toàn là hiệu của Pháp hoặc Bỉ, thuốc đạn của Anh. VN chống giữ có qui cũ. Thay vì đánh thốc ra Huế, Genouilli chỉ đánh Cửa Hàn, Ðà Nẳng. Ông biết là nơi đây có nhiều đồn lũy phòng ngự, một số đồn đã xây dựng cho Gia Long bởi giám mục Bá-Ða-Lộc và sĩ quan hải quân Olivier de Puymanel, nhưng ngày nay chúng vẫn còn tốt. Theo Thomazi ("La Conquête de l'Indochine") thì Genouilli đã khen rằng :"Những đồn lũy này còn tốt hơn tất cả đồn lũy ta đã thấy ở Trung Quốc rất nhiều." Trong thành, các đại bác cỡ lớn và cỡ trung đều trang bị những bộ phận điều chỉnh tối tân. Cũng theo Ðào Ðăng Vỹ, khi xưa quân Tây Sơn rất hùng mạnh, nhưng nhờ Gia Long có một đạo quân khá tân tiến, có tổ chức, có binh khí khá tốt mới lấy lại được nước và thống nhất sơn hà. Binh pháp vẫn theo Binh Thư Yếu Lược của Trần Hưng Ðạo và theo các sách xưa của Trung Hoa. Một viên tướng lãnh Pháp, G. Lemonnier, đã nói là Nguyễn Ánh đã đọc ở Saigon những binh thư mà Napoleon I đã được đọc vào thời đó. Ông còn nói là những cuộc hành binh của Nguyễn Ánh giống hệt các cuộc hành binh của Ðệ Nhất Cộng Hòa Pháp, giống nhau về tổ chưc, vũ khí và nhất là về ảnh hưởng của các binh gia cuối thế kỷ 18. Theo Alexis Faure, chính Bá-Ða-Lộc là một thứ Tổng trưởng Bộ Chiến Tranh, một trợ thủ đắc lực của Gia Long. Tiến xa hơn nữa, Bá-Ða-Lộc đã giúp xây một thành lũy ở Saigon và lập tại đó một trường võ bị, dịch những sách về quân sự với những chú thích, viết một cuốn sách riêng cho các võ quan và giảng dạy cho họ cách dùng binh, lập những thành lũy kiểu Vauban ở các vị trí quan trọng như Vĩnh Long, Hà Tiên, Mỹ Tho, Biên Hòa,... Trong các việc này, Bá-Ða-Lộc đều làm việc với Olivier de Puymanel. Bá-Ða-Lộc đã giúp tổ chức quân đội cho Gia Long và do đó tính cách tổ chức mang các dấu tích ảnh hưởng của Âu châụ Khi Bá- Ða-Lộc chết đi, Gia Long đã khóc và xây mộ để tưởng niệm một công thần có công trong việc thống nhất giang sơn của nhà Nguyễn.

Việc Genouilli khen về các công sự phòng thủ và hành binh theo kiểu Tây phương của triều Tự Ðức không có gì đáng ngạc nhiên. Vào ngày 1/9/1858, Pháp gởi tối hậu thơ bắt nhà cầm quyền ở Ðà Nẳng phải nộp hết đồn ải và định giờ cho quan VN trả lời. Quá giờ, Pháp nổ súng, VN chống lại nhưng nửa giờ sau thì VN ngừng bắn. 2 hôm sau Pháp phá các cửa Ðông và Tây và vào chiếm đóng thành Ðà Nẵng. Genouilli cho bắn phá các đồn lũy rồi hạ thành An Hải và Tôn Hảị Nghe tin Ðà Nẵng bị uy hiếp, Ðào Trí và Tổng Ðốc Nam-Ngãi, Trần Hoằng, ra chống cự, nhưng khi tới Ðà Nẵng thì 2 đồn An Hải và Tôn Hải đã bị hạ. Hữu quân Ðô Thống Lê Ðình Lý và Tham Tri Bộ Hộ Phan Khắc Thuận (quan văn) tới sau với 2000 quân tiếp ứng. Một trận đụng độ kịch liệt với quân Pháp xảy ra tại Cẩm Lệ. Lê Ðình Lý bị thương và chết sau đó; Hồ Ðắc Tú đóng đồn Hoá Quê kế cận giữ binh không đến cứu nên bị cách chức và xiềng lại để điều trạ Tự Ðức sai thống tướng Nguyễn Tri Phương, đề đốc Chu Phúc Minh và Ðào Tri chống giữ với quân địch. Nguyễn Tri Phương lập đồn Liên Trì kiên cố rồi đắp lũy từ Hải Châu đến Phúc Ninh, Thạc Giản để ngăn bước tiến của Pháp.

Pháp chia quân thành 3 đạo hợp công đánh vào và bị nhử sa xuống hầm chết rất nhiều. Sau nhiều trận đụng độ không có kết quả, Genouilli bố trí lại quân đội và hỏa pháọ Ông đã dồn hỏa lực pháo kích dữ dội vào các đồn lũy một cách chính xác. Các ổ súng của ta đều bị phá hủỵ Quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công mãnh liệt. Quân ta thất thủ và rút khỏi đồn Liên Trì. Thấy quân VN ở đây dồi dào tinh thần chiến đấu, lại có tin 10,000 quân VN sắp tới từ Huế, việc tiến quân ra Huế bằng hải đạo thì ngược gió vì đó là vào mùa đông, đợi mãi không thấy dân công giáo nổi lên ủng hộ, lại phần bịnh dịch tả đã giết hơn 200 binh sĩ của ông, nên Genouilli ngừng lại và đổ lỗi tất cả cho Pellerin, cho là Pellerin đánh lừa vì trước đây Giám mục đã "đoan chắc như vậy". Giám mục Pellerin tức giận, buồn bã bỏ về dòng tu ở Penang, Mã Lai. Còn phần Genouilli, sau 5 tháng tấn công Ðà Nẵng, do tình trạng khó khăn về tiếp tế, quân du kích đánh liên miên những trận nhỏ, bệnh hoạn do khí hậu, đánh Huế thì không đủ sức mà giữ Ðà Nẵng lâu dài thì không được, do đó Genouilli để đại tá Toyon ở lại Ðà Nẵng và chú trọng đánh vào Nam Kỳ.

Theo Thomazi ("La Conquête de l'Indochine"), sau trận đánh Ðà Nẵng Genouilli đã viết như sau : "Chánh phủ đã lầm lẫn về tính cách cuộc can thiệp ở VN. Người ta đã trình bày việc này như một việc tầm thường, nhưng không đúng như thế. Người ta đã cho chánh phủ hay là xứ này có nhiều tài nguyên mà sự thật là không có gì; dân chúng có những xu hướng trái ngược với những gì người ta tiên đoán; cho sức mạnh quan quyền yếu kém, nhưng thực sự vững mạnh; người ta nói rằng xứ này không có binh lính quân đội, thì sự thật quân đội ở đây rất dũng cảm và dân quân gồm tất cả những người lành mạnh trong dân chúng. Người ta cho khí hậu tốt lành ở đây : khí hậu lại xấu. "Không một trận viễn chinh nào có thể thực hiện bằng đường bộ dầu đối với những đường đi bộ rất ngắn : quân sĩ khô ng thể chịu đựng nổi.. Xứ này không có đường bộ, mà có nhiều ruộng lúa cắt ngang dọc. Trước thành phố Huế cũng như các thị trấn khác, chỉ có cách đi bằng đường thủy, trừ Saigon... Sau đó người ta đến trước một thành lũy kiểu Âu châu được trang bị nhiều đại bác và do một đạo quân bao bọc..." Siết chặt công giáo : Thấy Cửa Hàn thất thủ (9/1858), vua quan nghi rằng công giáo sẽ trốn đến các tàu của Pháp để khỏi bị vua và triều đình giết hại nên ra lệnh làm danh sách các người công giáo trong mỗi làng, thỉnh thoảng lại điểm danh và cấm người công giáo không được ra khỏi làng. Một vài toán quân phản gián được cho đột nhập vào làng hành hạ và đánh đập cho tới khi công giáo lòi tiền ra. - đầu đường xó chợ, Thánh giá được bày ra để họ không dám bước qua và chà đạp. Theo Louvet ("La Cochinchine Religieuse"), triều đình còn muốn cho giáo dân phải chịu mọi tổn phí về các cuộc hành quân vì đổ tội rằng người công giáo gây nên chiến tranh, rối loạn trong nước. Trong khi đó thì Tự Ðức đã sáng tác các bài thơ để tự an ủi khi quân của ông thất trận ở Cửa Hàn. Theo Louvet, trong thơ Tự Ðức chửi Pháp là côn đồ, mọi, chó, lợn, trâu. Các binh sĩ công giáo thì còn bị đưa vào tình thế gay go hơn. Lúc đi đánh Pháp ở Cửa Hàn, quan bắt 193 binh sĩ phải chà đạp lên Thánh giá. Họ không chịu. Tất cả 193 người liền bị án khổ sai chung thân và phải đi chùi rửa hầm cống trong thành nội Huế. Saigon thất thủ (1859) : Vài sử gia như Cultru ("Histoire de la Cochinchine Francaise") và Trần Trọng Kim ("Việt Nam Sử Lược") cho rằng vào lúc đó ở Bắc Kỳ có khoảng 400,000 công giáo (!) và dư đảng triều Lê sẽ đồng minh với Pháp lật đổ nhà Nguyễn. Trước khi vào Saigon, Genouilli có gởi ra Bắc các chiếc tàu như Catina, Primauget và Prégent thì chẳng thấy ai (Công giáo) tiếp ứng, nên ông đã quyết định đánh Saigon. Ðiều này chứng tỏ rằng, chánh phủ Pháp không có một chương trình nhất định trong cuộc chinh phục VN. Ðây là một chỉ thị co dãn. Chẳng hạn lấy được Cửa Hàn (Tourane) rồi sẽ làm gì ? Lập chế độ bảo hộ hay một hiệp ước thương mãi ? Tâ 't cả tùy các tướng lãnh Pháp tùy cơ định đoạt. Genouilli quyết định đánh Saigon vì nơi đây có thủy đạo cho tàu bè ra vào, là vựa lúa của VN, chính vựa lúa này nuôi sống quân đội của triều đình Huế. Theo Ðào Ðăng Vỹ ("Nguyễn Tri Phương") thì trong một bức thư gởi cho Bộ Thủy Quân, Genouilli viết :"...Trận đánh Saigon chứng tỏ cho chánh phủ VN là vừa giữ Ðà Nẵng ta vẫn có thể hành động chỗ khác, và cũng sẽ làm cho họ mất mặt đốI với các quốc vư ơng Xiêm-La và Cao-Miên, 2 nước láng giềng vẫn ghét họ và sẽ vui lòng phục hồi được những gì họ đã mất vào tay triều đình VN". Genouilli để lại Ðà Nẵng 2 pháo thuyền, một số thủy binh và bộ binh giữ các đồn ải, rồi ngày 2/2/1859, ông kéo hết hạm đội vào Nam cùng với 2000 quân, ghé Cam Ranh 5 ngày, vào ngày 9/2/1959, Genouilli đến bắn phá 2 bên cửa sông Ðồng Nai rồi tiến vào Gia Ðịnh (Pháp gọi Gia Ðịnh cũng như Saigon). Gia Ðịnh có nhiều binh khí, nhưng quân lính bỏ bê luyện tập, khi quân Pháp tới thì không có quân đủ để đối phó. Chỉ có 2 ngày thành Saigon bị mất, kế đó là thành Thị Nghè (2 thành này do "gián điệp" Bá-Ða-Lộc xây dựng cho Gia Long) cũng bị hạ. Lính Pháp và Tây Ban Nha đã tịch thu vô số súng, thuốc đạn, tiền Pháp, binh khí và lúa gạo. Trận đánh này đã làm giao động triều dình Huế rất nhiều vì thấy sức mạnh của súng ống Tây phương quá tiến bộ hơn ta, quâ n đội họ được huấn luyện thành thục và kỹ thuật hơn quân ta rất nhiều.

Trở lại đánh Ðà Nẳng : Nghĩ rằng chỉ với 2,000 quân việc chiếm giữ rất khó khăn, Genouilli cho đốt lương thực, phá thành trì và đồn lũy, chỉ giư ~ lại một thành trì về phía Nam và giao cho trung tá hải quân Jauréguiberry gìn giữ để chống với quân của Tôn Thất Hợp ở Biên Hòạ Sau đó Genouilli trở ra Ðà Nẳng tấn công một lần nư ~a, đồng thời xin cầu viện. Chính phủ Pháp do dự. Genouilli từ chức và phó đề đốc Page được cử thay thế. Page được lịnh điều đình với triều đình Huế chỉ yêu cầu được tự do truyền giáo, đặt lãnh sự và giao thưong, và không đòi hỏi một sự nhượng đất nàọ Theo Ðào Ðăng Vỹ ("Nguyễn Tri Phương") thì việc điều đình này kéo dài lằng nhằng không đi đến đâu, vì vua quan ta vẫn chưa hiểu tình hình quốc tế, vẫn trông quân Pháp sẽ mõi mệt và chán nản mà kéo về, chứ ta nhất định không ký kết gì hết. Chờ điều đình hoài không được, ngày 18/ 11/1859, Page đánh các đồn phía Tây Ðà Nẳng. Ta phải rút ra khỏi nhiều vị trí.

Cũng theo Ðào Ðăng Vỹ, nhân thấy Pháp đang cố đánh con đường bộ ra Huế, Nguyễn Tri Phương dâng sớ tâu cho Tự Ðức biết là ông nhận xét quân Pháp có vũ khí tinh xảo, giáp trận thì liều chết, tiến thoái trật tự, quân ta không thể là đối thủ, xin đem quân lập lại các đồn khác để cố thủ, lập kế lâu dài, tích trử lương thực tại các quân khu, binh lương và súng ống dem đến các đồn để chuẩn bị khi có việc xảy ra, tổ chức những toán quân du kích mai phục đánh úp quân Pháp. Nói tóm lại, Nguyễn Tri Phương khuyên vua nên chuẩn bị việc phòng thủ và tổ chức ngay bây giờ. Vua Tự Ðức đang bực vì các trận thua nên quở :"Ðã làm tướng đánh giặc mà lại sợ giặc, để cái lo cho vua, rồi lại không làm gì hết thì có đâu mà thành công được ? ở Chiến - hòa - thủ, 3 việc ấy nên dùng việc nào ? Cho cứ thế mà làm chớ đừng nói rằng triều đình không có người, nếu thiếu tướng tài thì cứ giữ vậy mà chịu chết." Tiếp được chỉ, Phương đành dâng biểu tạ tộị Tuy nhiên, ông vẫn giữ thế thủ, đắp thêm đồn lũy, chia quân đóng rải rác để phòng giữ Ðà Nẳng. ở Chiến - hòa - thủ : thấy mưu đồ của Pháp quá rõ, Tự Ðức bàn với Nguyễn Tri Phương rồi đưa ra câu Chiến Hòa Thủ để xem ai trong nước có kế gì haỵ Cả 3 phe (chủ chiến, chủ hòa, chủ thủ) đều có cả. Phan Thanh Giản, Trương Ðăng Quế và Lưu Lăng chủ hòa để phòng bị lương thực và vũ khí. Trương Quốc Dung, Chu Phúc Minh, Lâm Duy Hiệp chủ trương phòng thủ. Phạm Hữu Nghi, Hồ Sĩ Tuấn chủ trương kháng chiến. Với các ý kiến tương phản như trên, Tự Ðức bối rối :"Nếu kháng chiến với người Pháp là một việc khó, thì ký hòa ước càng khó gấp trăm phần."ở Thật tội nghiệp cho dũng tướng Nguyễn Tri Phương, xông xáo chỉ một mình. Tuy thông minh, thật ra Tự Ðức chỉ là một một nhà thơ giỏi, một nhà Nho theo lối học cổ điển chỉ biết nước Tàu là nhất. Ông quan niệm chiến tranh như thời xưa của thời Tam Quốc, Trần Hưng Ðạo, Lê Lợị..chỉ cần tướng giỏi trong khi cuộc chiến bắt đầu là cuộc chiến về kỹ thuật; vua chỉ ra lệnh đốc thúc chớ không lo gì cả. Trong khi đó, Nguyễn Tri Phương là một vị tướng đầy kinh nghiệm chiến trường, đã thắng Chân Lạp, thắng quân Xiêm, thắng quân phiến loạn mọi nơi, lại đối chọi với Pháp nhiều trận, lúc thắng, lúc bại, nên ông thấy rõ những điều như sau :

- Vũ khí Pháp tân tiến, súng của ta thì xưa hơn, bắn chậm và yếu, không đi xa, không chính xác và sức tàn phá thì không bằng. Một số lớn quân ta còn dùng gươm giáo và mã tấu.
- Chiến hạm Pháp chạy quá maụ Thủy và bộ binh được huấn luyện tinh vi, nghiêm chỉnh. Sĩ quan lúc nào cũng dẫn đầu bộ binh. Chiến thuyền của ta thì xưạ Tàu lớn đóng bằng gỗ theo kiểu ghe lớn, gắn súng đại bác xưa hơn. Ta còn lại các Tàu kiểu Âu Tây do Bá-Ða-Lộc để lại nhưng cũng đã xưạ Quân đội đã khô ng còn thuần thục như lúc trước nữa; lý do là họ được 6 tháng về quê làm ruộng, 6 tháng phục vụ trong quân độị Việc huấn luyện binh sĩ không tinh vi và họ đang thiếu tinh thần chiến đâ 'ụ Võ quan của ta thì luôn luôn đi sau binh lính vì vậy khi gặp đụng độ khó khăn thì dễ tan vỡ. Chỉ có một số ít là còn được huấn luyện theo kiểu Âu Tây với những sách lược do Bá- Ða-Lộc để lại Tuy thế, Nguyễn Tri Phương quả là viên tướng tàị Khi vừa bố trí xong thành thì Pháp tấn công. Phương có lối ứng chiến hữu hiệu nên Pháp thua dàị Thắng trận, Phương được Tự Ðức mư `ng rỡ tiếp và nhân đó vua hỏi về vấn đề Saigon. Phương cho rằng nên thủ đừng nên đánh, và dề nghị về chiến tranh du kích. Page được lệnh rút quân để qua tăng cường cho hạm đội của Trung tướng Charner đang hợp với quân đội Anh đánh Trung Hoa. Ngày 22/3/1860, Page xuôi tàu vào Nam. Page xem xét tình hình và bố trí vùng Saigon - Chợ Lớn, cử Ðại tá hải quân d'Ariès chỉ huy quân đội Pháp tại đâỵ Ariès có gần 1000 quân Pháp-Tây, một số dân Việt và người Tàu được thu nạp làm quân phụ thuộc. Xong Page đi hợp với hạm đội của Charner.

Trừng trị bọn tà đạo : Ðược tin Page ra đi, Tự Ðức liền gởi khắp nơi trong nước báo cho dân biết quân đội của ông đã đuổi mọi trắng chạy trốn và muốn quay lại chém giết bọn "tà đạo" trong nước cho bỏ ghét. Sau đây là lời Tự Ðức (Schreiner : "Abrégé de l'Histoire d'Annam") :

"Bọn chúng nó đã đi, bọn mọi phương Tây đã đi, chúng chỉ biết làm điều xấu xa, chỉ có mục đích làm lợi cho xứ sở chúng. Chúng đã đi, bọn quái ác chỉ biết ăn thịt người và mặt da người. Chúng là bọn cướp vụng về nhất, binh sĩ dũng cảm của chúng ta đã đánh đuổi chúng, chúng chạy như chó, đuôi quặp giữa hai chân.
"Nhưng vì chúng còn có thể đến phá phách nên chúng ta phải chuâ ?n bị cấp tốc hiện nay là tiêu diệt tà đạo, như thế bọn mọi sẽ không còn ai giúp đỡ, sẽ không còn ai tiếp ở. Ðói chúng sẽ bỏ chạy. "Vì vậy hãy giết cho sạch bọn đạo trưởng, bắt giam tất cả bọn thủ lãnh công giáo; còn giáo dân hãy bắt chúng xây chùa học kinh thờ Phật; hãy truyền lệnh cho hết mọi người, đàn ông, đàn bà, già trẻ chà đạp Thánh giá, ai dám chống lại hãy đày nó đi.."

ở Theo Louvet thì chắc Tự Ðức muốn ám chỉ là tại vùng Saigon, khi Tôn Thất Hiệp không cho ai tiếp xúc quân Pháp trong thành để quân Pháp không còn lương thực; khi họ sắp chết đói thì giám mục Lefèvre vì lòng nhân đạo đã gom một số gạo cho đám người này cầm hơi. Lefèvre đã phạm lỗi lầm, đổ dầu vào lửa và tạo thêm cớ cho triều đình sát hại người công giáo Việt Nam.ở Tình hình đen tối của công giáo (1858-1862) Theo Louvet ("La Cochinchine Religieuse"), không bút mực nào có thể diễn tả nổi những chuỗi ngày đau khổ của giáo hội này kể từ khi Pháp đặt chân lên đất nước VN. Sự hiện diện của Pháp trên đất Việt trở thành cái cớ vững chắc để cấm đạo, giết hại người công giáo không những vì họ theo "tà đạo" mà còn là "đồng minh của địch"; nghĩa là triều đình dựa trên 2 lý do : tôn giáo và chính trị. Trong các vụ xử, dù người công giáo cố gắng chứng minh lòng ái quốc của họ, nhưng các quan vẫn nhắm mă 't lý luận rằng :"Quân Pháp ở Cửa Hàn và ở Gia Ðịnh; chúng ra yêu sách kêu triều đình ta cho người công giáo được tự do hành đạo, nên người công giáo là đồng minh của địch." Dựa vào lý luận này, việc bắt đạo càng dã man gấp mấy năm trước. Có kẻ cho rằng một số người bên lương theo đạo không phải vì tôn giáo, mà vì muốn nhập quốc tịch Pháp. Chính quan niệm này lại gây chia rẽ thêm cho người cùng một nước, trong khi sự đoàn kết rất cần thiết để bảo vệ non sông. Louvet ("La Cochinchine Religieuse") nhận xét rằng :"Không nên bao giờ, dù với một lý do rất ngay lành trong sạch, trà trộn tôn giáo với chính trị, vì chính trị phá hoại tôn giáọ" Thật là chí lý.

Sắc dụ cấm đạo 1859 : Theo Louvet thì sắc dụ này như sau : "Tà đạo của người công giáo đã đem lại biết bao điều tai hại. Chúng ta không thể liệt tà đạo này vào hạng các tôn giáo dị đoan khác mà chúng ta dung thứ ở trong nước, phải luôn luôn cấm đoán tà đạo nàỵ Những ai theo đạo công giáo lập thành một xã hội riêng biệt, mặc dù chúng nó không công khai đứng lên chống chính quyền, nhưng trong thâm tâm, chúng tha thiết với người ngoại quốc.

"Vì vậy, ta truyền phải điều tra cho biết số các quan đã theo tà đạo ấỵ Những quan nào mặc dù đã thành thực bỏ đạo cũng phải mất tất cả cấp bậc, về những quan không chịu bỏ đạo, nê 'u là quan văn từ cửu phẩm, quan võ từ lục phẩm sẽ bị án trảm quyết. Cần phải điều tra cẩn thận để tìm những nhân viên công giáo trong chính phủ. Những ai không tố cáo sự hiện diện của họ hay oa trữ họ trong nhà mình sẽ bị trừng trị"

Cũng vào năm này, có sắc lệnh riêng bắt các quan công giáo trong quân đội.

Sắc dụ cấm đạo 17/1/1860 : "Từ lâu, đạo Gia-Tô đã vào nước chúng ta và đã làm mê hoặc dân chúng, đã có những sắc dụ rất nghiêm khắc cấm tà đạo, mỗi lần có tên công giáo nào bị bắt, chúng ta đã trừng trị bọn chúng nó, vậy mà vẫn có bọn người ngu ngốc mù quáng nhất định không chịu bỏ đạo. "Lúc tàu của bọn mọi rợ đến trong nước chúng ta, vô cớ chúng đưa sự loạn lạc trong các tỉnh Quảng Nam và Gia Ðịnh, nhưng chúng không đưa đến một kết quả nào, ban đầu chúng muốn liên lạc với chúng ta, và đã khiêm nhường yêu cầu chúng ta kính trọng sư . tự do tín ngưỡng. Rõ ràng chúng không có mục đích gì ngoài mục đích này. "Những kẻ thủ lãnh của bọn chúng đã tưởng rằng vì lời yêu cầu ấy chúng ta sẽ hủy bỏ những dụ cấm đạo, chúng ta biết chắc chúng nuôi ý tưởng ấy thầm kín trong lòng. Chúng ta cần phải trừng trị chúng một lần nữa cho chúng biết mặt. Chúng ta cần phải rẽ lúa tốt ra khỏi cỏ lùng, người lương dân với bọn côn đồ, chúng ta phải tiêu diệt tất cả những ước vọng xấu xa của chúng. "Còn những kẻ có ý tưởng phản động, chúng ta phải tập trung chúng vào một làng cho người canh giữ cẩn thận, trừ kẻ già cả, đàn bà con nít hay là những kẻ ăn ở ôn hòa trong làng trong xóm,...Như vậy ta đã chỉ rõ phải bắt giam những ai, phải tập trung những người nàọ Có những làng gồm toàn bọn côn đồ này, có làng phân nữa là côn đồ, có làng bọn chúng chiếm số ít, nơi nào mà chúng chiếm đa số hãy bắt giam tất cả bọn chức dịch của chúng, cũng như tất cả những đàn bà đi mang thư từ tin tức; trong những làng nào mà bọn chúng chiếm phần thiểu số, dân chúng các làng ấy có đủ sức canh gác chúng được. "Những điều Trẫm vừa truyền là những điều thuộc phạm vi của các tri huyện. Các tri huyện còn phải làm sổ các trẻ em trên 15 tuổi, phải kiểm điểm chúng vào những ngày nhất định để có thể biết chúng nó có mặt trong làng hay đã đi nơI khác; nếu có trẻ nào vắng mặt, các người canh phải chịu tội thay thế. Tri huyện nào chểnh mảng trong việc này cũng phải bị phạt. Như vậy chúng ta sẽ phân chia người lành ra khỏi kẻ dữ. "Tất cả những nhân viên của triều đình phải giữ những điều Trẫm dạy và ân cần hoạt động theo như những chỉ thị của Trẫm. Nếu có những người nào dám theo ý kiến của mình, người ấy sẽ bị phạt như kẻ vi phạm đến luật nhà nước. Chư khanh nên biết rằng Trẫm đã nhọc mệt để dạy dỗ chư khanh. Về những mục khác hãy chiếu theo những sắc dụ đã ra trước."

Một sắc dụ khác trong năm truyền truy nã các bà phước :
"Bọn công giáo là bọn côn đồ, không thể nào đưa chúng về đàng ngay nẻo chánh được, chúng dùng những đàn bà xấu nết mà chúng gọi là trinh nữ, là bà phước để giấu giếm các đồ thờ, để đưa thư từ và tin tức từ tỉnh này qua tỉnh khác. Vậy Trẫm truyền cấm đàn ông đàn bà con nít không được ra khỏi làng mình, cấm ngặt không được cấp giấy thông hành cho người công giáo từ tỉnh này qua tỉnh khác. Chúng phải ở trong làng để người ta có thể kiểm điểm chúng và dạy dỗ để đưa chúng về chính lộ. Nếu còn bắt gặp đàn bà nào đi từ làng này sang làng khác, phải theo các điều trong sắc dụ đối với bọn đàn bà ấy. Sắc dụ mà trước kia đã được công bố ở Hà Nội và Phú Yên để trừng phạt bọn chúng (theo đó thì các bà phước bị bắt phải làm tôi tớ chung thân trong gia đình các quan)."

Sau cùng, vào cuối năm 1860, Tự Ðức ra sắc dụ quyết liệt cố ý phân tán người Việt công giáo khắp nơi; đây là biện pháp cuối cùng. Lúc đầu Tự Ðức còn do dự vì nó sẽ sinh biến, nhưng sau cùng Tự Ðức cho thi hành mặc dù các quan trong triều ngăn cản. Sau đây là những điều khoảng chính :

1) Tất cả những người nào, tự nhận là công giáo đều phải cho tản mát sang các làng bên lương.

2) Tất cả các làng bên lương đều có trách nhiệm canh giữ những người công giáo, cứ 5 người lương giữ một người giáo.

3) Tất cả các làng công giáo đều phải phá hủy. Vườn tược, nhà cửa sẽ được chia cho các làng lương kế cận, các làng này phải chịu thuế về đất vườn mình lãnh.

4) Phải chia rẽ người đàn ông công giáo ra khỏi người đàn bà công giáo. Các người đàn ông sẽ được gởi đi một tỉnh, các người đàn bà gởi qua một tỉnh để chúng không còn có thể sum họp, con cái sẽ giao cho các gia đình lương nuôi nấng.

5) Trước lúc tản mát phải khắc 2 chữ Tả Ðạo vào má ngườI đàn ông, đàn bà, con trẻ, và cũng phải khắc tên tổng và huyện mà chúng phải tới ngõ hầu chúng không trốn tránh được.

Dụ này vừa được ban ra, ai nấy cũng rụng rời. Tự Ðức và các quan đồng tâm trong công việc này. Sau đó, nhà cửa ở các làng công giáo bị đốt sạch, nhà giam mọc lên như nấm. Gia tài của họ được giao cho các người lương hưởng. Một số công giáo rũ nhau lên rừng, xuống thuyền chạy trốn. Số còn lại bị bắt và đày lên rừng, sống cuộc đời khổ sai. Sắc dụ này đã làm cho giáo hội này đến chỗ sắp tàn.

Sau này, khi chinh chiến đã qua, có tới 40,000 - 50,000 người đã chết, con cái họ không còn nhớ đạo nữa.

Nguyễn Tri Phương vào Sàigòn : Vào 1860, Nam Kỳ có nhiều rối reng. Những người Cao-Miên của đất Chân Lạp cũ và một số người Tàu sinh cơ lập nghiệp ở đây từ lâu, đã đầu quân theo Pháp. Họ đánh 2 tỉnh An Giang và Hà Tiên; Tổng đốc 2 tỉnh này dâng sớ cầu cứu vua Tự Ðức. Ðây là lúc (7/1860) mà vua gởi Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển vào Nam để phối hợp với Tôn Thất Hợp xây lại đồn điền, sửa sang lại các thành quách ở Kỳ Hòa (tức Chí Hòa ngày nay), Lũng Bằng, Tham Lương, Thuận Kiều và Rạch Trạ Trương Công Ðịnh được phong lãnh binh lãnh đạo các đồn điền quanh Saigon như Hòa Hưng, Chợ Lớn, Bà Ðiểm, gây cho Pháp nhiều thiệt hại như bắn chết các sĩ quan Pháp Harmand, Barbé. Trước khi đi, Phương đã mật tấu với Tự Ðức bày kế giữ vững phần đất Trung Kỳ và Bắc Kỳ; ông cũng khuyên vua nên tin cậy ở Phan Thanh Giản và Nguyễn Bá Nghi nếu Quảng Nam có biến.

Theo gia phả của dòng họ Nguyễn Tri Phương, thì Tự Ðức đã dặn ông : "Việc dẹp phiến loạn tuy là phận sự của các tỉnh Hà Tiên, Biên Hòa, nhưng Trẫm cũng giao cho khanh tự quyền sắp đặt điều gì lợi cứ việc thi hành. Trẫm giao vận mệnh nước nhà vào tay khanh. Trẫm cầu Trời Phật giúp khanh thành công để dân sự trở về cảnh thanh bình. Ðức độ và tài trí của khanh, Trẫm đã biết nhiều rồi. Nhưng khanh có tính nóng nảy, vậy khanh nên mở lượng bao dung với sĩ tốt, đại sự ắt phải thành." Liên quân Pháp - Tây Ban Nha do D'Ariès và Palanca chỉ huy chỉ có độ 1000 người; quân của Nguyễn Tri Phương là 12,000. Quân Pháp đánh cầm chừng để chờ quân viện. Vào 7/2/1861, Pháp-Anh thắng ở Tàu; đại biểu nhà Thanh là Lý Hồng Chương ký hòa ước, bãi việc chiến tranh; Pháp sai Trung tướng Charner kéo binh đến VN, chủ trương lấy Nam Việt. Tại Saigon, tuy có quân ít ỏi, nhưng d'Ariès với số quân 1000 và vài chiến thuyền phòng ngự vùng đã giao từ trước, bố trí quân lực vô cùng khéo léo để cầm cự với quân lực của ta đông gấp 12 lần. Theo Ðào Ðăng Vỹ ("Nguyễn Tri Phương"), vào năm 1860, đã có 111 tàu Âu Tây và 140 ghe Tàu lớn ra vào giữa Saigon, Hong Kong và Singapore, chở lúa gạo đi bán các chỗ và đem hàng hóa khác tới Saigon-Chợ Lớn. Một số người Tàu được lợi nhất trong công cuộc phát triển này. Cái lợi tương đồng đã đưa đến sự kết hợp giữa vài người Tàu và thực dân Pháp, ở Saigon - Chợ Lớn ngay vào lúc này, cũng như ngay cả ở Hà Nội và Hải Phòng 12 năm về sau. Chính vì Pháp đang có dã tâm cũng cố vị trí, tổ chức để đi sâu vào dân chúng nên họ là cái gai trước mắt của quân ta; nhưng dù cố gắng qua bao nhiêu trận, ta vẫn bị đẩy lui và mang nhiều thương vong. Trần Trọng Kim ("Việt Nam Sử Lược") đã trả lời là :
"Quân ta không được luyện tập lại không có súng ống như quân Tây. Mình chỉ có mấy khẩu súng cổ bắn bằng đá lửa, đi xa độ 250 hay 300 m là cùng, còn súng đại bác thì toàn là súng nạp tiền mà bắn mười phát không đậu một. Lấy những quân lính ấy, những khí giới ấy mà đối địch với quân đã tập theo lối mới, bắn bằng súng nạp hậu và bằng đạn trái phá, thì đánh làm sao được. Bởi vậy cho nên xem trận đồ của VN ta từ đầu cho dến cuối, chỉ có cách đào hầm đào hố để làm thế thủ, chứ không bao giờ có thế công, mà người Tây thì lợi cả công lẫn thủ".

Vào ngày 7/2/1861, Charner đem 70 chiếc tàu và 3,500 quân kéo đến Gia Ðịnh. Ðồn Lũng Bằng thất thủ ngày 24/2/1861. Ðồn Kỳ Hòa mất ngày 25/2/1861 sau khi Nguyễn Duy, em ruột của Nguyễn Tri Phươ ng, tử thương. Ðồn Kỳ Hòa mất, Nguyễn Tri Phương chạy về Biên Hòa, Phạm Thế Hiển bị thương nặng chạy về đây mấy hôm thì mất. Pháp có nhiều tuớng tá tử trận : đại tá Tây Ban Nha Palanca, đại tá Tesard, Lareynière và 300 quân Pháp chết. Theo Phan Khoang ("Việt Pháp Bang Giao Sử Lược") thì các quan trong triều liền tâu :"Gia Ðịnh thất thủ, quan giữ thành phải chịu tội, vậy tâu xin Bệ hạ xử các ông Nguyễn Tri Phương, Phạm Thế Hiển, Tôn Thất Cáp phải mất chức và tỉnh thần Gia định đều bị cách chức." Các đám quan này sống êm ấm, lúc nào muốn tri tội ai thì không kém hăng hái, nhưng lúc cần thì không có ai, chỉ có Nguyễn Tri Phương mà thôi. Tướng mất thành thì phải tội đã đành, nhưng phải xét mất bằng cách nào và vì sao. Phương đã trải thân qua hằng trăm trận mạc, lúc 60 tuổi rồi còn phải liều thân trước lằn tên mũi đạn của quân thù mà chính thiên triều phía Bắc còn thua. Trong trận này, Nguyễn Tri Phương bị thương nặng, Phạm Thế Hiển còn bị nặng hơn, em của Phương tử trận. Tuy nhiên, Tự Ðức chỉ giáng chức của Nguyễn Tri Phương xuống hàng Tham Tri. Nguyễn Tri Phương trở về Huế dưỡng bịnh, nhưng lòng ông không yên. Phá xong đồn Kỳ Hòa, Charner tiến đánh Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh và Mỹ Tho. Tự Ðức hay tin và thấy không thể nào chống nổi quân Pháp nên sai Nguyễn Bá Nghi vào xin giảng hòa trong khi phe chủ chiến như Trương Ðăng Quế thì chống. Ngay lúc đó, những cuộc kháng chiến chống Pháp ở miền Nam cũng vừa bùng nổ vì họ hay tin triều đình Huế rục rịch đòi hàng. Trương Công Ðịnh, Phan Văn Ðạt, Nguyễn Thành Ý, Lưu Tấn Thiên, Hồ Huấn Nghiệp hô hào dân chúng Nam Kỳ khởi nghĩa, bỏ nhà, bỏ ruộng theo nghĩa quân chống giặc đến nổi báo chí của Pháp thời đó đã viết :"Tất cả người Việt Nam đều theo kháng chiến, ở đây nơi nào cũng chống ta.." Vào ngày 10/1861, Ðô đốc Bonard sang thay Charner. Với Bonard, cuộc chinh phục càng mở rộng. Lần lượt Biên Hòa, Bà Rịa và Vĩnh Long rơi vào tay địch. Thấy tình thế nguy ngập, triều thần lại đề nghị vua phục chức cho Nguyễn Tri Phương, vì không thấy ai có thể lo chuyện này một cách đáng tin cậy. Nguyễn Tri Phương vào tới Quảng Nam lo chuẩn bị cho Ðà Nẳng. Khi vừa tới Bình Thuận thì ông gặp Nguyễn Bá Nghi chạy giặc trở ra than rằng :"Súng Tây nó bắn dữ quá. Không thể giữ thành nổi. Tôi phải làm sớ về Kinh thỉnh tội." Ðã quá trễ cho Nguyễn Tri Phương vì mấy tỉnh trong Nam Kỳ đều thất thủ cả rồi. Ông đành phải trở về triều phục mạng. Thật là đáng tiếc. Giặc Miên, giặc Xiêm, giặc Pháp, giặc Tàu (giặc Tàu-Ô quấy nhiễu vùng đảo Phò Long và Cát Bà; 1865), giặc Mọi, giặc phiến loạn, giặc trong Nam, giặc ngoài Bắc, lửa cháy rần rần mà người cầm đầu như Tự Ðức không có chính sách đoàn kết toàn diện, không biết thảo kế hoạch qui mô và lâu dài, cứ vá víu nhất thời rồi chạy quanh co, bối rối, triều thần thì vô dụng, chỉ có một tướng tài thì bị quay như chong chóng, lúc thì đá xuống, lúc thì nâng lên, coi dân công giáo kẻ thù, đối xử vô cùng tàn nhẫn, xô đẩy họ vào tuyệt lộ như trình bày sau đâỵ Cái cơ mất nước do đó không còn xa.

Phân Sáp (1860-1861) : Trong thời kỳ này, chữ "phân sáp" được dùng để chỉ hình phạt dành cho người công giáo phải tản mác vào các làng khác theo sắc dụ 1860. Vào năm 1861, sắc dụ 1860 được áp dụng trên toàn quốc. Tất cả công giáo, ngay cả người đã chối đạo, đều bị bắt, chỉ còn lại các cụ già, bà lão và trẻ con. Nhà cửa của họ bị đốt phá, vườn tược được giao cho người lương. Các người bị bắt được đưa đến nha phủ để được khắc vào má 2 chữ Tả Ðạọ Trong 8 ngày, nếu 2 chữ trên hiện ra thì không sao, nếu hiện ra quá mờ phải được khắc lại một lần nữa. Việc phân sáp đã làm đảo lộn xã hội Việt Nam vào thời nàỵ Cứ 5 người lương canh 1 người công giáọ Làm sao kiếm chỗ ở cho người công giáo đó ? Theo Louvet ("La Cochinchine Religieuse"), thường người ta lùa những người công giáo này như lùa trâu, cho vào những cái chuồng rộng lớn, không có nhà hay vách. Trời mưa thì nằm trên bùn, trời nắng thì ngủ đất khô. Ban đầu dân làng còn thay phiên nhau canh gát, nhưng sau để khỏi nhọc mệt, họ để các người công giáo chết đói, chết khát, còn ai sống dai thì dân làng cứ việc khệnh cho nhừ tử, rồi cáo với quan : "Bọn Gia-Tô đã chết vì bịnh (theo Louvet)."

Ðịa phận Saigon (1859-1860) : Vào năm 1860, Giám mục Saigon Lefèbvre cho biết :"Khắp nơi trong địa phận, các quan bắt đạo rất dữ dộị Nội trong năm 1860, ở tại địa phận Saigon, có đến 396 người công giáo mang gông xiềng; con số này còn tăng lên nữa lúc Tự Ðức ban chỉ dụ bắt các chức dịch trong họ. Có nhiều người vì quá tuyệt vọng đã chạy vào khu vực do quân Pháp chiếm đóng, nơi đây họ được hưởng tự do, thoát được nanh vuốt của đám quan liêu tàn nhẫn. Vì không làm gì được họ, nên triều đình mớI phao rằng công giáo theo địch, rồi tàn sát những người đang nằm trong tay họ" Giám mục Retord Liêu từ trần tại Bắc Việt : Theo Launay ("Mgr. Retord"), Retord lẫn trốn tại vùng Bút Sơn trong vùng Núi Voi với các thừa sai Charbonnier và Mathevon. Như đã kể ở trên, quan hay tin đem 700 quân đến bao vây, nhưng họ lại chạy thoát vào trong hang núi ở rừng sâu; họ phải thường dời chỗ vào ban đêm. - Bút Sơn không chắc, Retord nhờ người đưa qua Ðồng Bầu, nhưng kẻ dẫn đường quá sợ lại đưa họ nương theo rừng sâu mà đị Ðến Ðồng Bầu, tình thế cũng không yên nên họ lại trốn lên núi, dựng lều để tạm trú; Retord đan thúng, còn các người khác thì trồng rau. Charbonnier chịu không nổi khí hậu quá khắc nghiệt nên xin trốn về đồng bằng. Vào lúc này, cả nhóm hy vọng rằng vụ Cửa Hàn liên quan tới Genouilli sẽ làm cho Tự Ðức hủy bỏ dụ cấm đạo, nhưng điều này không bao giờ xảy ra. Khí hậu không tốt và nước độc làm Retord bị sốt rét ngã nước, cứ 2 ngày lên cơn một lần; sau đó Retord lại mắc bệnh kiết lỵ Thấy ông đã kiệt sức, Mathevon đã làm phép xức dầụ Ngày 20/10/1859, Retord lìa đời trong rừng núi của Bắc Việt. Sau khi Retord chết, phó giám mục Jeantet truyền chức giám mục cho thừa sai Theurel; vụ truyền chức này xảy ra vào ban đêm dưới một căn hầm. Sát hại công giáo Bà-Rịa : Hàng loạt cuộc bắt đạo và tàn sát đã diễn ra khắp các nơi ở miền Nam, nhất là từ năm 1859 trở đi như ở Vĩnh Long (1859), Mỹ Tho (1859-1860), Chợ Quán (1859), Biên Hòa (1859-1860; khi quân của Genouilli vào đánh Saigon, tất cả công giáo bị giam trong tù đều được đưa đi Biên Hòa; các giáo dân ở các họ đạo ở Tân Triều, Mỹ Hội, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một cũng bị giải đến đó). Tới khi Charner chiếm Biên Hòa năm 1861, tàn quân VN chạy về Bà Rịa, nơi đây đã có hơn 700 người công giáo bị giam trong 4 nhà tù từ trước. Trong số có 400 đàn ông giam tại thành phố; cách đó 200 m là một nhà tù khác giam 135 đàn bà và trẻ em; tại xã Long Ðiền có giam 140 đàn bà công giáọ Tất cả đều phải bị khắc chữ : một bên khắc "tả đạo", bên kia khắc "Biên Hòa Dinh" (vào thời đó, Bà Rịa là một phủ của tỉnh Biên Hòa). Lúc đầu, các người bị giam còn có tiền nên lính còn đối đãi tốt, nhưng sau đó khi không còn gì nữa thì lính đối xử cay nghiệt. Tù phải nằm trên đất; người yếu thì chết rũ tù, phần còn lại đều bị kiết lỵ; lính không cho họ ra khỏi tù để đi vệ sinh; cả nhà tù xông mùi rất khó chịu. Ngày 7/1/1862, Bonard tiến về Bà-Rịa. Khi chỉ cách nơi đây vào 2 km thì họ khựng lại vì lúc này là mùa mưa, đường lầy lội. Sau đó thì quân Pháp đã thấy từ xa từng đám lửa cháy rực cả châu thành Bà Rịạ Sau khi tới thì họ đã thấy hằng trăm xác cháy đen. Trong số 300 đàn ông thì chỉ có 10 ngườI chạy thoát. Về phía đàn bà thì 160 phụ nữ và 50 trẻ em bị thiêu sống. Trong 700 người bị giam, thì vào khoảng 250 là còn sống sót. Ðánh tới đâu thì Pháp đặt người cai trị tới đó, thâu thuế má (30/1/1862), đặt đường giây thép từ Saigon qua Chợ Lớn, Biên Hòa, Bà Rịa và Vũng Tàu, lập nhà thương, nhà in, nhà thờ, phủ Thống Ðốc. Pháp mộ người Nam vào các bộ đội trú phòng (lính khố xanh) để đóng giữ Gò Công, Gò Giao, Cái Bè,... Giám mục Cuénot (1861) : Theo "La Salle des Martyrs du Séminaire des Missions Étrangères", Charles Douniol, Librairie-Editeur, 1865, ở địa phận Qui Nhơn không còn một vị thừa sai nào chỉ trừ có Cuénot. Ông thường trốn ở Gò Thị, nhưng từ khi có chỉ dụ Phân Sáp, Cuénot phải chạy trốn từ nhà này sang nhà khác. Sau cùng, để tránh liên lụy cho một bổn đạo dấu ông trong một căn hầm trong nhà, Cuénot đã ra tự thú. Ông bị lính nhào tới trói, nhưng vị quan chỉ huy có lòng nhân đạo, truyền lệnh cởi dây và mời Cuénot ngồi cùng chiếu với ông ta. Sáng hôm sau, Cuénot bị nhốt trong cũi và điệu lên tỉnh nhốt vào tù. Vào tháng 10/1861 có mưa lụt, mọi thứ trong tù đều ướt sạch. Cuénot bị kiết lỵ và qua đờI vào ngày 14/11/1861. Sau 34 nă m sống ở VN , Cuénot không có được một ngày nào gọi là yên ổn. Khi ông vừa tắt thở thì có giấy từ triều đình Huế truyền phải chém đầu lập tức. Viên Trấn Thủ Bình Ðịnh ra lệnh :"Chém làm gì, vì ông ấy đã chết, buộc xác ông ta vào bốn cây que rồi dem đi chôn là yên chuyện". Bản án của Triều đình lại như sau : "Tây Dương Ðạo Trưởng Thể (tên Việt của Cuénot) đã lẫn lút trong nước chúng ta gần 40 năm nay, y đã giảng đạo và lừa dối dân chúng. Bị bắt và tra hỏi, y đã thú nhận tất cả tội lỗi. Lẽ ra phải chém đầu y, rồi bêu lên ở chợ, nhưng vì y đã chết trong tù, ta truyền phải quăng xác y xuống sông." Y theo án, Trấn Thủ Bình Ðịnh quật mộ của Cuénot và truyền liệng xác xuống sông. Linh mục Ðặng Ðức Tuấn : Ðối với vua Tự Ðức và triều đình của ông, đạo Gia-Tô là đạo dị đoan, là tà thuyết ngu muội, xúi dân phản quốc và theo giặc. Ðể sửa đổi quan niệm sai lầm này, linh mục Ðặng Ðức Tuấn đã làm một bản điều trần bày tỏ mọi việc. Ông bị bắt ngay quận Mộ Ðức và quan xét trong người ông một bản điều trần gồm 6 trang. Sau khi biết Tuấn là đạo trưởng Gia-Tô, quan giải ông ra tỉnh. Vào lúc đó có 2 vị quan ở Kinh đô đến Bình Ðịnh quan sát tình hình địa phương và có dịp đọc bài điều trần của Tuấn. 2 vị này đề nghị đem bản điều trần và lời khai của Tuấn về cơ mật viện để dâng lên Tự Ðức. Khi được dẫn đến Bộ Binh, Tuấn gặp qua Thương thư Lâm Duy Hiệp và ông này đi vào nội tấụ Sau khi có các quan đầy đủ trong bộ, dưới sự chủ tọa của Lâm Duy Hiệp và Phan Thanh Giản, Tuấn được ngồi trên một chiếc chiếu để cung khai. Phan Thanh Giản nói rằng :"Nay vua truyền mời đạo trưởng về triều để xét 2 điều : Thứ nhất nghe trong đạo Công giáo có nhiều điều khó hiểu, hai là nguyên cớ gì mà Tây Dương đến đây quấy rối làm ngang, thầy cứ lấy sự thật khai" Tuấn đã phân giải 2 vấn đề quan trọng gây bao tai hại lớn lao vào lúc bấy giờ. Sau đó, Tuấn được đưa trở về ngục thất chờ lệnh. Qua hôm sau, Giản mời nước thết đãi Tuấn tử tế. Giản cho biết là trong triều còn có nhiều quan còn có ác cảm và hoài nghi với đạo. Giản cho biết ý của triều đình và nhà vua cũng muốn làm lơ, nhưng "các tỉnh dâng sớ tâu xin đối xử cay nghiệt với đạo này". Giản đề nghị Tuấn nên làm nhiều tập điều trần nữa, nói rõ căn nguyên, để triều đình cứu xét. Sau khi đọc xong bài điều trần, Tự Ðức hạ lệnh cởi gông xiềng và ban thưởng cho Tuấn; các quan trong triều ai nấy đều kinh ngạc. Sau sắc dụ 1860, các nhà tù ở Huế đầy ấp công giáo. Tuấn được ân huệ đến thăm họ. Ðứng trước tình hình miền Nam bị chiếm, miền Bắc bị loạn, vua có ý muốn hòa; Tuấn có làm 2 tập điều trần dâng lên vuạ Xem xong, Tự Ðức ưng thuận hạ chỉ tha nam phụ lão ấu bị giam và cho họ lui về quê quán. Trong lúc triều đình xôn xao về việc ký hòa ước, không biết cử ai làm đại sứ. Lâm Duy Hiệp hỏi ý kiến Tuấn thì Tuấn đề nghị Hiệp dâng sớ để đi và Tuấn sẽ tuần hành với Hiệp. Hòa được thì tốt, không thì lui rạ Lâm Duy Hiệp vào tấu cùng Tự Ðức; Tự Ðức ban sắc hạ y như lời xin. Từ đó, Tuấn lui vào Hoàng thành để thương thuyết và bàn bạc với Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp. Vào 22/5/1862, Giản, Hiệp và Tuấn vào Saigon. Nội chiến ở Bắc Kỳ - Giặc Lê Phụng : Dưới thời Tự Ðức, trong khi trong Nam đang có rối loạn thì ở Bắc Kỳ có giặc Tam Ðường, giặc Châu Chấu, giặc Khách và giă .c Lê Phụng. Giặc Lê Phụng có liên hệ với công giáo ? Theo Schreiner ("Abrégé de l'Histoire d'Annam") thì Lê Phụng là người công giáo có học ở Penang, Mã Laị Lúc liên minh Pháp - Tây Ban Nha đánh ở Cửa Hàn thì Phụng làm việc trong doanh trại nàỵ Phụng có viết thơ ra Bắc nói rằng Pháp-Tây sẽ giúp ông dấy loạn chống lại Tự Ðức. Những sự kiện trên về Lê Phụng có thật hay không thì không ai quả quyết được, nhưng có một điều chắc chắn là vào năm 1862, Phụng có mặt tại Bắc Kỳ và chỉ huy một đạo quân 20,000 người chống lại quân triều đình của Nguyễn Ðình Tân. Sau khi làm chủ được các tỉnh miền Ðông của Bắc Kỳ nhờ khéo léo liên kết với giặc Tàu Ô ở biển, giặc Khách cùng các giặc nhỏ trong vùng, thì Phụng có gởi sứ đến Saigon để yêu cầu Bonard giúp đỡ; nhưng Bonard khước từ vì ông ta đang trong giai đoạn thương lượng với triều đình Huế. Sau khi rảnh tay với Pháp, Tự Ðức ra lệnh Nguyễn Tri Phương ra Bắc dẹp loạn. Phụng cầm cự đến mãi năm 1885; muốn cuộc nổi loạn có kết quả, Phụng đã mang 500 chiến thuyền đánh mạnh vào kinh đô Huế, nhưng một trận bão đã tiêu diệt thuyền bè; Phụng bị bắt. Vài sách sử đã cho việ)c Phụng nổi lên chống Tự Ðức là một chứng cớ khác cho biết người công giáo là những bọn phiến loạn làm tay sai cho ngoại quốc. Phụng là người công giáo, nhưng khi nổi loạn, Phụng đã lấy danh nghĩa là con cháu nhà Lê hô hào dân chúng lật đổ nhà Nguyễn, vì dân chúng ngoài Bắc còn luyến tiếc nhà Lệ Theo Trần Công Hoán ("Tiểu Sử Cụ Sáu Trần Lục") thì trước kia Phụng tên là Tạ Văn Phụng và lúc khởi nghĩa đổi tên là Lê Duy Minh. Phụng nổi loạn là việc riêng của Phụng và không có một giám mục nào khuyên bảo ông phải khởi nghĩa. Nhưng chuyện tréo cẳng ngỗng là Phụng lại là công giáo cho nên có việc gáng cho công giáo như trên. Cao Bá Quát, một nho sĩ có tài, vì bực tức triều đình mà nổi loạn chống Tự Ðức; Quát bị bắt và bị trảm quyết. Như vậy ta khó có thể quả quyết là tín đồ nho giáo đứng lên chống Tự Ðức. Trong lúc Phụng chiếm hầu hết đồng bằng Bắc Việt và nếu người công giáo dưới sự dìu dắt của linh mục Trần Lục mà liên kết với Phụng thì liệu Trấn Thủ Lạng Sơn có chống nổi Phụng hay không ? Thế mà Phan Xuân Hòa ("Lịch Sử Việr)t Nam") lại viết :"Vả chăng sự dẹp loạn Lê Phụng và Phan Bá Vành ở Bắc cũng đã đem về triều đình chứng cớ dân theo đạo giúp Phụng, Vành chống triều đình. Hơn thế nữa triều đình đã nghe từ trước : Anh đã chiếm được ...n Ðộ, Hoà Lan chiếm được Nam Dương đều nhờ quân thầy tu (priest soldiers) cho nên cấm đạọ Triều đình muốn ngăn ngừa sự xâm lăng của Pháp". Thật ra, không biết vì sao Phan Xuân Hòa lại viết được như thế, vì vào lúc đó, Anh và Hòa Lan đã theo Protestantism thì làm gì mà có "quân thầy tu" ? Thật ra, triều đình cấm đạo đâu phải vì ngăn ngừa Pháp xâm lăng mà bởi vì triều đình của nước ta vào lúc này gồm những hạng nhà Nho chỉ biết lý thuyết Khổng Mạnh và cho các thứ khác là tà thuyết và thẳng tay trừng trị Muốn giết người công giáo Việt thì cần phải có lý do, và họ đã tạo ra lý do : "Công giáo theo Tây". Lối lập luận dễ dàng này được thấy áp dụng sau này; khi muốn thủ tiêu ai thì cứ cho là gián điệp, tay saị Mặt khác, việc bắt đạo chỉ là một dịp khiến cho ngoại bang xâm lăng nước ta và nguyên nhân chính là tham vọng mở mang bờ cõi thuộc địa. Tình hình dòng Ða-Minh (1858-1862) và tội ác ở Nam Ðịnh : Không khác với các dòng tu khác, dòng Ða-Minh cũng chịu nhiều thảm kịch, nhất là tại các địa phận Trung Bắc Việt (Nam Ðịnh, Hưng yên) và Ðông Bắc Việt, là nơi mà dòng này coi sóc. Theo Giám mục Theurel, tại Hưng yên, con nit' 5-6 tuổi cũng phải mang gông như người lớn. Các làng nào có nhiều công giáo bị giết sẽ được quan thưởng tiền. Dân công giáo trong làng muốn đi làm thuê phải bước qua Thánh giá và chối đạo, nếu không thì bị đuổi ra khỏi làng. Sau khi các giám mục như Garcia, Ochoa bị giết thì dòng này như con thuyền không lái; họ chỉ còn lại 2 linh mục : Gaspar Fernandez Nghĩa (Nghĩa là tên Việt) và Manuel Rianho; vào 1862, nhiều linh mục VN của dòng này lần lượt bị xử tử. Sắc chỉ mới vào 8/1861 được tuân hành từng chữ trong toàn cõi VN. - các tháng cuối năm 1861 sang 1862, cơn thịnh nộ và căm thù như nung nấu các quan hạ thần của Tự Ðức; họ có vẻ thách thức thi đua xem ai trong họ thi hành chỉ dụ kia một cách tàn ác nhất và ai trong họ giết được nhiều công giáo nhất. Riêng tại địa phận Trung Bắc Việt, linh mục Manuel Estevez Nam (Nam là tên Việt của Estevez) viết :"...Tháng 5/1862, vua Tự Ðức ban bô ' sắc lệnh truyền chém đầu mọi người đàn ông công giáo từ 10 tuổi trở lên... Bổn đạo đã bị bắt quá 3, 4 chục ngàn. Cuối năm 1862, sắc lệnh tung ra và được tuân hành lập tức. Quan Trấn Thủ Nguyễn Ðình Hưng đã tỏ ra dã man đến cực độ.. Như vài nơi khác, khi công giáo bị "phân sáp" thì quan còn cho phép bán nhà cửa để chi tiêu, nhưng trong tỉnh Nam Ðịnh thì công giáo bị đuổi ra khỏi nhà, bị trói từng nhóm 5 người, chỉ cho đem theo mấy nắm gạo đủ ăn cho 2 ngày. Ðược cử đi dánh giặc Lê Phụng, nhưng thất bại, Hưng liền cáo bệnh về tỉnh và mang mối thù công giáo. Lúc đó ở Nam Ðịnh có 300 công giáo bị giam, Hưng ra lệnh không được tiếp tế lương thực cho họ Theo Ravier ("Sử Ký Hội Thánh"), chỉ có mấy ngày thô i, hầu hết đã chết trong ngục. Thấy không còn công giáo để hành tội, Hưng kêu gọi các huyện giải các tù công giáo về tỉnh. Thấy giặc Lê Phụng càng ngày càng mạnh, Hưng đổ giận trên công giáo đang bị giam bằng cách thiêu sống, trảm quyết, hay trói từng cặp rồi dìm xuống sông. Có ngày Hưng chém 20 người, có ngày ông trói 100 người rồi bỏ xuống sông. Khi thấy Hưng ung dung say máu, các quan khác cũng bắt chước theo bằng cách chém, thiêu sống trong ngục và trói bỏ xuống sông các công giáo nằm trong tay họ. Có lần 150 người công giáo phải bị xử trong một lúc, các lý hình vừa chém và vừa trói quăng xuống sông. Lý hình làm không xuể; con sông thì nhỏ hẹp, có kẻ tháo được dây, lội được lên bờ, họ bị bắt lại, buộc lại từng 2 người một rồi bỏ xuống giếng cho chắc ăn. Ba cái đầu của dòng Ða-Minh rơi : Jeronimo sinh ngày 30/12/1800 tại Tây Ban Nha. Sau khi được thụ phong linh mục, ông được phái tới VN truyền đạo vào 1828. Vừa tới VN, Jeronimo được mang tên Vọng, có nghĩa là "trông mong" và đã bước ngay vào thế giới bắt đạo, nhưng ông lại là nguồn sức mạnh và an ủi cho những người Việt xấu số. 20 năm sau, vào 1848, Jeronimo được phong làm giám mục vùng Ðông Bắc Việt và Retord, phía Tây Bắc Việt. Retord trốn được sang Manila để được thụ phong, còn Jeronimo phải đợi Retord trở về để truyền chức cho. Công tác đầu tiên của giám mục Jeronimo là liệu có ngay một số linh mục mới để đối phó với tình thế. Theo Marcos Gispert ("Historia de las Misiones Dominicanas"), thì Jeronimo phải bỏ tên Vọng vì tên này đã quá quen thuộc với quan binh, và lấy tên là Liêm. Trong suốt thời gian từ 1841 tới 1859, Liêm đã thụ phong cho 3 phó giám mục và ít nhất là 7 linh mục VN. Dụ cấm đạo 1859 hứa sẽ thăng quan tiến chức cho kẻ nào bắt đư ợc Gia-Tô đạo trưởng và được thưởng 300 lạng bạc; do đó người ta thích truy lùng người công giáo. Liêm phải lẩn tránh tại Thọ Ðức trong một căn hầm sâu, sình lầy, thiếu hơi. Chỉ vào đêm, người ta mới kéo ông ra khỏi hầm; nhiều lúc kéo lên thì ông vừa ngất xỉụ Không bao lâu, chỗ trốn bị lô, Liêm đã chạy đến họ Thủy Cơ, rồi xuống một thuyền câụ Chiếc thuyền đưa ông qua cửa Hải Dương, và ở nơi đây ông lại gặp giám mục Ochoa Vinh và cha Almato Bình. Sau đó họ chia taỵ Liêm giả sống làm nghề chài lưới để có dịp đi thăm giáo dân. Liêm sống nhờ vào một gia đình một thờI gian, nhưng ngày kia gia đình này có đứa con trai tức giận với cha mẹ, đi tố cáo 2 ông bà về tội chứa Tây Dương Ðạo Trưởng. Liêm bị bắt vào 21/10/1861. Ochoa và Almato cũng bị bắt. Ngày 1/11/1861, cả 3 thừa sai bị xử tử. Linh mục Diez O.P. kể lại : "Nơi xử đã trải ra 6 chiếc chiếu, 3 cái chăn. Jeranimo quì trên một cái chăn. Ochoa và Almato quì bên cái chăn kia cùng hàng. Quan đóng 3 cái cọc và trói chặt 3 ông lạị Quan đọc bản án : "Ðạo Trưởng Tây Dương trá hình giảng đạo để cướp nước ta. Vì thế các ông này phải bị xử tử và đạo Gia-Tô bị cấm. " Sau đó có tiếng phát từ loa : Bớ dân chúng, nếu thấy ngườI nào tỏ vẻ xót thương hoặc thấm lấy máu những người bị xử này, thì lập tức phải bắt lấy nạp cho quan. "Sau 3 hồi chiên đánh lên, 3 người lính vung kiếm chém đầu. Ðoạn các quan truyền cho dân chôn xác. Khi các quan ra về, dân chúng còn lại, dầu có đạo hay không, cũng tranh nhau thấm máu các vị tử đạọ.. "Người ta lấy 3 cái chăn bọc 3 cái xác để nằm tại chỗ, còn 3 cái đầu, thì quan truyền cho dân đem bêu ở bến đò Hàn, canh giữ hết 3 ngày và sẽ liệng xuống sông." Một viên Chánh Tổng sẵn có cảm tình với công giáo có dịp đi ngang qua bến đò đã tìm cách tráo 3 cái đầu và đem giao cho giáo hữu xứ Yên Dật. Hoà ước Nhâm Tuất (5/6/1862) : Trong khi Trương Công Ðịnh hay Trương Ðịnh (Quản Ðịnh) phát động phong trào kháng chiến ở Gò Công thì có một số quan ở Vĩnh Long tham dự, nên vào 20/3/1862, Bonard đem 1000 quân đánh Vĩnh Long và vào ngày 23/3/1862, Bonard vô thành. Tháng 4/1862, Mỹ Tho thất thủ. Trong khi đó, tại Chợ Lớn, quân kháng chiến nổi lên đốt phá; một số người Tàu giúp việc cho câu lạc bộ hải quân của Pháp đã bỏ thuốc độc vào thức ăn. Trong lúc Bonard đang ở trong tình trạng khó khăn thì phe chủ hòa trong triều đình đã làm cho Tự Ðức siêu lòng thông báo cho Pháp biết là muốn điều đình. Bonard sai người đi gặp đại diện của triêu đình đưa điều kiện nghị hòa, hẹn 3 ngày phải điều đình xong và nộp trước 10 vạn quan tiền. Tự Ðức sai Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp và linh mục Ðặng Ðức Tuấn vào Nam để giảng hòa với Pháp. Trong các trận thương lượng giữa Việt Nam - Pháp - Tây Ban Nha, đầu tiên Pháp đòi 500,000 lạng bạc và giao 6 tỉnh nhưng Ðặng Ðức Tuấn bàn cùng Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bồi thường thì chịu nhưng không giao các tỉnh thành. 2 sứ thần yê u cầu Pháp đổi lại khoảng bồi thường và khoảng giao cho vừa phải. Sau cùng VN nhường cho Pháp 3 tỉnh miền Ðông gồm Biên Hoà, Gia Ðịnh và Ðịnh Tường và bồi thường 4 triệu đồng binh phí, trả trong 10 năm, mỗi năm 400,000 đồng; Pháp trả lại tỉnh Vĩnh Long khi nào trật tự được vãn hồi. Trong 12 điều khoản của hòa ước chỉ có một khoản nói về tự do tín ngưỡng (NgườI Pháp và Tây Ban Nha được phép truyền đạo Gia-Tô trong nước Ðại Nam, ai muốn theo, được tự do theo; ai không muốn theo cũng không được ép). Như thế rõ ràng là cuộc viễn chinh này là một việc chiếm cứ đất đai hơn là chỉ vì mục đích đạo đức và tôn giáo (Louvet : "La Cochinchine Religieuse"). Tuy Tự Ðức rất buồn phiền về chuyện này, nhưng ông và triều đình phải chấp nhận những điều kiện nặng nề; lý do là Tự Ðức muốn rảnh tay để đối phó những cuộc nội chiến xảy ra ở Bắc Kỳ. Quả vậy, sau khi yên với Pháp, Tự Ðức tung hết quân ra Bắc. Lê Phụng bị bắt và bị xử lăng trì (phân thây, xé xác). Vụ Phụng nổi loạn đã đặt Tự Ðức vào hoàn cảnh 2 đầu thọ địch và nhờ đó Pháp có được hòa ước 1862. Việc ký kết với Pháp làm mất 3 tỉnh miền Ðông đã làm vài nhà viết sử công kích Tự Ðức và Phan Thanh Giản vì họ cho 2 ông đã mở đường cho thực dân vào VN và cũng là nguyên nhân cho chiến tranh ý thức hệ về sau, khiến cho VN ngày nay vẫn không ngoi lên được vũng lầy tăm tối. Tuy nhiên, đọc sử từ đây về sau, ta sẽ thấy đây là trường hợp chẳng đặng đừng trước cái thế nước nhà phải mất mà nguyên nhân phức tạp đã có từ xa xưa. Ðến khi mất đất rồi, thì tình thế đã bối rối càng bối rối thêm, mỗi người vội đi tìm cách cứu chữa để tạo nên những va chạm giữa kẻ theo tâ n trào và kẻ bất cộng tác, làm cho đau thương cứ chồng chất hơn lên, rồi khinh ghét, thù hận lẫn nhau. Ngoài ra, có gì quyết đoán được những người chìa tay hợp tác với thực dân đều là những người bán nước, xấu xa và đê tiện ? Cũng như có gì khiến ta đinh ninh được những người quyết tâm chống đối thực dân đến cùng, đều là những người đi đúng đường để đưa nước nhà tới tiến bộ ? Ðọc sử vào đoạn này sẽ cho thế hệ sau có cái nhìn tại sao nước nhà đi đến chỗ rơi vào những hố sâu kỳ thị tôn giáo, giai cấp, địa phương, cũ mới,... Kết quả đã đưa tới một xã hội lúng túng và lẩn quẩn, gây oán thù lẩn nhau.

Tình hình chung của công giáo từ 1858-1862 : Theo Louvet ("La Cochinchine Religieuse"), chỉ trong 4 năm đã có 115 linh mục người Việt bị tử hình, 50 nữ tu bị thiêu sống, 2000 nữ tu phải tản mát và 100 nữ tu khác đã bị giết. 10,000 quan viên trong các họ đạo bị bắt giam, hơn một nữa bị xử tử. Một số lớn công giáo Bắc Việt chết vì đói. Lúc Pháp - Việt ký hòa ước 1862 ở Saigon, nhận thấy rằng không sớm thì muộn phải thả ngươ `i công giáo, nên các quan cố ý "để quên" họ trong ngục, do đó một số đã chết vì đói. 2,000 họ đạo đã bị san thành bình địa, ruộng đất được cắt cho người lương. Có tất cả 300,000 người công giáo bị phân sáp. Trong một gia đình, cha me bị đi đày, kẻ đi Bắc, người vô Nam., con cái ở nhà người lương. Cũng theo Louvet, trong 300 năm bắt đạo, có tới 200 linh mục bị giết, nhưng chỉ dưới thời Tự Ðức từ 1858-1862 có tới 115 linh mục bị xử tử. Như thế cũng đũ cho hậu thế thấy Tự Ðức đã đem toàn lực để tiêu diệt cho kỳ được đạo Gia-Tô. Trong vụ phân sáp, có tới khoảng 50,000 công giáo bị giết. Thật ra, đây chỉ là bước đầu mà thôi. Tình hình công giáo và chính trị từ Hiệp Ước 1862 tới phong trào Văn Thân (1868)

Tự Ðức ân xá (1862) : Sau khi ký hiệp ước xong, tuy không nói gì tới điều khoản tự do tín ngưỡng, nhưng Tự Ðức chỉ tuyên bố nhân ngày sinh nhật ông ân xá cho các tù nhân : "Ðã từ lâu, một lớp ngu dân theo tà đạo, mặc dù Trẫm đã ban lời khuyên dạy nhưng bọn côn đồ vẫn chưa ra khỏi giấc mơ. Lúc chúng chối đạo ngoài miệng, chúng chỉ làm việc dối trá. Trẫm đã ra lệnh các Trấn Thủ các tỉnh giam các chức dịch cứng đầu, Trẫm cũng đã truyền phân-sáp ngay các bọn công giáo trong các làng lương dân để chúng có dịp cải tà quy chánh. "Vì chúng đã cải hóa một phần nào nên Trẫm thương đến bọn chúng. Do đó, và cũng nhân ngày lễ sinh nhật của Trẫm, Trẫm truyền lịnh dù ở kinh đô hay ở các tỉnh, phải phóng thích cho các ông già, các phụ nữ và trẻ con, mặc dầu những người này đã bước hay chưa bước qua Thánh giá. Cũng phải phóng thích tất cả những chức dịch công giáo đã thành thực xuất giáo, nhưng nếu chúng thuộc về những làng toàn là công giáo, mặc dù chúng bỏ đạo, chúng vẫn phải ở nơi hiện chúng bị giam giữ. "Phải trả lại cho người công giáo nhà cửa, ruộng nương; chúng được miễn thuế thân. "Những chức dịch chưa xuất giáo và những thanh niên không chịu bỏ đạo vẫn còn phải giam giữ cho đến lúc chúng chịu chối đạo." Khi các người công giáo (người già, đàn bà, trẻ con) về tới làng thì có một sắc dụ thứ hai ra lệnh cho các quan cứ 2 năm phải đòi giáo hữu đến để khuyên họ xuất giáọ Tự Dức tuyên bố : "Mặc dù ta cho phép dân theo đạo công giáo, nhưng như thế không phải là ta không có quyền khuyên dân từ bỏ tà đạo để theo những lề lối của nước nhà." Tự Ðức khuyên mà không theo thì có nghĩa là ở tù. Sau đó, ông đổi chiến thuật qua việc ra một sắ dụ ngăn không cho người lương theo đạo. Những người chạy trốn trong thời kỳ Phân Sáp không bị khắc chữ Tả Ðạo, những người đã chối đạo, tất cả đều bị quan quân dùng vũ lực không cho trở lại đạo. Ðối với người có đạo gốc thì họ không được đọc kinh lớn, không được hội họp quá 100 người nếu không có giấy phép. Cai tổng và lý trưởng được đến dự các lễ nghi và về làm báo cáo. Các người công giáo trong thời này trở nên nghèo túng vì Tự Ðức không cho họ giữ chức vụ nào trong làng, trong tỉnh. Theo một sắc luật thì tất cả thanh niên trên 20 tuổi phải khai tên để nhập ngũ và đi làm lao công. Theo luật, mỗi làng chỉ ghi một sô ' thanh niên đi làm 2 công việc này, nhưng để phá tuyệt các làng công giáo, tất cả các thanh niên của các làng này đều bị đi làm các công việc trên. Mặt khác, các thừa sai không được ở riêng mà phải ở trong tỉnh đường thuộc quyền giám sát của Trấn Thủ. Cứ 5 ngày họ phải trình diện. Muốn đi đâu phải có giấy phép. Chỉ có những ai có khắc chữ Tả Ðạo mới được vào nhà tiếp xúc các thừa saị Cấm ngặt làm việc tôn giáo ngoài nhà đã chỉ định. Cấm ngặt tụ họp hơn 100 ngườị Cấm giảng đạo cho người lương. Ðó là cách mà Tự Ðức hứa với Pháp về việc tự do tín ngưỡng. Ðể giải thích, triều đình Huế biện minh rằng sở dĩ họ làm như vậy là để bảo vệ tính mạng các thừa sai trước mặt các chính phủ Pháp và Tây Ban Nha.

Vào cuối 1862, sau khi dẹp loạn ngoài Bắc xong, Tự Ðức tìm cách sát hại công giáo một lần nữa. 2. Phan Thanh Giản sang Pháp (1863-1864) : Không tán thành Hòa ước 1862, Trương Công Ðịnh, đã tổ chức chống Pháp ở Gò Công. Cùng lúc đó, triều đình Huế đòi Pháp trả lại tỉnh Vĩnh Long, nếu không thì hòa ước trên không thể duyệt y trong vòng một năm. Bonard trả lời rằng nếu Huế muốn lấy lại Vĩnh Long thì họ phải bắt Quản Ðịnh và giải giáp gấp. Cuộc đàm phán gần đến chỗ tan vỡ. Ngày 2/12/1862, sau khi nộp tiền về bồi khoảng chiê 'n tranh cho Pháp, triều đình Huế đòi lấy lại 3 tỉnh miền Ðông đã mất, nhưng Pháp đòi nội trong một tháng, Huế phải duyệt hòa ước.

Ngày 16/12/1862, chiến tranh lại diễn ra ở Saigon, Biên Hòa, Mỹ Tho, Bà Rịạ Vào tháng 2/1863, quân của Quản Ðịnh bị bao vây ráo riết ở Gò Công. Vào lúc này, đại úy Tricault mang đến VN bản Hòa Ước 1862 có chữ ký của vua Pháp. Ðô đốc De la Grandière sang thay thế cho Bonard. Trước khi đi, Bonard hăm dọa triều đình Huế bắt phải ký ngaỵ Vào 2/4/1863, Bonard kéo phái bộ ngoại giao ra Huế và họ đã ký kết vào 14/4/1863. Ngày 19/4/1863, Bonard rời VN về Pháp và chết 6 năm sau đó. Phan Thanh Giản được lệnh dẫn đầu phái đoàn gồm Tả tham tri bộ Lại Phạm Phú Thứ, Án sát tỉnh Quảng Nam Ngụy Khắc Ðản và 63 tùy viên trong số có linh mục Nguyễn Hoàng (Sinh 1839 ở Hà Tỉnh, học ở Penang; sau này phục vụ cho triều đình lên tới quan Phụ tế đại thần vào 1886) và Pétrus Trương Vĩnh Ký (sinh 1837 tại Cái Mơ n, Bến Tre; học trường Penang và biết nhiều thứ tiếng như La- Tinh, Hy Lạp. Pháp, Anh, Tàu và Nhật). Họ tới Pháp vào 9/1863. Sứ mạng của họ là mua chuộc lại 3 tỉnh đã mất. Sau một tháng tới Pháp thì họ mới được Napoléon III tiếp kiến. Theo "Việt Sử Toàn Thư" thì vua Pháp đã nói :"Nước Pháp rất khoan hồng với mọi quốc gia và sẵn sàng bảo vệ các dân tộc hèn yếu, nhưng rất nghiêm khắc với những ai ngăn trở bước đi của nước Pháp." Lúc này, tại Pháp tình hình cũng lắm rối ren, nên việc vùng Viễn Ðông không còn được ưu tiên nữa, ngoại trừ 2 tờ báo L'Union và Le Monde cứ lải nhải bắt chính phủ giữ lại đất đai. Phan Thanh Giản đã gặp được dịp may này nên sau khi thương thuyết, vua Pháp đồng ý trả lại 3 tỉnh miền Ðông, đồng thời tu chính lại hiệp ước 1862. Sau khi trở về, Phan Thanh Giản được cử làm kinh lược sứ 3 tỉnh miền Tây Nam Việt. Lúc đó tại Pháp, chính giới và vua đô `ng ý về một chế độ chiếm hữu thu hẹp (giữ lấy Saigon, Chợ Lớn, Vũng Tàu, giải đất hẹp dọc theo sông Ðồng Nai, bảo hộ 6 tỉnh Nam Kỳ còn việc trực trị thì cho là quá phiền toái). Kế hoạch này được chấp thuận và giữ bí mật; phần lớn của kế hoạch này đều phát xuất từ ý kiến của Trung úy Aubaret, người theo Thủy sư Ðề đốc Bonard trong cuộc hòa đàm 5/6/1862. Vào 5/ 1864, Aubaret và Charles Duval tớI Huế và vào 15/7/1864, Aubaret "ký thuận" về việc cho chuộc lại 3 tỉnh miền Ðông và hứa trình về Pháp để lấy chữ ký của Napoléon IIỊ Theo đó, Pháp chịu trả lại VN 3 tỉnh miền Ðông; bù lại VN phải nhường cho Pháp Saigon, Cô n Ðảo, Mỹ Tho, các cửa sông Tiền và Hậu; các giáo sĩ được tư . do vào VN truyền đạo và được miễn tài phán, nghĩa là VN không có quyền hỏi tội hay bắt bớ mà phải giao hoàn về Pháp để nước này quyết định; nước Nam phải để nước Pháp được quyền bảo hộ cả 6 tỉnh Nam Kỳ và đóng mỗi năm một số tiền thuế. Tuy nhiên, bản giao kèo chỉ là lời hứa hão huyền về phía Pháp vì bên Pháp có nhiều người không muốn trả lại đất. Năm 1864, Chasseloup Laubat dâng sớ yêu cầu vua nhất định không cho chuộc lại 3 tỉnh; vua Pháp xuống chỉ giữ hòa ước 1862 mà thi hành. Trong lúc này, Cao Miên đã ký nhìn nhận chế độ bảo hộ của Pháp vào ngày 11/8/1863 và bí mật ký nhường cho Xiêm La 2 tỉnh Angkor và Battambang. Miên có một vị sư tên là Pu-Cam-Bo đã nổi lên kháng Pháp và chống lại vua Norodom; nhưng sau cùng ông lạibị đồng bào của ông bắt và giết vào tháng 7/1867 để lấy công với Pháp. Pháp bắt đầu nghĩ đến việc chiếm đoạt nốt 3 tỉnh miền Tâỵ Về phía triều đình Huế, họ cũng chuẩn bị quân sự để đối phó. Tổng Ðốc Vĩnh Long mật tấu là Pháp có thể tiến binh đánh Vĩnh Long, và tương lai của An Giang và Hà Tiên rất bấp bê nh. Trước và sau khi hoà ước 5/6/1862 ra đời, ở miền Nam có nhiều cuộc nổi dậy: a. Cuộc khởi nghĩa của Lãnh binh Trương Công Ðịnh (Trương Ðịnh) ở Gò Công, Tân An, Chợ Lớn. Về sau, Ðịnh bị Huỳnh Công Tấn phản và bị tử thương. b. Cùng thời với Ðịnh, Nguyễn Trung Trực tức Quản Lịch nổi lên ở Tân An, Chợ Lớn, Vĩnh Long và Kiên Giang. Tháng 12/1861, Trực và nghĩa quân đã đốt được chiến thuyền L'Espérance của Pháp trên vàm Nhật Tảo (1ơ/1861), bêu đầu thuyền trưởng và thủy thủ. Sau này ông chiếm lại thị xã Rạch Giá, giết nhiều giặc Tâ y, cuối cùng bị bắt và bị tử hình. c. Nguyễn Hữu Huân tức Thủ Khoa Huân khởi nghĩa tại Mỹ Tho, Mỹ Quí, Tam Bình, Thuộc Nhiêu, Rạch Gầm, Cai Lậy, cầm đầu nghĩa quân trên 1000 người, dùng chiến thuật du kích chống Pháp tại că n cứ Ðồng Tháp Mườị Do chính sách bất nhất của nhà vua, Huân bị bắt nộp cho Pháp (1864), bị đày sang đảo Réunion, sau được â n xá. Vào năm 1866, De la Grandière dốc toàn lực thủy bộ binh mới phá tan được căn cứ của ông. Vào 1875, sau khi Pháp hoàn thành việc chiếm Nam Kỳ, Huân lại khởi nghĩa, lại bị bắt và bị hành hình ở Cai Lậy (15/4/1875). Ngoài ra cần phải kể tới Võ Duy Dương tức Thiên Hộ Dương ở Ðồng Tháp Mười, với số quân ít ỏi nhưng làm quân Pháp tử thương rất nhiều; Dương bị bịnh mà chết. Chánh quản cơ Trần Văn Thành nổi lên ở An Giang... Ða số đều theo lịnh vua mà khơ ?i nghĩa, nhưg những cuộc khởi nghĩa này bị bó buộc trong vòng điều đìh. Khi thì có lệnh đánh, khi thì có lệnh thôi, khi thì có lệnh rút đi, lệnh trên thì tiền hậu bất nhất. Phan Thanh Giản lại còn khổ tâm hơn vì ở trong thế trên đe dưới búạ Vào 8/1862, Giản phải ra lệnh cách chức Trương Dịnh và sai chánh quản Trần Văn Thành ở An Giang đem binh sang Ðồng Tháp Mười tróc nã Thiên Hộ Dương. Tổng Ðốc Phan Khắc Thân ở An Giang theo lê .nh triều đình bắt giam Thủ Khoa Huân vì không tuân lệnh ngưng chiến; Huân bị bắt và giao cho Pháp. d. Vào 8/1864, 5000 thí sinh khóa thi Hương tại Nam Ðịnh tự động bãi khóa đòi vua Tự Ðức phải cấp tốc ra quân để chiếm lại Nam Kỳ, đồng thời quay sang chém giết dân công giáo mà họ qui tội là "rước voi về dày mả tổ". e. Vào 9/1864, tại kinh thành, nhóm chủ chiến âm mưu lật đổ Tự Ðức, nhưng bị thất bại. Nhiều việc đã xảy ra dồn dập vẫn không thay đổi được ảo mộng của Tự Ðức là Pháp sẽ bỏ Nam Kỳ, như đã bỏ Quảng Châu của Tàu.

3. Nguyễn Trường Tộ : Theo Lê Văn Siêu ("Văn học sử thời kháng Pháp : 1858-1945"), nguyên cớ của cuộc xâm lăng là thị trường, là thực dân địạ Nhưng lớp sơn hào nhoáng của chính nghĩa bên ngoài là cứu vớt giáo sĩ, giáo dân, đòi quyền tự do truyền đạo, tự do thông thương, khiến cho những người công giáo chân thành yêu nước đành bất lực và mang một nổi oan chưa từng có của lịch sử. Tiêu biểu nhất cho đám người này là Nguyễn Trường Tộ. Ông là một nhà Nho xứ Nghệ, chỉ vì theo đạo Gia Tô mà các bản điều trần thật hay, thật đúng để xin cải cách, tuy hơi muộn vì đất nước đã bị chiếm một mảnh, đã bị bác bỏ. Tộ đã bị nghi ngờ là "một dạ, hai lòng" và triều dình đã đành đoạn xếp các bản điều trần của ông vào một xó. Không cam tâm, ông liên tiếp dâng lên những phương cách cứu quốc và kiến quốc. Vua càng cố chấp và càng nghi kỵ ông nhiều hơ n. Cuối cùng ông đã viết những lời rất đau thương :"Tôi sắp chết rồi đây, tôi bị bệnh tê bại đã liệt người mà vẫn nă `m ngửa mặt để cố viết bản điều trần cuối cùng nữa, xin vua mau mau tĩnh ngộ..." Vậy mà cũng không đem đến kết quả gì, khiến ông thổ huyết mà chết (1871), ôm theo mối hận nghìn đời sang thế giới bên kia. Ngoài ông ra, như đã có dịp nói đến ở trên, ta còn có những nho sĩ khác như Nguyễn Ðức Hậu, Nguyễn Ðiền của xứ Nghệ có dịp du học phương Tây, Ðinh Văn Ðiền ở Ninh Bình, Nguyễn Hiệp đi sứ ở Xiêm, Lê Ðình đi sứ ở Hồng Kông, Phạm Phú Thứ có lần đi với Phan Thanh Giản sang Pháp, Bùi Viện..., ho. đều dâng tấu chương để thuyết phục triều đình. Tất cả những lời trần tình đều bị đám hủ nho coi là...không hợp thời. Có lẽ nước ta đã tới ngày mạt số. Xét về một khía cạnh khác, tinh thần của các bản điều trần của họ chính là tinh thần văn học xứng đáng nhất, yêu nước nhất, tiêu biểu nhất cho một dân tộc đang gặp lúc khó khăn chưa từng thấy. Dù họ thất vọng hoàn toàn, nhưng dựa vào những việc làm tuyệt diệu của họ, cho dù đã bị mất nước gần 100 năm, ta vẫn không bao giờ thấy nhục cho lắm, vì còn có những ánh đuốc ấy để người đời sau vẫn hãnh diện là cả nước không đến nỗi ngu dại quá. Ta trở lại với Nguyễn Trường Tộ. Bàn về tín ngưỡng tôn giáo, trong bản điều trần ngày 29/3/1863, Tộ đề nghị cho tự do tín ngưỡng, theo lòng trời, chớ nghiêm cấm đạo giáo vì chỉ gây lòng oán ghét lẫn nhau trong dân gian. Ông viết : "Từ lúc Thiên Chúa Giáo vào nước ta...nhiều người tin theo. Lúc bấy giờ, giáo dân với dân tam giáo khác (Khổng - Lão - Phật), tín ngưỡng tuy có khác nhau, nhưng vẫn ăn ở với nhau có ân ái, tiếp đãi nhau bằng lễ nghĩa, không có điều hiềm nghi gì, cũng là người dân của một nước.

Từ khi ban hành điều nghiêm cấm đạo giáo, mới sinh lòng ghét lẫn nhau, đi ghét bỏ nhau; rồi sinh ra tội lệ; bấy giờ giáo dân bị rối loạn thất sở, mắc vào vòng tội lỗị Nước vẫn trong, nếu quấy lên cho động thì mới đục; nếu để yên thì lại trong. Giáo dân cũng là người dân trong nước, và cũng là dân của Trời; cư xử liên tiếp với nhau, khi vui, khi buồn có nhau, chẳng lẽ người này động mà người kia yên được sao ? Một nước cũng như một thân người, có một bộ phận nào bị đau thì toàn thân cũng bị bất an. Tuy ngón tay ngón chân mọc thừa là cực vô dụng, mà khi cắt đi còn đau huống chi bộ phận hữu dụng..." Tộ còn biện luận tiếp rằng, theo ông ở các nước Nhật, Cao Ly, Miến Ðiện, Ba Tư, Tây Tạng,...càng cấm đạo thì tân tòng càng nhiềụ Ông lấy thí dụ ở các nước Pháp, Tây Ban Nha, vào thời xưa việc bắt đạo rất dữ dội, nhưng giết 10 người thì có hằng vạn người theo, vua quan rốt cuộc cũng theo tôn giáo ấy... Ông nhìn nhận rằng trong hàng ngũ giáo dân cũng có kẻ bội nghịch, nhưng chỉ là một phần trong trăm ngàn phần thôi, cần phâ n rõ là lỗi của người nào thì người đó chịu, đừng đổ tội cho tất cả. Về phần này ông viết : "Từ cổ tới giờ, các loạn thần tặc tử, người nào chả có học theo Khổng Mạnh, nhưng cũng đánh cắp thánh trí của thánh hiền để mà làm thân đạo tặc của chúng, thế thì lỗi đó tại ai ? Tại người hay tại tôn giáo ? Thế thì cái gì đồng với mình, dù có sinh ra mối tệ hại thì cũng bỏ qua; cái gì khác với mình, thì trở nên hà khắc mà vu cho tôn giáo đó là không tốt, vậy công đạo ở chỗ nào ?" Tộ quả không sợ sắc dụ cấm đạo 1863. Ông là bậc sĩ phu chân chính và sáng suốt. Tấm lòng yêu nước của nhà nho xứ Nghệ này còn được phản ảnh qua bài "Khải Trần Tình", trong đó ông đã phơi bày ruột gan những việc nên canh tân, mong sao cho nước nhà được tiến bộ, theo kịp xứ ngườị Tiếp theo bài này, ngư ời ta thấy ông gởi đến triều đình :

a. Ðiều trần về tín ngưỡng tôn giáo (29/3/1863).
b. Ðiều trần về việc cho học sinh du học ngoại quốc (12/7/1866).
c. Ðiều trần về 6 điều lợi (1/9/1866).
d. Ðiều trần về thời thế (3/9/1866).
e. Ðiều trần về 8 điều cấp cứu (15/11/1867).
f. Ðiều trần về thông thương (30/3/1871).
g. Ðiều trần về tu chỉnh võ bị (19/6/1871).
h. Ðiều trần về tình hình Tây phương (16/9/1871).
i. Ðiều trần về công chính (4/10/1871).
k. Ðiều trần về nhân tài (14/10 và 12/11/1871).
l. Ðiều trần về kinh tế quốc gia (20/8/1871).

Nhìn sơ qua các đề tài trên, ta có thể thấy Tộ đúng là người đi trước thời đại hủ nho, sáng mắt để làm việc lớn, cứu nguy xã tắc. Ta hãy xem quan niệm của ông về kinh tế quốc gia :"Cha mẹ đối với con cái, trước là đẻ ra, nuôi lớn lên, rồi dạy dỗ cho biết cách mưu sinh, để cho thành lập, mới có hy vọng lúc tuổi già. Quốc gia cũng là đại gia đình của muôn dân, không dạy cho dân cách làm giàu, mà chỉ biết thu lấy thuế, không dạy cho dân biết cách dưỡng dục, mà chỉ biết đòi hỏi sự cung cấp mọi khoản, thì gọi là cha mẹ thế nào được ?..."

Theo ông, học không phải để tầm chương, trích cú, để thi cử, rồi làm quan, rồi trà dư tửu hậu với câu đối, câu đáp hoặc thơ thẩn, than mây khóc gió... Tộ muốn học như con ong hút toàn những kiến thức thực dụng, để cho đầy túi khôn, phòng khi gặp chuyện thì ra tài kinh bang tế thế. Tộ cho rằng học như vậy là học cứu quốc; đây là cái học mà hủ nho không dám nghĩ tới.

4. Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây Vĩnh Long - An Giang - Hà Tiên (20-24/6/ 1867) : Nhận được sự bất lực của triều đình Huế, Pháp tiến hành dần kế hoạch tấn công mạnh mẽ bằng quân sự cho tới khi làm chủ bán đảo Ðông Dương. Vào 20/1/1865, La Grandière tuyên bố khô ng trả lại đất cho VN; La Grandière được Chasseloup Laubat mời về Pháp để tham khảo ý kiến; Thiếu tướng hải quân Roze sang thaỵ Ngày 1/4/1865, Roze tuyên bố đất Nam Kỳ vĩnh viễn thuộc Pháp.

Trong lúc đó, tuy triều đình Huế cứ còn mong chuộc lại 3 tỉnh miền Ðông, nhưng vẫn biết thế nào Pháp cũng đánh 3 tỉnh miền Tây, nên vào năm 1866, sai Phan Than Giản vào làm Kinh lược sứ 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ để tìm cách chống giữ.

Vào ngày 14/2/1867, De la Grandière cho Trung úy Monet de la Marek ra Huế đòi tiên bồi thường chiến tranh chưa được thanh toán đúng kỳ hẹn. Triều đình Huế từ chối và nhân dịp đó tuyên bố là khô ng bao giờ nhượng 3 tỉnh miền Tây. Sau khi phái đoàn của Trung tướng Varannes trở về báo cáo về tình hình của Nam Kỳ, Napoléon III ra lệnh xâm lăng 3 tỉnh miền Tây (Hậu giang) của ta.

Từ khi trở lại Việt Nam, Thiếu tướng De la Grandière đã sửa soạn xong chiến dịch và vào các ngày 17 - 18/6/ 1867, từ Mỹ Tho, quân Pháp lên đường với 1000 người Âu và 400 lính tập người Việt. Vào ngày 22/6/1867, quân Pháp tiến đánh Châu Ðốc. Trần Văn Thành rút về Tri Tôn tiếp tục chiến đấu, nhưng ngày 20/2/1872, Trần Bá Lộc hướng dẫn Pháp phá tan căn cứ của Thành; Thành tử trận, nghĩa quân tan rã. Vào 23/6/1867, Hà Tiên thất thủ, nhưng Nguyễn Trung Trực rút về đánh Rạch Giá, chiếm đóng được 7 ngày rồi rút về Phú Quốc. Nguyễn Công Tấn và Ðỗ Hữu Phương dùng mưu độc bắt mẹ của Trực làm con tin và kêu ông đầu hàng. Trực chịu tử hình ở chợ Rạch Giá ngày 27/10/1868. Nghĩa quân của ông vẫn tiếp tục chiến đấu dưới sư . thống lãnh của Ðỗ Thừa Luông và Ðỗ Thừa Tự; cuối cùng đám nghĩa quân này cũng bị diệt vào năm 1872.

Tại Vĩnh Long, lợi dụng sương mù, quân Pháp và các pháo thuyền đóng sẵn ở ngoài thành Vĩnh Long bất chợt tấn công quân ta. Nữa giờ sau, thành thất thủ. Bộ Tham Mưu Pháp nhờ linh mục Legrand de la Liraye đem tối hậu thơ vào thành buộc phải nộp Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Sau cùng, Phan Thanh Giản vừa uất ức, vừa tức giận vì biết mình vì quá mê muội nên bao phen bị Pháp phỉnh gạt, nhịn ăn 7 ngày nhưng không chết, ông phải uống thuốc độc tự vận ngày 7/8/1867, thọ 74 tuổi.

Vua Tự Ðức hay tin, nổi giận về việc thất thủ miền Tây, liền cho lột hết chức tước của Giản và đục bỏ tên ông ở bia tiến sĩ. Kể từ đó, đất Nam Kỳ hoàn toàn trở thành thuộc địa của Pháp, thuế má, luật lệ, điều gì cũng do súy phủ ở Saigon định đoạt.

5. Tình hình công giáo ở miền Nam (1862-1868) : Trước khi có hòa ước 1862, giám mục Lefèbvre đã bắt đầu tổ chức công việc trong địa phận Saigon. Các bà phước dòng thánh Phao-lồ đã có mặt tại đây vào năm 1860. Lefèbvre đã vận động cho các bà phước dòng Carmel lập tu viện và chấp thuận cho những sư huynh De La Salle đến để giáo dục cho nam học sinh. Lefèbvre là con người rất điềm tĩnh, hiền lành nhưng có lúc người ta thấy ông xung giận trước các việc làm bậy bạ của những sĩ quan Pháp. Chính 4 năm hoà bình, 1860-1864, việc chung sống với những người đồng hương của ông đã làm ông già hơn so với 25 năm sống dưới thời cấm đạo. Chán nãn, Lefebvre đã xin tòa thánh được từ chức giám mục và trở về Pháp vào cuối nă m 1864. Giám mục Miche lên thay ông cai quản địa phận Saigon. Theo Louvet ("La Cochinchine Religieuse"), có một vụ sát hại công giáo xảy ra tại Thủ Dầu Một vào năm 1868. Vào 7/1868, tại họ Thị Tính phía Bắc Saigon, một vị sư tên Thác đã dẫn đầu một toán binh đánh đồn Thị Tính, giết một hạ sĩ quan, 3 binh sĩ rồi chiếm đồn. Xong xuôi họ đi bắt tất cả công giáo sống chung quanh đồn và buộc họ xuất giáo. 2 người tân tòng bị xô ngay vào trong lều đang bốc cháy vì họ không chịu bỏ đạo. Các người công giáo còn lại, gồm 12 người đàn ông, 4 người đàn bà và 8 trẻ con, bị đem ra xử trước mặt vị sư kiạ Tất cả bị vứt xuống giếng sau khi đã bị chém...

Cấm đạo dưới thời Văn Thân (1864-1888) Văn Thân là một hạng người rất sùng bái Nho học trong xã hội ta vào lúc đó; họ cũng có thể được gọi tạm là yêu nước, nhưng quá khích. Chỉ với một mớ chữ Nho, họ cho mình văn minh hơn ngư ời, cho cách giải quyết của kẻ khác là saị Trong "Việt Nam Sử Lược", Trần Trọng Kim phê bình họ :"Nước ta mà không chịu khai hóa như các nước khác là cũng bởi bọn sĩ phu cứ giữ thói cũ, không chịu theo thời thế mà thay đổị Nay sự suy nhược của mình đã sờ sờ ra đấy, thế mà cũng không chịu mở mắt ra mà nhìn, lại vì sự tức giận một lúc mà làm việc nông nổi, càn dỡ để cho thiệt hại thêm." Ðám người này lúc đầu chưa được sự đồng tình của vua nên chỉ tàn sát công giáo lẻ tẻ vài nơi, nhưng sau khi vua Hàm Nghi dẫn đầu phong trào Cần Vương thì cuộc tàn sát lan tràn từ Trung ra Bắc; riêng ở Nam có người Pháp chiếm cứ nên Văn Thân không hoạt động được.

1. Hoạt động của Văn Thân trước khi Hàm Nghi chạy trốn(1864-1885) :

a) Âm mưu nổi loạn của Văn Thân ở Huế (1864-1865) : Tại Huế, giám mục Sohier đang tổ chức lại cộng đồng công giáo. Triều đình Huế cực chẳng đã phải tôn trọng tự do tín ngưỡng. Thấy thế, đám Văn Thân tố cáo Tự Ðức nguội lạnh trong việc nước, hèn nhát nhượng bộ cho Pháp 3 tỉnh ở miền Nam. Saigon là nơi có nhiều lăng tẩm của tổ tiên họ Nguyễn, nhưng đã nằm trong tay Pháp. Văn Thân dựa vào đó cho Tự Ðức không còn là Thiên Tử, không còn xứng đáng ngồi trên ngai vàng nữa. Như đã đề cập ở trên, vào cuối 1864, nhân dịp kỳ thi ở Huế, 4000 Văn Thân âm mưu nổi loạn. Hầu hết các quan đại thần trong triều và ngay những người trong hoàng tộc cũng ủng hộ âm mưu này. Theo kế hoạch thì Văn Thân sẽ được võ trang, xong xuôi họ sẽ đi tiêu diệt các thừa sai và các tín hữu công giáọ Màn thứ hai là đánh đuổi Pháp ra khỏi Saigon. Vua phải chấp thuận kế hoạch, nếu không ông sẽ bị truất phế. Theo Louvet ("La Cochinchine Religieuse"), một tờ sớ do đại diện của nhóm này dâng lên vua kể lại tất cả nỗi khổ của dân từ mấy năm nay : giặc trong, giặc ngoài, dịch tả, đói khát, mất mùa. Tất cả đều do bọn công giáo gây ra vì chúng đã cấu kết với ngoại quốc, vì chúng mà Trời đã xuống họa cho dân Việt. Bây giờ thì còn kịp bằng cách giết cho sạch bọn công giáo, bằng khô ng về sau, khi chúng đông lên, chúng ta chỉ còn ngồi mà chờ chết. Còn việc ký kết với bọn phương Tây là việc điên rồ, không nên để cho dân 3 tỉnh miền Nam sống khổ sở. Phan Thanh Giản và đồng bọn ký hiệp ước 1862 là những kẻ ngu xuẩn và phản bộị Vì vậy chúng ta không nên theo chúng.

Ðối với các thừa sai : hãy giết chúng, vì chúng đã khuyên bảo giáo hữu cầm khí giới chô 'ng lại triều đình. Do sự rộng lượng của Hoàng thượng mà bọn thừa sai đã vào lại VN; từ ngày đó đến nay, chúng đã tổ chư 'c những cuộc âm mưu này đến âm mưu khác. Giám mục Sohier đi Pháp, đó chỉ là tin vịt do bọn công giáo tung ra trong khi ông ta vẫn còn trốn trên núi với các thầy giảng và các chủng sinh. Hằng ngày, Sohier dạy cho người công giáo cách xử dụng vũ khí tối tân theo lối Âu Tâỵ Các thừa sai đem tới các đại bác bằng gỗ vừa mới phát minh ở phương Tây, dân chúng ở vùng quê đã nghe tiếng đại bác ấy trong những buổi tập dượt . Hơn nữa, trong khắp các tỉnh, bọn công giáo đã làm hằng ngàn chiếc gông để đeo vào cổ những người lương không chịu theo đạo công giáo. Với những lý lẽ trên, Văn Thân yêu cầu nhà vua cho họ khí giới đầy đủ để cứu tổ quốc đang lâm nguy.

Nếu vua không ban phép, họ sẽ không thi cử gì nữạ Bây giờ không còn là lúc ngâm thơ vịnh phú, nhưng là lúc phải hành động. Ðọc xong tờ sớ, Tự Ðức bàng hoàng và cất chức các quan ở Huế đã không cho ông biết âm mưu này của bọn công giáo. Ðồng thời, ông truyền các Trấn Thủ các tỉnh thân chinh đi khám xét các nhà công giáo để tịch thu khí giới và đạn dược. Mỗi xóm làng đều có tổ chức một đội binh không công giáo để sẵn sàng thi hành mệnh lệnh của triều đình.

Thiết quân luật được ban ra. Ðêm đến, người ta nghe tiếng trống, tù-và, rồi từng đội lính hì hục rảo bước từ thôn này đến thôn khác. Các Trấn Thủ tới nhà thờ, nhà công giáo kiểm soát gắt gao, nhưng họ không tìm thấy khí giới hay đạn dược gì cả; lúc đó họ mới tin là người công giáo bị vu oan. Tuy nhiên, vì sợ vua và sẵn dịp làm tiền, họ đã đánh đập bổn đạo để họ lòi tiền ra. Trong lúc đó, thấy triều đình làm như thế tưởng là ủng hộ phong trào của mình, đám người Văn Thân, đem luật pháp vào tay, đi dốt nhà của thừa sai Bernard và một nhà thờ tại Huế. Bernard viết thơ lên huyện, nhưng không ăn nhằm gì; ông lại viết thơ lên Thượng Thư bộ Lại (Bộ Ngoại giao). Triều đình bối rối và trả lời ông rằng đó là việc ngoài ý muốn, vả lại bọn cướp quá đông và quá táo bạo, triều đình chưa dẹp nổi. Sau đó, họ cử người tới canh giữ dinh giám mục. Theo sự điều tra của triều đình Huế, 7 người đốt nhà bị bắt và họ khai : Văn Thân âm mưu giết hại người công giáo; truất phế Tự Ðức nếu ông không chấp thuận kế hoạch. Ðây là lời khai trước tòa, không thể giấu giếm vua, nên họ phải trình lên vuạ Tự Ðức ra lệnh bắt tất cả thủ lãnh và giết chết. Những nhóm người thuộc phong trào này không được ra khỏi khu vực mình ở, bất tuân sẽ bị tù.

b) Tự Ðức tỉnh mộng ?

Sắc dụ 1867 Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, chỗ nào cũng đồn rằng Tự Ðức bênh công giáo, muốn theo công giáọ Rồi bỗng nhiên có tiê 'ng đồn rằng trong một đêm nọ, Tự Ðức đến họ Kim Long để được rửa tội và sắp hạ dụ bắt toàn dân theo đạo, tận diệt những người không theo đạọ Thật ra, đây là sắc dụ ra sau lúc khám phá được âm mưu của Văn Thân. Dụ này cho thấy phần nào cách nhìn hơi khác về công giáo của Tự Ðức và có thể đây chỉ là một biểu lộ hòa hoãn về chính trị của ông trước tình hình mới. Theo Louvet ("La Cochinchine Religieuse"), sắc dụ 1867 này như sau : "Lúc Trẫm còn niên thiếu, Trẫm đã được hân hạnh kế vị các Tiên Ðế để làm phụ mẫu của dân, vì vậy đối với Trẫm, mỗi người dân trong nước đều là con cái của Trẫm. Nhiều khi con cái ăn ở tốt lành, nhưng cũng lắm lúc chúng ăn ở ngang tàng xấu xa, bổn phận của kẻ làm cha mẹ là phải biết dạy dỗ và sửa phạt chúng, nhưng sau khi đã sửa phạt, cha mẹ phải thương mến con cái như trước. Nếu cha mẹ đánh nó là vì muốn cho nó nhận lỗi và hối cải ăn năn. " Cách đây vài năm, Pháp và Tây-Ban-Nha đã đến chiếm đất đai của chúng ta, để kháng cự lại, chúng ta đã phải chịu bao nỗi khó khăn, các quan tâu với Trẫm rằng : "Chính bọn công giáo vì không được tự do giữ đạo đã cầu cứu 2 nước ấy". Do đó, các ông bảo phải phân sáp, phải giam tù tất cả những người công giáo để tránh một tai họa lớn laọ Vì báo cáo sai lầm và đầy mâu thuẫn, tình thế lại bấp bênh, Trẫm không biết đâu là sự thật, không biết phải nghe ai, nên Trẫm và các quan đại thần đã dùng những biện pháp nghiêm ngặt. "Trẫm là phụ mẫu của dân, Trẫm nở nào sát hại những người dân, người con trong nước. Có những quan yêu cầu giết sạch dân công giáo, nhưng Trẫm không thể chấp nhận một biện pháp như vậy, Trẫm đã dùng một biện pháp nghiêm ngặt nhưng vừa phải, là biện pháp Phân Sáp dân công giáo (note : vừa phải, nhưng hàng chục ngàn dân công giáo bị giết). Như thế dân chúng biết lòng Trẫm độ lượng đến bực nào ? "Những người có phận sự phải thi hành sắc dụ của Trẫm dạy, có nhiều ông quan đã dùng dịp này để làm khổ dân đến cực độ. Trẫm rất lấy làm đau lòng vì những hành động trên, lúc hòa bình về lại, Trẫm đã cấp tốc truyền cho giáo dân về quê hương xứ sở để giữ đạo của mình. "Dầu vậy, ở trong nước vẫn có bè đảng, có những đảng thấy mình được che chở (note : ám chỉ công giáo) thành thử trở nên kiêu căng tìm cách báo thù, làm cho cả toàn dân phải than phiền, đảng khác (note : Văn Thân) ghét chúng và tìm mọi cách để phá hại. "Phần các người công giáo, Trẫm nhận rằng : công giáo ở vào một tình thế đau đớn, nhưng dù sao sự trung thành của công giáo đối với đạo và luật nước làm Trẫm hết sức khâm phục. Trong cách đối xử, Trẫm sẽ không phân biệt lương hay giáo, nếu công giáo còn giữ một mối thù, tức nhiên công giáo không theo lệnh vuạ Công giáo sẽ là phiến loạn; đã là phiến loạn thì còn gì là công giáo nữa ?. "Hãy lo tập mình đi đến chỗ toàn thiện ngõ hầu Trời có thể nhận lời cầu xin của dân công giáo. Theo những nguyên tắc của công giáo, chúng ta không bận tâm đến danh vọng, đau khổ, khinh chê, phỉ báng. "Còn Văn Thân, không hiểu các ông đã học ở sách nào để vi phạm luật nước bằng cách tập trung trong các làng để giết hại người công giáọ Các triết gia đã lên án vũ lực, các ông khô ng có quyền hoạt động như thế. "Nếu hoạt động vì thù hằng nhau, không những người này sẽ nuô 't người kia, như cá lớn nuốt cá bé ở ngoài biển, mà có khi sẽ nổi lên chống chính quyền, như vậy sẽ gây ra không biết bao là tai hạị Ai sẽ chịu trách nhiệm về những vụ lộn xộn, phải chăng là Văn Thân ? "Các ông đã làm báo cáo công giáo âm mưu nổi loạn, nhưng vô bă `ng cớ, cái có bằng cớ là Văn Thân, người có chữ nghĩa sao lại có thể ăn ở như thế được ? "Người công giáo đã bị bạc đãi, nhưng không phải vì họ không có lỗi, vì họ đã theo một thứ đạo khác hẳn với đạo của chúng ta, làm chúng ta nghi ngờ họ. Nay hòa bình đã trở lại, lòng người công giáo hân hoan và họ đã quên hẳn tất cả những nỗi đau khổ nhục nhã của họ, vậy sao Văn Thân còn sợ công giáo thù oán ? Một người công giáo ,trước khi hành động, phải suy xét công việc mình có được phép làm hay không. Nếu người công giáo không tuân theo luật, người ấy đã phạm lỗi với đạo, vả lại, triều đình có đủ sức để dẹp yên mọi cuộc âm mưu dấy loạn." Có nhiều điều Tự Ðức nói sai lạc, nhưng rõ ràng ông đã tỏ một thái độ với Văn Thân là những người lật đổ ông chớ không phải công giáo. Sau vụ Văn Thân nổi loạn, người ta thấy triều đình thay đổI cách đối xử với công giáo . Khi giám mục Sohier vừa về tới Huế thì Tự Ðức sai đại thần tới chào đón Sohier. Thấy thái độ của Tự Ðức ôn hòa hơn, Sohier xây một ngôi nhà thờ, tổ chức cuộc rước kiệu Thánh thể; mỗi năm cuộc rước được tổ chức một lần và diễn biến này không thấy có phiền hà tới aị Trong lúc Tự Ðức tôn trọng tự do tín ngưỡng như vậy thì bỗng nhiên ông nhận được bức thơ báo rằng, khi từ Pháp trở về, Sohier đã mang theo thuốc độc để mưu giết vua và đình thần; xong xuôi, dân công giáo sẽ cướp ngôi, quân Pháp sẽ phụ một tay giết người lương. Tự Ðức nói mỉa với các quan :"Vì các ông sợ thừa sai bỏ độc, tôi cấm ngặt các ông đến với các thừa sai". Từ ngày VN ký hoà ước với Pháp, triều thần không bao giờ thấy Tự Ðức mỉm cười. Vào năm 1862, mới 33 tuổi mà tóc ông đã bạc. Sắc dụ 1867 ở trên có thể đã cho thấy Tự Ðức bắt đầu nhìn nhận lỗi của mình để cho Trời giáng họa xuống cho dân hay đây chỉ là thế hòa hoãn của triều đình khi quân Pháp đã chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ vào 1867 ? Có thể ông đã tĩnh thức không những về tôn giáo mà còn về chính trị; đó là do tình thế đưa đẩy hay là do những bảng điều trần đã gợi cho ông những gì ? Nhưng dù có thật sự như vậy đi nữa, một mình ông không làm gì nỗi khi bao quanh ông có biết bao hủ nhọ Thí dụ như có lần ông yêu cầu chính phủ Pháp mời các sĩ quan Pháp tới Huế để lập một trường võ bị, đồng thời nhân giám mục Gauthier về Pháp, Tự Ðức yêu cầu Gauthier chiêu mộ giáo sư đến VN để mở một đại học theo lối Âu Châu tại Huế. Các quan trong triều đình hẹp hòi và phản đối quyết liệt; sự việc này đã làm các sĩ quan Pháp khó chịu bỏ đi. Vào năm 1869, Tự Ðức ra 2 sắc dụ khác bảo vệ cho người công giáo. Trong sắc dụ thứ nhất, ông cho phép công giáo được tụ họp, lập làng riêng biệt tùy họ. Trong sắc dụ thứ hai, ông cấm không ai được quấy rầy công giáo khi họ hành lễ, không được nhục mạ họ. Chính Gia Long mà còn chưa bao giờ làm ra các sắc dụ bảo vệ công giáo như thế. Chỉ tiếc là Tự Ðức lên làm vua khi còn quá trẻ (19 tuổi); ông và triều thần của ông đã phạm nhiều sai lầm; nay sự thù hằn mà chế độ của ông đã gieo vào lòng dân khó mà được tẩy sạch trong phút chốc. Nói cách khác, ông không còn đủ uy tín để bắt các quan và dân chúng theo những huấn lệnh của ông nữa.

c) Văn Thân hoành hành ở Nam Ðịnh (1868) : Từ lúc Pháp chiếm 3 tỉnh miền Nam thì Văn Thân ở Bắc không còn muốn nghe lệnh của triều đình Huế nữa. - Ninh Bình và Nam Ðịnh, Văn Thân tự tổ chức những đội quân lưu động đặt dư ới quyền của quan hồi hưu mà dân gọi là Hoàng Giáp Tam Ðăng (Morey : "Mgr. Theurel"; Ravier : "Sử ký hội thánh"). Tam Ðăng có uy thế vì đa số các quan chức, tú tài cử nhân là cựu học sinh của ông. Triều đình không ưng thuận việc tổ chức này, nhưng họ cứ làm lơ. Ngày 14/1/1868, họ vây dánh làng Kẻ Trình và các họ đạo ở Nam Ðịnh, đốt nhà thờ, nhà dòng của bà phước và 30 nhà của dân công giáo. Công giáo kháng cự và bắt 2 Văn Thân, trong số đó có ông Tú Ðường. Vua đã "xử hòa" bằng cách tha Tú Ðường và phạt cha xứ của Kẻ Trình. Thấy tình hình căng thẳng trở lại và lo sợ bị cấm đạo lần nữa có liên hệ tới sinh mạng nên các giám mục vội truyền chức cho các giám mục phó : Rianho Hòa ở Trung Bắc Việt, Croc và Puginier ở Tây Bắc Việt. Trước khi chết, giám mục Theurel đã truyền chức cho Puginier. Quân Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất Theo Cao Huy Thuần trong "Ðạo Thiên Chúa và Chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam" thì việc Pháp ra Bắc kỳ không phải vì lý do tôn giáo mà là vì thương mạị Bắc Kỳ ở cạnh Trung Quốc với số dân 400 triệu và đã làm cho các nước phương Tây thèm muốn. Con dường buôn bán thực sự chính là thung lũng Bắc Kỳ. Những tập sách đẹp đẻ do Doudart de Lagrée (một Trung tá hải quân được đô đốc De la Grandière gởi đi quan sát đường thông thương sang nước Tàu dọc theo sông Cửu Long; sau, mất vì bịnh gan trong cuộc hành trình) và Ðại úy Garnier, ấn hành vào 1869 cho các nhà buôn Pháp ơ ? Lyon, Bordeaux, Marseilles thấy rằng Hồng Hà (Nhị Hà) là con đươ `ng ngắn nhất để đi vào xứ Vân Nam, chớ không phải sông Cửu Long. Do đó cần phải can thiệp vào Bắc Kỳ. Thuần cho rằng giới cầm quyền Pháp ở Nam Kỳ càng bị thúc đẩy vào con đường can thiệp vì bị các vị truyền đạo ở Bắc Kỳ trình bày cho họ một cách hoang đường là dân chúng Bắc Kỳ như muốn thoát ra khỏi triều đình Huế. Tin vào chuyện "dựng đứng" đó mà chính quốc Pháp quyết định mở cuộc xâm lăng, mặc dù rằng bên Pháp đang có khuynh hướng không muốn can thiệp vì đang gặp khó khăn với Ðức. Ðô đốc Dupré là người tạo ra sáng kiến chiếm Bắc Kỳ; tuy thất bại, nhưng thanh thế của Pháp tại Nam Kỳ lại vững mạnh hơn trước. Cũng theo Thuần, việc Pháp rút ra khỏi Hà Nội gặp sự chống đối "dữ dội" của giám mục Puginier của Hà Nội và các nhà truyền giáo khác. Thuần cho rằng Puginier "đã đóng góp tích cực vào việc các con chiên tiếp tay cho quân đội xâm chiếm". "Hành vi bán nước đó là nguồn gốc các sự xáo trộn đẩm máu giữa người giáo và lương, làm cho đất nước đắm chìm trong sự rối loạn không tả xiết." Ðiều 9 trong hiệp ước 1862 công nhận cho đạo Gia-Tô và các vị truyền giáo một sự tự do quá lớn, đã tạo sự khó khăn giữa người VN khác đạo, cũng như giữa triều đình Huế và nhà cầm quyền Pháp. Việc thống nhất dân tộc bị đổ vỡ : xứ sở chia làm hai phe đối nghịch nhau, "phe Thiên Chúa" vô cùng nhỏ bé nhưng lại được các vị truyền đạo đoàn ngũ hóa mạnh mẽ và được quân đội Pháp giúp đỡ, và "phe sĩ phu" lãnh đạo cuộc kháng chiến chống lại xâm lăng của ngoại bang. Theo Thuần thì vấn đề Bắc Kỳ chỉ được giải quyết dứt khoát do hiệp ước bảo hộ được ký kết 10 năm sau vụ xâm lăng dang dở này. Theo như phê bình như trên của Cao Huy Thuần thì ta thấy ông không để ý gì tới tình hình bên công giáo; tất cả người bên triều đình và Văn Thân được tôn sùng là "giới sĩ phu", đúng ra là hủ nho chứ không phải là sĩ phu chân chính và yêu nước, yêu đô `ng bàọ Những việc làm bậy bạ, tàn ác, "nông nỗi, càn dỡ" (lời của Trần Trọng Kim), giả điếc đã đem nước nhà tới chỗ không thể cứu vãn. Ðoàn kết để dốc toàn lực đánh tan quân Pháp thì không làm, chỉ có dịp là đi giết người công giáo, như vậy có ích lợi gì ? Họ muốn hợp tác chống Pháp thì không tin vì lòng của "sĩ phu" thì chứa đầy nghi kỵ và hận thù, cho công giáo nói chung là đồ phản quốc. Thật đáng tiếc cho một cuốn sách trình luận án tiến sĩ mà chỉ nói có một chiều, không giúp ích gì nhiều cho hậu thế có một cái nhìn khách quan về những lý do nào mà đất nước ta đi vào tình trạng như thế. Không bài học nào được rút ra nếu ta không nhìn từ nhiều phíạ Nguyễn Trường Tộ đi trước gần 200 năm mà còn thấy được lý do tại sao có cảnh quốc phá, gia vong; thấy cảnh nước nhà như thế, ông đành ấm ức và hộc máu mà chết. Tộ đã thấy rằng chính quyền cần phải thành tâm đoàn kết lương giáo, thực sự yêu dân yêu nước, càng không phải chỉ vì bảo vệ ngai vàng, phải canh tân và đoàn kết chớ không phải là bảo thủ và chia rẽ, không phải là tàn sát đồng bào; như vậy mới có thể đối diện với bất cứ kẻ thù nào; càng không nên mị dân hay coi họ như những con rốị Ðó mới là quốc sách cứu quốc; người làm điều đó thật sự mới đáng được gọi là sĩ phu, vang danh muôn thuở. Jean Dupuis và Francis Garnier : Jean Dupuis (Từ-Phổ-Nghĩa) là một thương gia Pháp. Vào năm 1860, Dupuis theo quân Anh - Pháp sang đánh Trung Hoa rồi ở lại buôn bán. Khi tỉnh Vân Nam có giặc, Dupuis xin quan Tổng đốc cho đem khí giới đến bán để đổi lấy kẽm Vân-Nam. Dupuis cũng biết sông Hô `ng là đường tiện lợi qua Vân Nam. Tuy nhiên, vì hòa ước 1862 chỉ cho Pháp buôn bán ở 3 cửa biển Ðà Nẳng, Ba Lạt và Quảng Yê n, nên vào 1872, Dupuis về Paris bổ hàng và nhân dịp đến xin Bộ trưởng Hải quân Pothuau giúp sức. Pháp đang đụng độ với Ðức nên Pothuau hứa chỉ giúp phần nào hay phần nấy; mọi nguy hiểm, Dupuis phải gánh lấy. Trở lại Viễn Ðông, Dupuis tới Nam Kỳ và được thiếu tướng lục quân d'Arband hứa hằng tháng sẽ cho tàu thủy liên lạc với Dupuis. Vào tháng 11/1872, Dupuis đem 3 chiếc tàu chở đạn dược đến Hải Phòng, rồi định dùng sông Hồng đi Vân Nam. Dupuis có yết kiến Lê Tuấn, Trấn thủ Hải Dương; Lê Tuấn không cho phép Dupuis làm chuyện nàỵ Dupuis vận động nhà đươg cuộc VN xin triều đình Huế để ông tiếp tục cuộc hành trình. Chờ khoảng 2 tuần lễ mà vẫn không thấy giấy tờ gì từ Huế, Dupuis tự tiện cho thuyền chạy lên Hà Nội, trái với luật lệ của nước ta. Sự xuất hiện của Dupuis ở Hà Nội làm quân ta ngạc nhiên và họ điều động binh sĩ để đề phòng. Tới đây, Dupuis cũng xin phép, nhưng quan Khâm mạng Nguyễn Tri Phương nhất định không cho đi và trả lời phải đợi lệnh của triêu đình. Lúc này Dupuis chợt nảy ra ý kiến gặp giám mục Puginier làm trung gian cho việc thương lượng. Các quan viết thơ rất lịch sự mời Puginier từ Kẻ Sở tới Hà Nội; kể từ đó, Puginier được mời đến Hà Nội nhiều lần theo lời yêu cầu của các quan VN để dàn xếp vụ Dupuis. Các quan mong rằng Puginier sẽ thuyết phục Dupuis bỏ ý định đi Vân Nam dọc theo sông Hồng, là việc mà nhà đương cuộc VN khô ng thể cho phép, không phải vì họ muốn làm khó dễ hay vì xảo trá như các sử gia Pháp thường nói (Louvet : "Vie de Mgr. Puginier"), như ng vì các quan ta nhận thấy trong đoàn thuyền của Dupuis có 2 chiêc pháo hạm kéo theo sau một chiếc ghe khổng lồ chở 7000 súng trường hiệu Chassepot, 30 khẩu đại bác và 15 tấn đạn được (Maybon : "Souvenirs de l'Annam et du Tonkin"; Schreiner : "Abrégé de l'Histoire d'Annam"). Nhà đương cục Hà Nội trông cậy Puginier dùng thế lực của mình khuyên dụ Dupuis ở lại chờ giấy phép của triều đình Huế. Ðó là điều hữu lý vì không có chính phủ nào cho phép người ngoại quốc được tự do chuyên chở khí giới lưu thông trong nước mình mà không có giấy phép. Có lẽ Puginier chưa hiểu rõ tình thế nên yêu cầu nhà chức trách cứ để cho Dupuis tự do lưu thông trên sông Hồng; có thể Puginier nghĩ rằng như vậy sẽ có lợi cho 2 bên. Kế đó, lúc tướng Hoàng Kế Viêm vâng lệnh triều đình Huế tới Hà Nội và bàn chuyện cùng giám mục Puginier giúp dàn xếp vụ Dupuis, nhưng Dupuis không nghe, lại hăm dọa bắt cả quan thuyền ta nếu tàu y không lên sông Hồng được. Dupuis và doàn tùy tùng lộng hành quá sức tưởng tượng, nhưng quan ta vẫn lúng túng không biết xử thế nào vì ý của triều đình Huế là phải dè dặt, còn Dupuis thì đang khiêu khích. Dupuis nhất định làm theo ý mình bằng cách tiếp tục cho thuyền tiến lên Vân Nam, nhưng dọc đường bị quân ta nã súng hăm dọa nên cả đoàn phải lui về Hà Nội. Trước đó, Dupuis đã phái Millot, một thương gia ở Thượng Hải đi cùng chuyến với Dupuis, về Saigon cầu cứụ Cùng lúc việc Dupuis xảy ra, De Chappelaine, lãnh sự Pháp ở Quảng Ðông, dựa theo lời Millot trình bày, đã gởi thơ về Bộ ngoại giao Pháp là khuyê n nên đem ít chiếc tàu và một đại đội quân qua Bắc Kỳ, "đã có 6000 dân công giáo trong nước giúp sức". Tuy chính phủ Pháp đã ngăn cản hành động chiếm Bắc Kỳ, nhưng Dupré trả lời rằng ông sẽ tùy theo sự tình, cơ hội mà tuân lệnh Bộ Ngoại giao, và ông cũng hiểu biết trách nhiệm của ông lắm, rồi tiếp tục lo can thiệp vào việc Bắc Kỳ. Vả lại lúc đó triều đình Huế và Pháp đang điều đình về một hòa ước nhượng 3 tỉnh miền Tây, nhưng vua quan ta dần dà chưa chịu, Dupré dùng vụ Dupuis để bắt triều đình Huế chấp nhận hòa ước. Lúc đó, để câu chuyện đươc ổn thỏa, chính quyền VN kêu đến chính phủ Pháp để giàn xếp vụ Dupuis. Không ngờ Pháp lấy dịp này để chiếm Bắc Kỳ. Theo Louvet trong "Vie de Mgr. Puginier" thì trong một bức thơ Garnier gởi cho giám mục Sohier ở Huế viết tại Saigon đề ngày 6/10/1873 đã cho ta biết rõ âm mưu của Pháp đối với Bắc Kỳ là muốn tạo ảnh hưởng của Pháp tại lưu vực sông Hồng và chuẩn bị cho việc bảo hộ. Ðô đốc Dupré, đang cầm đầu lực lượng Pháp tại Saigon, bề ngoài thì có vẻ như không thừa nhận việc làm của Dupuis, nhưng Dupré đã ngầm giúp Dupuis để mở con sông Hồng cho tàu buôn Pháp, vì Dupré đã nhờ Hong Kong and Shanghai Banking Corporation để cho Dupuis một số tiền là 30,000 quan (Louvet : "Vie de Mgr. Puginier"). Dupré đã không đem việc này ra với nhà đương cuộc VN vì ông ta đang thương thảo với họ. Hòa ước 1862 đã trở thành vô giá trị vì Pháp đã vi phạm hòa ước bằng cách dùng võ lực chiếm luôn 3 tỉnh miền Tây của VN vào năm 1867. Ðang lúc 2 chính phủ đang thương thuyết thì Dupré cứ tiếp tục đi Vân Nam rồi trở về Hà Nội với 150 lính Tàụ Thâ 'y thế, nhà đương cục Hà Nội đã tịch thu thuyền của Dupuis. Theo lời yêu cầu của VN, Dupré gởi Francis Garnier đến Hà Nội để "đuổi Dupuis ra khỏi Bắc Kỳ", vì sự hiện diện của Dupuis ơ ? đây là bất hợp pháp, chính Dupré cũng công nhận như vậy (Louvet :"Vie de Mgr. Puginier"). Thật ra sứ mạng của Garnier đâu chỉ có thế, Dupré còn giao cho Garnier sứ mạng dùng võ lực bắt ép VN phải để cho tàu lưu thông trên sông Hồng. Nhiều hồ sơ đã chư 'ng tỏ là Pháp muốn dùng vũ lực để can thiệp vào nội bộ của nước ta. Dupré đã viết nhiều bức thơ cho các giám mục Bắc Kỳ xin cácngài và dân công giáo "ủng hộ Garnier" trong sứ mạng nàỵ Nhận được thơ của Dupré, các giám mục phân vân và lo lắng, nếu có chiến tranh giữa VN và Pháp, số phận long đong của người công giáo sẽ càng thê thảm. Biết thế, giám mục Colomer Lễ đã trả lời cho Dupré là ông và các bổn đạo của ông hoàn toàn nằm ở ngoài vòng những biến cố chính trị đang xảy ra và sẽ xảy ra sau này; ông cũng cho Dupré hay là bổn đạo của ông không thể cộng tác vào công việc này được. Giám mục của vùng Trung Bắc Kỳ cũng tỏ cùng một thái độ tương tợ. Ðại úy Garnier (An Nghiệp) là một sĩ quan trẻ tuổi (34 tuổi), thông minh, nhiều tham vọng, can đảm đến độ liều lĩnh. Garnier đã dự vào đạo quân của đô đốc Charner đánh Tàu và Nam Kỳ (1860- 1861). Phục vụ dưới thời của De la Grandière, Garnier làm thanh tra tập sự ở Chợ Lớn, và vào năm 1866 có tham gia phái đoàn đi thám hiểm sông Cửu Long. Trong khi đó, ở ngoài Bắc, Dupuis đang làm mưa làm gió. Thật ra vụ Dupuis hống hách nằm trong kế hoạch của Dupré. Theo "Việt Sử Toàn Thư", khi triều đình Huế gởi Nguyễn Tăng Doãn, Lê Tuấn và Nguyễn Văn Tường vào Nam lo vụ thương thuyết về 3 tỉnh miền Tâ y và sẵn dịp yêu cầu Dupré can thiệp, ông ta liền điện về Paris như sau :"Việc Jean Dupuis đã thành công, cần chiếm Bắc Kỳ để mở đường thông thương sang Tàụ..Không cần viện binh, xin cho tự tiện, nếu hỏng việc thì xin chịu lỗi." Nhân dịp triều đình Huế không muốn gây chuyện lớn đã không đá động tới Dupuis, Dupré đã sai Garnier đem 2 chiếc tàu con, 30 thủy bộ binh do Thiếu úy De Trentinian chỉ huy và 56 tùy tùng trong đó có 10 người Việt ra Bắc Kỳ; tiếp theo là 2 chiếc tàu chở 60 thủy quân pháo thủ và nhiều ngườI tùy tùng khác. Theo Phan Khoang ("Việt Nam Pháp Thuộc Sử : 1884-1945") thì Dupré đã dặn Garnier là :"Ông ra Hà Nội, vì triều đình Annam nhờ tôi bảo Dupuis dời khỏi thành phố ấy mà y đã đến từ tháng 11 rồi khô ng chịu đị Triều đình Annam và Dupuis tố cáo lẫn nhaụ Ông điều tra xem bên nào có lý. Dẫu kết quả thế nào, ông cũng phải cố nài cho Dupuis gấp rời khỏi Hà Nội, vì y ở đó là trái với hòa ước, trừ phi ông xét những lời kêu nài của y hợp lẽ công bằng và cho là có giá trị. Nhiệm vụ của ông không chỉ chừng â 'y là hết. Sự bất lực của triều đình Annam đã rõ ràng, việc giao thông với Vân Nam dễ dàng ai cũng trông thấy, vậy không dùng phương pháp cho có hiệu quả thì nhiều sự rắc rối như thế sẽ xảy ra nữa, hoặc do Dupuis hay do một người mạo hiểm khác. Vậy hay hơn hết là phải sớm tạm mở sông Hồng, từ biển đến biên thùy Vân Nam cho tàu bè Annam, Pháp và Tàu qua lại chịu một số thuế vừa phải. Phương pháp ấy không được trì hoãn. Ông nên hết sức làm cho người ta công nhận ngay đi." Garnier ghé Ðà Nẵng thông báo cho triều đình Huế biết là ông ra Hà Nội để dàn xếp vụ Dupuis và khai thương xứ Bắc Kỳ. Triều đình Huế có cử 2 vị quan cùng Garnier ra Bắc. Quan quân ta ai cũng tưởng Garnier ra để thu xếp vụ Dupuis nên khi đi đến đâu Garnier cũng được ta tiếp đón. Vào ngày 5/11/1873, Garnier đến Hà Nội; vừa lên bộ đã có lính của Dupuis dàn chàọ Sau đó, Garnier ra mắt Khâm Sai Nguyễn Tri Phương và có ý muốn đóng quân trong thành; Phương không đồng ý; sau cùng Garnier phải đóng ở Trường Thị Cũng vào lúc đó Garnier cho ra một tờ công bố trong đó ông xúi giục công giáo khiếu nại với ông về cách cư xử tàn tệ của các quan đối với họ. Theo mật lệnh của Dupré, Garnier phải liên lạc với những người thân nhà Lê để mưu toan lật đổ Tự Ðức và thừa dịp này Pháp sẽ đặt địa bàn trên đất Bắc. Ngày 16/11/1873, Garnier dán yết thị hiểu dụ dân VN với những điều khoản làm các quan ta ngơ ngác : Garnier có quyền gì mà hiểu dụ dân VN ? Theo Phan Khoang ("Việt Nam Pháp Thuộc Sử : 1884-1945), giám mục Puginier được mời đến Hà Nội để giúp ý kiến Garnier . Puginier lấy làm ngạc nhiên về quyết định quá táo bạo của Garnier và khuyên Garnier đừng liều lĩnh hoạt động một các thiếu khôn ngoan như vậy. Puginier đã ra lệnh cho người công giáo không được thông đồng với người Pháp. Quan quân ta cũng phòng bị khi thấy sau khi Garnier đến Hà Nội thì có 5 chiếc tàu Pháp chở lính tiếp rạ Thấy không khí nghi ngờ và tình trạng bất hòa này, một mặt Garnier bàn với Dupuis việc lấy thành Hà Nội, mặt khác, gởi tối hậu thơ cho Nguyễn Tri Phương. Trong tối hậu thơ này Garnier lật lọng nói là việc mình ra đây để đuổi Dupuis là không đúng; việc ra lần này là làm cho việc buôn bán có qui củ hẳn hòi để về sau khỏi xảy ra như ~ng vụ như Dupuis nữa; triều đình Huế đã bất lực, Garnier muốn tới đây là để ở lại và lo định đoạt phương sách làm xứ này thịnh vượng; những kẻ buôn bán sẽ được Pháp che chở; nhân dân sẽ được tự do đến đưa nguyện vọng; Garnier không thích những lời đe dọa. Vào ngày 20/11/1873, 6 giờ sáng, Garnier đánh thành Hà Nội. Nguyễn Tri Phương lên thành điều khiển. Phò mã Nguyễn Lâm (con Nguyễn Tri Phương) ra thăm cha, được cử đến giữ cửa Ðông-Nam. Quân địch leo lên mái nhà bắn vào thành; Nguyễn Lâm bị đạn chết. Nguyễn Tri Phương bị trúng đạn ở đùi phải. Quân địch trèo vào thành. Garnier chiếm cửa Nam và treo cờ Pháp. Phương bị thưong, cưỡi ngựa chạy ra thì bị một tên thông ngôn tố giác và bị bắt. Quân ta có đến 7000 quân; quân của Garnier là 90, hợp với 90 người của Dupuis mà đã hạ được thành Hà Nội chỉ trong một giờ. Bên địch chỉ có một người chết và 2 bị thương. Thành mất, Tổng đốc Bùi Ðức Kiên và Án sát Tôn Thất Hiệp trốn thoát về làng Nhơn Lực, huyện Thanh Trì. Về sau, Bùi Ðức Kiên bị Chánh tổng Kiên bắt nạp cho quan Pháp lấy 100 quan tiền thưởng. Nguyễn Tri Phương và các quan khác bị đem xuống tàu chờ giải về Gia Ðịnh. Về phần Nguyễn Tri Phương, ông không chịu để buộc vết thươ ng, nhịn ăn uống. Sau một tháng như thế, ông mất, thọ 67 tuổị Phương quả là vị tướng tài, làm quan cả 3 đời vua, trải mấy mư ơi năm đánh Nam dẹp Bắc, làm Kinh lược Nam Kỳ, lúc nào ông cũng tỏ một lòng vì nước vì dân. Chẳng ngờ vì gặp quân địch có hỏa pháo quá mạnh, cha con, anh em cả 3 đều phải chết, trả nợ nước. Tự Ðức sai đưa quan tài cha con ông về làng an táng; năm 1875, vua sai lập nhà thờ gọi là Trung Hiếu Tử tại làng Ðàng Long, Thừa Thiên. Tuy nhiên, khi nghị tội về việc thất thủ Hà Nội, các quan trong triều đã đề nghị cách chức của Phương, dù ông đã chết. Trong khi đó, Garnier đi mộ ở các tỉnh được 14,000 thân binh người Việt, trong đó có khoảng 2000 là công giáo; đa số người Việt theo Garnier là những người còn tưởng nhớ tới nhà Lê, nhất là quân vùng Quảng Yên. Không đầy một tháng, quân Pháp đã chiếm Ninh Bình, Phủ Lý và Nam Ðịnh. - những nơi mà Garnier chiếm lấy, cảnh tượng trở nên hổn độn. Chỉ trong 20 ngày, 4 tỉnh Bắc Kỳ (Nam Ðịnh, Phủ Lý, Ninh Bình, Hải Dương) thay nhau thất thủ. Theo Phạm Văn Sơn ("Việt Nam Toàn Thư"), quân Pháp có rất ít người, thí dụ khi hạ thành Ninh Bình chỉ có Thiếu úy Hautefeuille và 7 tên lính mà thôi. Sơn đã phê bình rằng "Cái hào khí của con cháu Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Ðạo đánh Tống, diệt Chiêm thảm hại đến thế là cùng...mà cũng vì đâu ?". Ðiều đó cho ta thấy, nhân tâm phân tán biết là bao. Nghe hung tin, Tự Ðức sai người thông báo với Dupré nhờ thuyết phục Garnier trả lại thành Hà Nộị Mặt khác, vua sai người ra Bă 'c để điều đình. Garnier thông báo rằng ông không muốn thành Hà Nội và yêu cầu triều đình đưa quan khác ra cai trị Triều đình cử Trần Ðình Túc, Nguyễn Trọng Hợp, Trương Gia Hội và giám mục Sohier ra Hà Nội để thương lượng. Sau khi được triều đình Huế thông báo về vụ thành Hà Nội, chính phủ Pháp ở Nam Kỳ gởi Philastre đi với Phó sứ Nguyễn Văn Tường ra Bắc. Lúc họ vừa tới Bắc thì nghe tin Garnier bị quân cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc (Vua phong Lưu Vĩnh Phúc làm đề đốc để cùng với vua quan Việt Nam chống giữ quân Pháp) giết tại Cầu Giấy, ngoaì Hà Nộị Nghe tin Garnier bị giết, Philastre nổi sùng định quay về nhưng nhờ Nguyễn Văn Tường dùng tài biện luận khéo léo nên Philastre đổi giận làm lành. Theo "Việt Nam Sử Lược", Philastre là một người điềm đạm, nhận thấy việc Dupuis và Garnier làm là những việc bất hợp pháp, ông ra lệnh cho trả lại VN các thành trì bị chiếm cứ, trả lại 4 tỉnh và buộc quân đội Pháp ở các tỉnh thu cả về Hà Nội, rồi định ngày rút quân ra đóng ở Hải Phòng, đợi đến ngày ký tờ hòa ước xong thì rút về Nam. Ðó là tháng 1/1874. Trong lúc đó, thấy Philastre phá tan kế hoạch của mình , Dupuis bèn vào Saigon kêu ca với Dupré và đòi phí tổn. Văn Thân tàn sát công giáo (1874) : 1.16 Ðịa phận Tây Bắc Việt : Biết trước rằng khi Pháp triệt thoái khỏi Bắc Kỳ thì Văn Thân sẽ trả thù công giáo vịn cớ là có một số công giáo đã theo Garnier đánh lại quân VN, nên giám mục Puginier đề nghị một cách hữu lý với Philastre tạm nán lại một thời gian để các quan VN có đủ thì giờ tập trung binh sĩ giữ trật tự, như vậy lúc quâ n Pháp rút lui thì các quan VN mới có phương tiện che chở công giáo khỏi bị Văn Thân sát hạị Nhưng Philastre không đếm xỉa gì tới lời yêu cầu này vì vào ngày 8/1/1874, quân Pháp đã bắt đầu triệt thoái khỏi Ninh Bình. Ðiều này cho thấy, thực dân chỉ lợi dụng cái lớp vỏ bên ngoài là "tự do tín ngưỡng" để xâm lăng VN. Ngày 11/1/1874, tại Nam Ðịnh, 14 làng công giáo bị đốt, một linh mục bị giết; cuộc tàn sát kéo dài tới 10 ngày liền cho tới khi giáo hữu còn sống sót chạy vào núi lẩn trốn. Trong địa phận của giám mục Puginier, có 3 linh mục, 25 chủng sinh và hă `ng trăm bổn đạo bị giết, 107 họ đạo bị phá hủy (Louvet :"Vie de Mgr. Puginier"). Puginier cũng có trách nhiệm phần nào trong vụ tàn sát này khi không dàn xếp được vụ Dupuis; mặt khác có một số giáo hữu của địa phận tự ý đi lính cho Garnier; tất cả đã đem đến cảnh thê thảm nói trên. 1.17 b) Ðịa phận Nam Bắc Việt : Văn Thân lấy những cớ đã nêu ở trên đổ cho công giáo vùng Tây Bắc Việt mà tàn sát họ, nhưng đối với địa phận Trung Bă 'c Việt thì Văn Thân không thể nào cáo buộc họ theo Pháp được, nhưng "giận cá chém thớt", ở Nghệ An có 2 Tú tài là Trần Tấn và Ðặng Như Mai đã tụ tập Văn Thân trong hạt, làm bài hịch "Bình Tây Sát Tả" (diệt Tây, giết tà đạo) rồi kéo nhau đi giết người công giáọ Theo "Việt nam Sử Lược", bài hịch đại khái nói rằng : "Triều đình dẫu hòa với Tây mặc lòng, sĩ phu nước Nam vẫn không chịu, vậy trước nhất xin giết giáo dân, rồi sau đánh đuổi người Tây cho hết, để giữ lấy cái văn hóa của ta đã hơn 1000 năm naỵ.." Ðám Văn Thân này có độ 3000 người, kéo nhau đi đốt phá các làng có đạọ Thấy các quan địa phương im hơi lặng tiếng, giám mục Gauthier liền cho phép công giáo cầm khí giới để tự vệ. Theo Launay ("Histoire Générale des Missions"), Gauthier có trần tình lên vua như sau : "Công giáo đã cầm khí giới không phải để chống lại triều đình, nhưng để bảo vệ mạng sống mình. Ðã có hàng ngàn người công giáo đã bị giết, các quan đã làm gì để chặn đứng cuộc giết hại này ?". Thật vậy, cuộc tàn sát đã trở nên khủng khiếp vì đã có khoảng 4,500 người công giáo bị giết và 300 họ đạo biến thành bình địạ Quan Tổng Ðốc Nghệ An đã có ý dung túng Văn Thân và do đó, họ càng đắc ý làm càng. Vào cuối tháng 3/1874, sau khi ký hòa ước 1874 với Pháp, Tự Ðức mới sai Nguyễn Văn Tường làm Khâm Sai và cùng Lê Bá Thuận đem quân đánh dẹp. Ngày 30/5/1874, Văn Thân chiếm Hà Tĩnh và cách mấy ngày sau họ đánh lấy 5 phủ thuộc Nghệ An. Có khoảng 20,000 Văn Thân vây Nghệ An, quan quân của triều đình sắp đầu hàng thì chợt đâu có 200 binh sĩ công giáo nổi lên cướp được một đồn của Văn Thân, giết một tư ớng giặc Văn Thân tên Tú Cừu và 30 chục quân; xong, họ kéo lên tỉnh giải vây cho quân của triều đình và giúp họ lấy lại các phủ huyện. Loạn Vă Thân kéo dài từ tháng 2/1874 tới tháng 6/1874 thì mới yên. Cụ Sáu ở Phát Diệm : Lúc Trần Ðình Túc, Nguyễn Văn Hợp và giám mục Sohier đến Ninh Bình trong chuyến đi gặp Garnier thì linh mục Trần Văn Lục, thường được gọi là cụ Sáu, đã đưa họ về Hà Nộị Nghe tin Philastre sắp cho quân Pháp triệt thoái, Lục trở về ngay Phát Diệm vì ông đoán rằng thế nào cũng có việc lôi thôi xảy rạ Sau khi đã sát hại công giáo ở Hà Nội và Nam Ðịnh, Văn Thân sắp sửa tiến về Phát Diệm thì nghe tin là bộ đội Pháp đã chiếm Phát Diệm. Văn Thân lập tức lui binh, nhưng thực sự đó chỉ là tin vịt mà Lục đã tung ra để ngăn chặn cuộc thảm sát. Sau đó, Lục được triều đình Huế mời về Ninh Bình để lo vụ hòa giải lương giáo ("Le Père Six"; Nguyễn Bá Tòng). Người ta lo ngại khi thấy Lục về Ninh Bình vì nơi dây đã có 2 linh mục bị giết, nhưng nhờ khôn khéo, Lục đã thu xếp và đem lại bình an cho cả 2 bên. Sau khi Lục trở lại Phát Diệm thì Tự Ðức và triều đình đã gởi giấy ban khen Lục (Olichoc :"Le Baron de Phat Diem"). Vào lúc này, trong khi Văn Thân ở Bắc Kỳ chém người công giáo như chẻ tre thì ở Trung và Nam Kỳ, vài vị quan lợi dụng dịp này để giết công giáo, nhưng họ đã không làm được việc gì. Hòa ước 15/3/1874 : Lúc Sohier, Trần Ðình Túc và Nguyễn Trọng Hợp ra Bắc thì Lê Tuấn và Nguyễn Văn Tường vào Nam Kỳ cùng với Philastre thương thuyết. Ngày 27/1/1874, Thiếu tướng Hải quân Dupré cùng Lê Tuấn và Nguyễn Văn Tường ký hòa ước gồm 22 điều khoản; theo đó ta mất đứt 6 tỉnh Nam Kỳ và đây là lần đầu tiên "nguyên tắc bảo hộ" đã được nêu ra. Sau đây là điều khoản thứ IX liên hệ tới tôn giáo : "Nhìn nhận đạo Công giáo dạy dân làm lành, Hoàng Ðế VN bãi bỏ những dụ cấm đạo trước và ban phép cho tất cả mọi người dân trong nước được tự do theo đạo và hành đạo." (Schreiner :"Abrégé de l'Histoite d'Annam"). Do đó, công giáo được phép tụ tập trong thánh đường, không bị bó buộc vì bất cứ lý do kỳ thị nào, được tham gia vào mọi sinh hoạt như người lương và có quyền không làm điều gì khác với tôn chỉ của đạọ Tự Ðức đã hủy bỏ những giấy tờ kiểm tra công giáo có từ 15 năm quạ Công giáo được hưởng chế độ thuế má như người lương. Họ không còn bị người lương buôn lời nhục mạ. "Thập điều" của vua Minh Mạng đã được sửa chữa. Các thừa sai được tự do đi lại; linh mục VN được giảng dạy như thừa sai; luật lệ dành cho người tu hành được cải sửa cho hợp với nền văn minh; tu sĩ được quyền xây cất thánh đường, tu viện, nhà thương, trường học, nhà nuôi trẻ; họ có thể thuê và mua đất. Của cải phải được trả lại cho người cô ng giáo. Khi Tự Ðức cố gắng thực hiện những cải tổ theo hòa ước thì đám quan trong triều tìm mọi cách để kéo dài tình trạng cũ. Hơn 1 năm sau khi ký hòa ước, ngày 31/10/1875, giám mục Sohier mới hân hạnh đọc được sắc dụ Hoàng đế cho phép được tự do tín ngưỡng tại nhà thờ của ông ở Huế. 5. 10 năm không kế hoạch : Sau khi đụng độ dai dẳng với Ðức, Pháp được rảnh tay và liền nghĩ tới Việt Nam. Chủ trương của Pháp dĩ nhiên sớm muộn gì cũng chiếm hết nước này cho kỳ được. Chính phủ Pháp ở xa xô i ít am hiểu tình hình nên tuy nhận được báo cáo của thực dân nhưng thường có những quyết định dè dặt. Thực dân Pháp ở Saigon thì đã có mặt tại đây gần 20 năm nên hiểu rõ nội tình và tìm cách dùng nhiều biện pháp để bắt chẹt triều đình. Theo Việt Sử Toàn Thư, triều đình Huế nay không còn người tài, vua chỉ thích ngâm vịnh, đám nho thần hủ bại không biết tính trư ớc. lo sau, quyền biến chậm chạp, lúng túng. Ðáng lẽ lợi dụng 10 năm chiến tranh giữa Pháp và Ðức, triều đình tại VN phải có phương kế gì để khai triển. Nhưng không, ta đi ỷ lại vào Trung Quốc mà không hiểu rằng chính Trung Quốc cũng đang suy bại, vẫn cứ tiếp tục bang giao và triều cống Tàu hầu nhờ họ chống lưng, chẳng hạn như việc phải nhờ Tàu sang dẹp giặc (1878-1879), cố tình đi trái với sách lược ngoại giao đã ký kết với Pháp. Ðó cũng là cớ cho Pháp thôn tính nốt phần đất còn lại, đành rằng nếu không có cớ này thì họ cũng có cớ khác. Triều đình lại có thái độ khuyến khích hay xúi giục quân Cờ Ðen làm nhục mạ đại diện Pháp ở Bắc Kỳ và ngăn trở 2 người Pháp là Courtin và Villeroi có giấy thông hành của VN lên buôn bán ở Vân Nam bị quân Cờ Ðen chặn lại ở Lào Kaỵ Ngoài ra ta còn có cử chỉ khiếm nhã với Khâm Sứ Rheinard khiến ông phải bỏ vào Saigon. Do có các việc lôi thôi này, Thống đốc Le Myre de Vilers đã gởi công điệp khiếu nại với Tự Ðức và vịn vào đó Pháp đem quân ra Bắc để "bênh vực quyền lợi của người Pháp". Kỳ này người được cử đi đánh Bắc Kỳ lần thứ hai là Henri Rivièrẹ Trước khi đi, Rivière dược căn dặn như sau :"Biện pháp mở rộng và củng cố ảnh hưởng của chúng ta ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ là biện pháp chính trị và ôn hòạ Việc ta sắp làm chỉ là để đề phòng mà thôị Dùng võ lực chỉ khi nào cần thiết hết sức..." Pháp lập nền bảo hộ ở Bắc và Trung Kỳ (1883-1885) Ngày 26/3/1882, Rivière rời Saigon với 2 chiến hạm Drac và Perseval, hai đội thủy và lục quân, một tiểu đội pháo, một toán lính tập người Việt. Tổng số độ 800 quân. Ngày 2/4/1882, Rivière tới Hà Nội gặp Tổng đốc Hoàng Diệu. Ngày 17/4/1882, Rivière báo tin cho Paris biết là sẽ hạ thành Hà Nội. Thành Hà Nội thất thủ; Hoàng Diệu tuẫn tiết. Lấy xong thành Hà Nội, Rivière ngừng lại không đánh nữa trong vòng một năm và được viện trợ từ Saigon với 750 lính Pháp và 400 lính Việt. Ngày 12/3/1883, Rivière chiếm Hòn Gai để dành quyền khai thác mỏ than Hòn Gaỵ Tổng đốc Nam Ðịnh huy động khoảng 20,000 quân định chặn đường tiếp tế của Rivière qua Hải Phòng, nhưng đội quân này đã bị quân của Rivière đánh và bỏ chạỵ Về phía Hà Nội thì quân ta đã kết hợp với quân Cờ Ðen của Lưu Vĩnh Phúc phục kích Rivière tại Cầu Giấy; Rivière tử trận cùng một địa điểm như Francis Garnier. Nghe tin này, chính phủ mới ở Pháp viện trợ tiền cho Nam Kỳ để đem toàn lực đánh Bắc Kỳ. Ngày 3/5/1883, Pháp đã tới Hà Nội và Nam Ðịnh. Trong lúc tình hình còn đang đen tối thì Tự Ðức từ trần (19/7/ 1883). Ông không có con kế tự (vì lúc nhỏ ông bị bịnh đậu sơ ?i; measles) nên đem cháu gọi bằng bác lên kế vị tức là vua Dục Ðức. 3 ngày sau, không theo lời di chiếu của Tự Ðức, 2 phụ chính Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường phế Dục Ðức, đem ông giam vào Trấn phủ và không cho ăn gì cả khi Dục Ðức chưa làm lễ đăng quang. 3 ngày sau, Dục Ðức chết. Thuyết và Tường liền đem ông Hoàng Út, em của Tự Ðức tên là Hồng Dật, lên ngôi lấy hiệu là Hiệp Hòa (21/7/1883). Hiệp Hòa vừa lên ngôi không lâu thì Toàn quyền Harmand một mặt sai thiếu tướng Bonet và Brionval dẫn quân đánh ngoài Bắc, một mặt ông và Courbet đem chiến thuyền đánh cửa Thuận An. Kết quả là hoà ước Harmand ra đời (23/7/1883) bắt buộc VN phải nhìn nhận sự bảo hộ của Pháp ở Trung và Bắc Kỳ. Ngày 30/11/1883, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết ép Hiệp Hòa uống thuốc độc (một thang thuốc bắc có thêm hồng hoàng và thạch tín) vì Hiệp Hòa muốn nhận cuộc bảo hộ của Pháp cho yên ngôi vua; có lẽ Hiệp Hòa quan niệm rằng chống Pháp chỉ có hại mà không có lợi, một phần triều đình cũng nghĩ vậy; còn nhóm Thuyết và Tường thì chủ chiến và họ đã làm mạnh khi bắt được chứng cớ Hiệp Hòa gởi thư cho Khâm Sứ Pháp về ý dịnh đầu hàng của ông. Sau đó, Thuyết và Tường đưa vua Kiến Phúc, tức ông Hoàng Ưng Ðăng, con nuôi của Tự Ðức mới 15 tuổi, lên ngôi. 8 tháng sau, nhằm ngày 31/7/1884, vua Kiến Phúc mất, nhưng dư luận ở Huế cho là Kiến Phúc đã khám phá ra Tường đã thông dâm với một Hoàng phi và 2 người này đã thuốc Kiến Phúc chết. Tường và Thuyết đưa người em vua Kiến Phúc lên thay thế, đó là ông hoàng Ưng Lịch, đế hiệu Hàm Nghi, nhằm ngày 2/8/1884. Trong lúc này ngoài Bắc đâu đâu cũng có người đứng lên chống Pháp và họ có thê ? cầm cự được là nhờ quân Trung Hoa giúp một taỵ Biết thế, Pháp ký với Trung Hoa hiệp ước Fournier theo đó quân Trung Hoa rút khỏi VN. Trong khi đó ở Trung, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường âm thầm chuẩn bị đánh Pháp. Tối 4/7/1885, họ ra lệnh nã súng vào doanh trại Pháp. Thuyết đem Hàm Nghi chạy trốn ra Quảng Trị rồi lên mạn ngược Quảng Bình, còn Tường thì nhờ giám mục Caspard đem ông ra "thú tội" với tướng Courcỵ Sau đó, người kế vị vua Hàm Nghi là vua Ðồng Khánh; ông trị vì được 3 năm thì mất (1885-1888).

Văn Thân lại tàn sát công giáo : 1885-1888

1. - Bắc Việt : ở Ðịa phận Tây Bắc Việt :

Từ khi vua Hàm Nghi bỏ cung điện chạy trốn, Văn Thân khắp nơi nổi lên giết giáo dân một cách tàn nhẫn. Tại xứ Ðoài (Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang), thuộc địa phận Hà Nội, có nguyên một làng phải chạy trốn. Một linh mục tên Cấp thuộc xứ Ðoài bị quân Cờ Ðen bắt trong khi ông đang giữ trong mình một ảnh Thánh giá. Bị hỏi là cái gì, ông trả lời dó là Chúa của ông và cũng là Chúa của họ Họ bắt ông dịch kinh "Lạy Cha" ra tiếng Việt rồi thắc mắc hỏi "Nước Cha trị đến" là cái gì ? Cấp trả lời Nước Cha có nghĩa là Nước Chúa. Nghe xong, họ chôn sống ông, đầu lộn ngược, 2 chân lòi ra khỏi đất mang một tấm bảng có mấy chữ :"Bọn theo tả đạo phải giết như thế này." Ngày 20/9/1886, Văn Thân bao vây Thanh Hóa; vì không lấy thành được, họ quay ra đốt các làng có đạo chung quanh. Có tất cả 100 họ đạo bị cháy ra tro. ở 2. Ðịa phận Nam Bắc Việt :

a) Làng Hướng Phương và Cồn Nâm : Ngày 31/1/1886, Văn Thân đến Hướng Phương. Linh mục tại đây tìm khí giới tự vệ và bao vây họ laị Sau 15 ngày bị cô lập, Văn Thân giải vây và đi vào các làng nhỏ để đốt phá. 3 tháng sau, họ trở lại với số quân đông hơn nhưng không làm gì nổi. - làng Cồn Nâm, vị linh mục đã quá già đã không chịu bỏ chạy. Lúc Văn Thân đến, ông đang cầu nguyện với 2 học sinh. Cả 3 bị lôi ra khỏi nhà và bị chém. Thật ra một số anh em bên lương không muốn tàn sát ngườI công giáo, nhưng các thủ lãnh Văn Thân ép họ phải làm như vậy. Vào tháng 2/1886, Tôn Thất Thuyết ở Bình Chính, gần Hướng Phương, có ra lịnh cho 10 lý trưởng đi tàn sát công giáo; họ không chịu làm và cả 10 người đều bị chém. Tuy nhiên tại Bình Chính, Văn Thân đã đốt hết 59 họ đạo và giết 600 người công giáo.

b) Làng Bảo Nham : Vào 10/1885, Văn Thân kéo tới bao vây làng này, trong làng có độ 250 người tráng kiện và 8 khẩu súng cùng giáo mác; ngày 12/11/ 1885, Văn Thân với 2000 người đã giết chết 20 ngườI công giáọ Thấy nguy ngập, họ trốn vào hang núi. Văn Thân đuổi theo, ra lệnh đốt núi, khói lửa tràn vào cửa hang. Trong hang, công giáo họp lại và phái 8 người xuống điều đình cùng Văn Thân, nhưng tất cả đều bị chém. Một thừa sai tên Klinger ở kế cận đã cùng 300 giáo dân đến cứu họ.

c) Làng Trung Nghĩa và Xuân Kiều : Ngày 20/10/1886, Hàm Nghi ra lệnh giết tất cả những người Việt công giáọ Vừa được lệnh, Văn Thân đem 6000 quân đánh làng Trung Nghĩạ Làng chỉ có 200 người có thể cầm khí giới. Thừa sai Arguese đã tổ chức cho họ tự vệ nên Văn Thân không làm được gì. Tại Hà Tĩnh, có đến 6000 bổn đạo bị giết, thừa sai Satre bị trọng thương, thừa sai Cras bị giết, số còn lại đã lập đồn lũy để tự vệ hoặc đem quân đi giúp những làng bị bao vâỵ Một số thừa sai đã đi lên núi để tìm những bổn đạo đang trú ẩn, đưa họ về và lo cơm nước. Tại Xuân Kiều, Văn Thân có nhờ 300 quân Tàu ô giúp sức, nhưng nhờ phòng thủ cẩn thận, đám giặc này đã để lại chiến trường 65 xác chết trong đó có 3 người Tàu. Cuối 1885, giám mục Croc của địa phận Nam Bắc Việt qua đời, giám mục Pineau thay thế.

2. - Trung Việt : Theo Ðào Trinh Nhất ("Phan Ðình Phùng") thì tại Trung Kỳ Văn Thân ra nhiều hịch để diệt tả đạo, trong đó có một hịch nêu lý do như sau : "Vì công giáo bán đứng quốc gia cho xâm lăng Pháp, cần phải trừ khử được quân tả đạo nội công đó, thì tự nhiên người Pháp thành ra trơ trọi yếu thế như cua mất còng, không bò, không kẹp được nữa." Có tờ hịch khác nói rằng hồi quân Pháp đánh thành Hà Nội chính người công giáo đã bắc thang cho Pháp leo vào thành. Tờ hịch vừa ra thì lập tức ở các tỉnh miền Trung các bậc khoa bảng đều vùng dậy, vứt lông bút, vớ lấy gươm đao hò nhau triệu tập nghĩa sĩ, đúc khí giới, phất cờ, đánh trống...đi lùng đánh bọn công giáo, kẻ thù của dân tộc. Ðứng trước sư 'c mạnh kinh khiếp này, một số công giáo đã vùng dậy bảo vệ mạng sống.

a) Quảng Ngãi : Văn Thân dấy binh và chiếm thành Quảng Ngãị Họ giết thừa sai Poirier, Guégan, Garin, đốt phá 10 họ đạo và giết hơn 6000 người công giáọ - Bình Ðịnh, họ giết các thừa sai Barrat, Dupont và Martin, đốt nhà giám mục Camalbeke, chủng viện Làng Sông và khoảng 150 họ đạo khiến 8000 người công giáo phải chạy trốn ra Qui Nhơn. Riêng tại Trà Kiệu và An Ninh thì có sự chống cự có qui củ của công giáo, nên Văn Thân càng tỏ ra hung tợn hơn.

b) Trà Kiệu : Theo Teysseyre ("Mgr. Galibert"), Trà Kiệu bị vây vào 1/9/1885. Thừa sai Bruyère, cha sở Trà Kiệu, với chỉ có vài cây súng nhưng từ khi bị Văn Thân bao vây, ông tổ chức cho dân làng làm giáo mác ngày đêm. Teysseyre chia 350 trai tráng có thể cầm khí giới thành 7 tiểu đội tự vệ và ngoài ra còn có 500 đàn bà làm binh thủ thành và cấp cứụ Thật ra với chỉ bao nhiêu khí giới này họ không mong sẽ bảo vệ được mạng sống. Văn Thân đi đến từ 4 phía và rượt đuổi công giáo từ vùng núi Kim Sơn về Trà Kiệu, la hét vang dội cả một góc trời. Thấy Văn Thân dữ dằn, công giáo Trà Kiệu cảm thấy nãn lòng. Tuy nhiên, thừa sai Bruyère là người đặc biệt tôn sùng Ðức bà Maria, mời gọi chức dịch trong làng và thuyết phục họ đừng sợ hãy trông cậy vào Ðức Mẹ hằng cứu giúp, hơn nữa kháng cự để bảo vệ mạng sống là một việc cần thiết; họ đã đồng thanh đặt lòng tin vào Bà Maria, bầu bà là nữ tướng của họ. Mỗi lần xuất quân, tất cả ông già bà lão trẻ con đều dến trước tượng của bà để xin sự phù hộ cho những người công giáo cầm gươm giáo vì bất đắc dĩ chống lại Văn Thân. Văn Thân không đánh đêm, vì nếu đánh đêm họ sợ công giáo sẽ chạy thoát được. Họ canh đêm rất nghiêm ngặt, cứ 5 phút họ cho loa rao rằng :"Các Ðội, các Vệ phải canh cho cẩn mật, đừng để đứa nào thoát được", rồi khắp nơi nghe tiếng dạ vang ầm lên làm cho họ đạo phải rợn tóc gáy. Công giáo đã đẩy lui nhiều đợt tấn công, nhưng tới đợt thư ' 5 thì vì Văn Thân quá đông, họ không thể cầm cự được nửa nên định ra hàng; tuy nhiên không ai dám đị Trước bước đường cùng, công giáo được khuyến khích cho lên tinh thần và có ngươ `i tung tin rằng sẽ có thừa sai Maillard đem người ra cứu họ. Nghe vậy, họ đã tử chiến và Văn Thân phải thất bại trước đợt tấn công nàỵ Thực ra bên Văn Thân không có người cầm quân, chẳng ai muốn nghe ai, toán nào đánh thì cứ đánh, toán khác thì đứng xem. Sau đó họ tổ chức nhiều đợt tấn công nữa với quân chi viện và súng đại bác; có lần họ xâm nhập vào tới trung tâm của Trà kiệu mà không giết được công giáo. Trong một lần khác, họ đem voi đến xáp trận, nhưng có một thanh niên lanh trí cầm đuốc xông vào giữa đàn voi khiến cho voi bỏ chạy. Sau trận này Văn Thân đem bộ tham mưu của họ đến đóng trong một ngôi chùa.

Trong ngày cầm cự thứ 21, binh sĩ công giáo đã chiếm núi Trọc; đình chùa miếu và nhà các sư cháy ngùn ngụt; dân bên lương tưởng rằng công giáo trả thù bằng cách đốt chùa ; thật ra nơi bị đốt phá là đại bản doanh của Văn Thân. Vào tối hôm đó, họ đã quây quần bên ảnh Ðức Bà Maria để cám ơn bà cho họ sức mạnh qua khỏi nghịch cảnh. Khác với Trà Kiệu, những nơi không chống cự đều bị giết. Ngày 6/9/1885, Văn Thân chiếm Quảng Trị và kéo quân vây các họ đạọ Các giáo hữu của các họ Dinh Cát, Nhu Lý, Bố Liêu, Ðầu Kênh, Ðại Lộc, Dương Lộc, Thanh Hương, Kẻ Văn, Cam Lộ, Mai Xá Rú, Vạn Thiện, Bái Sơn, An Hòa, Di Loan, An Ninh, An Bằng đều bị Văn Thân sát hại.
c) An Ninh : Theo Ravier ("Sử Ký Hội Thánh"), Launay ("La Société des Missions Étrangères Pendant la Guerre du Tonkin") và Jabouille ("Một Trang Huyết Lệ Trong Lịch Sử Quảng Trị") thì vào 10/9/1885 dân làng Tùng Luật, dưới sự đốc suất của Văn Thân, vây đánh họ đạo Di Loan và chủng viện tại đây. Thất bại, Văn Thân đã đốt chủng viện.

Từ Ðồng Hới, thừa sai Héry dã gởi người đem súng và đạn dư ợc tới để bảo vệ họ đạo. Văn Thân đóng đại đồn ở Tân Sài với 3000 quân, trong khi công giáo chỉ có 800 trai tráng, nhưng lực lượng này càng ngày càng yếu đi vì giáo dân chết mòn dần. Ngày 12/9/1885, Văn Thân lại vây đánh họ Di Loan để 2 họ đạo Di Loan và An Ninh khỏi giúp nhau; Di Loan bị đánh mạnh hơn vì Văn Thân biết nơi đây không có đạn dược và đồn lũỵ Thừa sai Dangelzer đem 1000 giáo dân Di Loan chạy về An Ninh. Sau khi đốt phá xong Di Loan, Văn Thân tập trung để làm thịt họ An Ninh.

Họ An Ninh có 5 linh mục VN, 3 thừa sai, 7 chủng sinh, 60 bà phước và 4000 giáo dân. Mỗi học sinh của chủng viện được phân công chỉ huy 1 đại độị Lương thực chỉ đủ dùng trong 20 ngày; đạn dược đã gần cạn. Tháp nhà thờ là nơi được dùng để làm chòi canh phòng ngừa giặc Văn Thân đến bất thình lình. Ngày 15/9/1885 và các ngày kế tiếp, Văn Thân chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn, họ nhận đạn dược và khí giới của đồn Cam Lộ kế cận. Các lương dân đem rơm, tre để đốt rào; Văn Thân vượt qua chỗ rào bị cháy và tiến vào làng, nhưng họ gặp sức kháng cự của công giáo. 85 Văn Thân đã mất mạng.

Vào 2/10/1885, quân Pháp đánh đồn của Văn Thân ở Tân Sài, do đó giáo dân ở An Ninh không còn bị sức ép của Văn Thân nữa. Sau những năm bắt đạo và chữ Trung Trong năm 1886, uy thế của vua Hàm Nghi rất lẫy lừng, dân lưu luyến ông và đâu đâu cũng gởi lương thực và khí giới cho quan quân của Hàm Nghị Nhưng lãnh binh Trương Quang Ngọc đã làm phản, Hàm Nghi bị bắt tại suối Ba Lộc giáp Bình Chính và Hà Tĩnh vào ngày 4/11/1888.

Theo Delvaux ("Quelques Précisions sur une Période Troublée de l'Histoire d'Annam"), hôm 6/11/1888 khi Hàm Nghi rời bỏ Thanh Lang, dù biết Hàm Nghi là người chủ mưu các cuộc bắt đạo, nhưng một vị linh mục làng Truông đến dâng cho vua một cái cáng bịt bùng có ý che đậy sự tọc mạch của dân; vị linh mục này còn sai 12 giáo dân ăn mặc lễ phục thay nhau khiêng cáng cho vua.
Hàm Nghi cảm động vì nghĩa cử này, hỏi linh mục :
"Quí danh ông là gì ?". Vị linh mục trả lời :
"Xưa kia tôi có học chữ Hán, tôi chỉ nhớ một chữ Trung. Hàm Nghi hiểu ý trả lời :
- Cám ơn ông.
Sau khi Hàm Nghi bị bắt, phong trào Văn Thân nguội dần. Bức màn hoà bình đã sụp xuống trên sân khấu mà trước đó người ta đã chứng kiến bao cuộc đổ máu tương tàn đồng bào của mình thật là lâu dài và bi thảm, đã làm cho đất nước càng suy yếu thêm. Kết luận Chúng ta vừa đi qua một đoạn dường đầy thảm khốc của đạo Cô ng giáo qua các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức và Hàm Nghị Có thể coi đây là một cuốn phim sống động diễn ra trước mắt chúng ta những cái chết của các vị thừa sai ngoại quốc và linh mục VN, của những giáo dân từ già tới trẻ chỉ vì muốn giữ vững tín ngưỡng của mình. Lương giáo đều một nhà, đều là con của Rồng và Tiên. Trước khi có Tam Giáo Ðdồng Nguyên (Khổng-Thích-Lão) từ ...n Ðộ và Tàu truyền sang và đạo Công giáo từ Tây phương truyền vào, người Việt đều biết đạo xử thế, đạo làm người, đạo thờ Trời, đạo thờ kính ô ng bà. Các đạo trên không đạo nào dạy phải ăn ở bất nhân hay bất nghĩa với đồng loại; mỗi đạo quan niệm sự thờ kính ông bà khác nhaụ Nhưng Tam Giáo Ðồng Nguyên truyền vào VN từ trước đã tự cho mình là "đạo dân tộc", tìm cách bôi bác và bắt hại không thương tiếc những người theo Công giáo, họ khăng khăng tự cho mình là "chính thống" của dân tộc. Kết quả của các chính sách thiếu khôn ngoan của nhà Nguyễn và cả triều đình đã làm cho dân tộc bị phân ly, tạo nên những cảnh chém giết tàn bạọ Ðiều quan trọng cần phải nhấn mạnh là không nên lý luận Tam Giáo Ðồng Nguyên đã giết và cấm đạo Công giáo vì các vị vua cầm quyền là những người theo Tam Giáo Ðồng Nguyên. Lý do dễ hiểu là trách nhiệm giết và cấm đạo là do chế độ quân chủ phong kiến. Trong thời này vua cầm vận mệnh nước, chứ không phải đa số nhân dân cầm vận mệnh đất nước.

Theo Trần Ngọc Thụ ("Vụ Án Phong Thánh") :
Từ năm 1615 - 1800 : từ đời các Chúa Nguyễn Phúc Nguyên sang tới đời Chúa Trịnh đến đời Nguyễn Tây Sơn (Thái Ðức và Cảnh Thịnh) : 30,000 giáo dân đã bị giết.

Từ năm 1820 - 1883 dưới các đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Ðức : 40,000 người bị giết.

Từ 1885 - 1886 : chỉ nguyên có một năm trời mà thôi, dưới trào Văn Thân có tới khoảng 60,000 người công giáo bị giết.

Tổng cộng sơ khởi của các vụ thảm sát :
- 150 linh mục VN.
- 438 thầy giảng và chủng sinh.
- 270 nữ tu dòng Mến Thánh Giá.
- 99,182 giáo dân.

Trong 117 vị được tôn làm thánh ngày 19/6/1988 thì :
- 1740 - 1767 : 2 vị bị xử dưới thời Trịnh Doanh.
- 1767 - 1782 : 2 vị bị xử dưới thời Trịnh Sâm.
- 1782 - 1802 : 2 vị bị xử dưới thời Cảnh Thịnh Nhà Tây Sơn.
- 1820 - 1840 : 58 vị bị xử dưới thời Minh Mạng.
- 1840 - 1847 : 3 vị đã tử vì đạo trong thời Thiệu Trị.
- 1840 - 1883 : 50 vị bị xử dưới thời Tự Ðức.
Các cực hình đau khổ gồm có :
- 5 bị xử trảm (chém đầu).
- 22 bị xử giảo (bị giây thừng thắt cổ).
- 9 bị tra tấn và chết rũ tù.
- 6 bị thiêu sống.
- 5 bị xử lăng trì (bị xẻo thịt, cắt từng mãnh của thân thể cho tới chết).

Tính theo thành phần quốc tịch được tôn thánh :

Việt Nam có 96 vị trong đó có 37 linh mục và 59 giáo dân.
Tây Ban Nha có 11 vị gồm 6 giám mục và 5 linh mục.
Pháp có 10 vị trong đó có 2 giám mục và 8 linh mục.
Trong gần 300 năm, có vào khoảng 130,000 người công giáo đã bị giết.

Ta vẫn còn nghe văng vẳng đâu đó lập luận trong vài cuốn sách "hiện đại" đã phê bình nghiệt ngã và bất công công cuộc truyền bá đạo này tại VN với việc thực dân Pháp đặt nền thống trị và chiếm cứ VN; nó xuất phát từ thời Nguyễn Ánh đang tranh bá đồ vương với Trịnh Lê và nhà Tây Sơn. Trước khi làm chúa sơn lâm thì Gia Long đã phải nhờ vả Bá-Ða-Lộc; sau khi lấy được giang sơn, ông đã quay mặt đi với người đã từng chân thành giúp ông. Các con của ông và triều thần đã trở mặt tàn sát người công giáo với đủ mọi lý do cho dù họ vẫn trung thành với đất nước. Theo quan niệm Nho giáo, khi đã có quần chúng thì phải có quân hay vuạ Quân giữ cái chủ quyền để chịu tất cả trách nhiệm về sinh hoạt và tính mạng của dân. Cái chủ quyền này gọi là "thần khí", nghĩa là một vật thiêng liêng do trời ban cho, nghĩa là dân thuận thì mới được giữ. Nhưng người gian ác chiếm giữ cái "thần khi" đó thì sao ? Trần Trọng Kim ("Việt Nam Sử Lược") phê bình rằng : "Ngay những người đã làm đế vương mà lạm dụng chủ quyền để làm những điều tàn bạo cũng chỉ là người tàn tặc mà thôi, chứ không phải là thật bậc đế vương nữạ" Ðào Ðăng Vỹ ("Nguyễn Tri Phương") đã viết : "Ai đã đọc qua cuốn Tuy Lý Vương của Trần Thanh Mại, thì biết cái cảnh sa đọa của con cháu nhà vua Tự Ðức. Các nho sĩ trong nước thì chỉ theo cái học từ chương Tống Nho để thi đậu làm quan, gặp việc gì ở đời cũng đem Ngũ Kinh, Tứ Thư ra dẫn chư 'ng, mỗi lời nói thường viện dẫn những Khổng Tử viết, Mạnh Tử viết, chứ không tìm tòi thêm nữa." Trần Trọng Kim ("Việt nam Sử lược") : "Lúc bấy giờ không phải chỉ một mình nhà vua ghét đạo mà thôi, phần nhiều những quan lại cũng đều một ý cả, cho nên sự cấm đạo càng nghiệt thêm." Còn về phong trào Văn Thân và Cần Vương là 2 phong trào mà vài cuốn sách dám cho là ởchủ điểm đấu tranh của các bản cương lĩnh chính trị để thể hiện cái ước vọng lớn lao và đại chúng của nhân dân là "giết đạo" trước rồi "đánh Tây sau"ở thì sao ? Ta đã thấy trước khi có phong trào Văn Thân vào 1847 (năm Tự Ðức thứ 27, phong trào này xuất hiện chống cả triều đình khi lực lượng càng tỏ ra quá khích ) thì đã có những cuộc bắt đạo thảm khốc rồị Phong trào Cần Vương xuất hiện vào 24/4/1885 sau khi có binh biến ở kinh đô, đồn Mang Cá thất thủ, vua Hàm Nghi trốn ra Quảng Trị; Tôn Thất Thuyết ở Quảng Bình làm hịch Cần Vương truyền đi các nơi. Chỗ nào sĩ dân cũng nổi lên, đổ cho dân công giáo gây mốI loạn, rồi tạo nên các cảnh tàn sát. Trong "Việt Nam Pháp thuộc sử", Phan Khoang có viết : "Vào cuối thế kỷ 17, ở Ðàng Trong cũng như ở Ðàng Ngoài, việc truyền bá đạo Thiên Chúa bị cấm nghiêm, nhiều lần giáo đồ bị giết, giáo sĩ bị bắt giam, có khi bị hành hạ tới chết. Năm 1698, Chúa Minh Vương bắt giáo sĩ, giết giáo đồ. Năm 1696, Chúa Trịn Căn đốt hết sách đạo, các giáo đường, và đuổi các giáo sĩ. Nguyên do không có gì hơn là các thầy Tăng đạo Phật, thầy cúng đạo Giáo, đương thịnh, thời không thiếu gì lời gièm phạ Và Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn thấy người Âu Châu không giúp được mình như ý muốn trông đợi để thắng kẻ địch, cũng khô ng nể vì nữạ" Như vậy việc "sát tả" thì đã có từ lâu trước Văn Thân, còn "bình Tây" thì phải đợi đến 1875 mới có Tây mà sát. Nói một cách khác từ 1627 khi chưa có nền đô hộ của Pháp thì đã có câ 'm và giết đạo rồị Như thế việc giết đạo và cấm đạo chỉ là do mối thù tín ngưỡng hơn là chính trị vì trước đó cũng như từ năm 1800, khởi triều của vua Gia Long, qua Minh Mạng, hết Thiệu Trị, đến Tự Ðức vào năm 1847 thì Pháp chưa đặt nền đô hộ tại VN. Theo Trịnh Việt Yên ("Máu Tử Ðạo Trên Ðất Việt Nam") thì lý do của các thảm cảnh cho đạo này là : "Ðạo Công giáo bị coi lầm là một tà đạo, có thể làm nguy hại đến thuần phong mỹ tục và những tập quán cổ truyền trong nước, có những kẻ theo đạo thì bị người khác cho là những kẻ đi ngược lại với luân thường đạo lý, có thể làm đảo ngược trật tự cựu truyền. Sau cùng nó đã trở thành một mối hận ghen ghét không gì có thể làm dịu lại được. Chính mối nguy hại thù ghét đó đã biến các giáo sĩ và người công giáo trở thành những kẻ thù không đội trời chung của vua quan, có lúc của cả dâ n Việt. Chính đó là nguyên nhân gây nên thảm cảnh cốt nhục tươ ng tàn giữa anh em đồng bào lương giáo về cuối thế kỷ 19, và đã làm đổ máu từng trăm ngàn người vô tội." Chính sự thù ghét này đã tạo nên bao việc ghép tội mà những người chủ động khuyến khích là giới cầm quyền hủ Nho. Mặt khác, ta càng không thể lý luận như sau : công giáo là đạo của Tây, đạo Công giáo đã theo Tây, đạo Công giáo đã đem Thực dân Pháp vào Việt Nam; cũng như ta cũng không thể lý luận rằng đạo Phật là đạo của Tàu, đạo Phật đã theo Tàu, và đạo Phật cũng đã đem Tàu vào nước ta, cho dù 1000 năm đô hộ giặc Tàu so với 100 năm đô hộ của giặc Tây còn khủng khiếp hơn nhiều. Sự thù ghét cổ súy bởi những ma đầu trong lịch sử VN đã gây cho dân tộc này sống dở chết dở và về sau nữạ Vào thế kỷ này, một người tên Hồ Chí Minh đã tạo nên một sự thù hận khác : thù hận về giai cấp; đặc biệt hơn nữa, nền văn hóa dân tộc từ lâu đời không được làm cho tiến bộ thêm mà còn bị hủy diệt. Một điều thấy rõ là nền văn hóa của ta được làm cho phong phú hơn, cập nhật hóa hơn bởI sự du nhập của Công giáo, nhưng lại bị kềm hãm bởi nền văn hóa Mác-xít. Thế là một cuộc bể dâu khác đã diễn rạ..Ngày nào dân tộc VN chưa có dân chủ và tự do thật sự, họ sẽ còn ở trong vòng lẩn quẩn của các triêu đại phong kiến và siêu phong kiến.

Tài liệu tham khảo :

- Việt Nam Giáo Sử; Phan Phát Huồn; Cứu Thế Tùng Thư, 1965.

- Việt Nam Sử Lược; Trần Trọng Kim; 1971.

- Việt Sử Toàn Thư; Phạm Văn Sơn; nxb Ðại Nam, 1983.

- Việt Nam Pháp Thuộc Sử; Phan Khoang (1907-1971); nxb Khai Trí, 1961.

- Nguyễn Tri Phương; Ðào Ðăng Vỹ; nxb H.T. Kelton; 198?

- Vụ Án Phong Thánh; Trần Ngọc Thụ.

- Việt Nam Văn Minh Sử Cương; Lê Văn Siêu; nxb Lá Bối, 1967.

- Văn học sử thời kháng Pháp : 1858-1945; Lê Văn Siêu; nxb Xuân Thu, 1991.

- Ðạo Thiên Chúa và Chủ Nghĩa Thực Dân Tại VN 1857-1914; Cao Huy Thuần; nxb Hương Quê.

- Vietnam : History, Documents, and Opinions on a Major World Crisis by M..E Gettleman; Greenwich, Conn. : Fawcett Publications, 1965.

- Lịch sử nội chiến ở Việt Nam (1771-1802); Tạ Chí Ðõi Trường; Văn Sử Học, 1973.

- Quảng Trị : Mạch đất tình người; Lê Thọ Giáo; 1990.

- Tiếng Việt và chữ quốc ngữ trải qua thời đại; Biên khảo của Quán Phong; Ði Tới, số (?), 1995.

hytran@my-dejanews.com Post in Soc.Culture.Vietnamese date: Friday Nov. 13th, 1998

Live Stats For Website